Ngày 1-7, hơn một triệu thí sinh trên cả nước chính thức tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ðây là kỳ thi "hai trong một" hoàn toàn mới so với những năm trước đây, với mục đíchvừa dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ). Vì vậy, thí sinh cần nắm vững những quy định mới để tham dự kỳ thi đạt kết quả tốt.

 

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi tám môn gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút, thi vào các buổi sáng; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút, thi vào các buổi chiều. Riêng môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Ðể xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi bốn môn, gồm ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Ðể xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ÐH, CÐ thí sinh dự thi bốn môn như nêu trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ÐH, CÐ quy định. Thí sinh cần lưu ý, buổi sáng từ 7 giờ 15 phút, cán bộ coi thi đánh số báo danh vào chỗ ngồi của thí sinh, gọi thí sinh vào phòng thi, đối chiếu, kiểm tra ảnh, thẻ dự thi; phát đề, tính giờ làm bài từ 8 giờ. Buổi chiều thời gian làm bài của thí sinh từ 14 giờ 30 phút. Thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi, đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự buổi thi đó.

Thí sinh không được mang điện thoại vào phòng thi, nếu không sẽ bị đình chỉ thi kể cả khi điện thoại đã tắt nguồn. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, com-pa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi Ðịa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Thí sinh không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng com -pa và tô các ô trên trả lời trắc nghiệm, đồng thời chỉ được viết bằng một thứ mực và không được dùng mực mầu đỏ. Riêng các môn trắc nghiệm, thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời in sẵn và chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.

Một trong những điểm đáng chú ý là vấn đề đề thi năm 2015 dùng cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ; nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 nhưng sẽ có những điểm mới. Theo Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Mai Văn Trinh, đề thi năm 2015 đặt ra yêu cầu hai mức độ cơ bản và nâng cao, tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2014. Trong đó, tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% và tỷ lệ cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm để bảo đảm phân loại được thí sinh. Ðề thi sẽ ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Riêng đối với đề thi môn Ngữ văn sẽ có hai phần đọc hiểu và làm văn; đề thi các môn Ngoại ngữ có hai phần viết và trắc nghiệm.

Vì vậy, để làm bài thi hiệu quả, theo các chuyên gia giáo dục, đối với các môn thi tự luận, thí sinh cần đọc kỹ đề, lựa chọn những câu hỏi dễ để làm trước chứ không nên làm theo thứ tự câu hỏi trong đề thi. Do đề thi dành 40% cho phần kiến thức nâng cao, cho nên thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian vào những câu hỏi khó mà nên tận dụng thời gian làm trước câu hỏi thí sinh nắm chắc kiến thức. Cần tăng khả năng vận dụng kiến thức, tích cực làm bài trên cơ sở thông hiểu và vận dụng, hạn chế làm theo khuôn mẫu. Ðối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần chủ động vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước; đối với môn Ngoại ngữ, cần chú ý phần viết luận sao cho lô-gích, phù hợp. Trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm nên bắt đầu làm từ câu số một, lần lượt lướt nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đối với những câu chưa làm được cũng cần xem xét loại trừ các phương án sai, đánh dấu vào nháp; lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề, sau đó quay trở lại làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian nghiền ngẫm những câu quá khó đối với mình, có thể bỏ qua các câu khó để giải quyết những câu khác dễ hơn rồi sẽ quay trở lại lần hai để làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Ðối với câu đã khẳng định được phương án đúng, không nên làm trên giấy nháp trước rồi mới tô đáp án sau, vì cách làm này sẽ khiến thí sinh bị mất thời gian. Thí sinh cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất, không nên bỏ trống một câu nào.

Một điều quan trọng nữa là các thí sinh cần tự tin, giữ gìn sức khỏe, chấp hành nghiêm quy chế, chủ động, tập trung làm bài. Cần giữ được bình tĩnh trong quá trình làm bài và xử lý các tình huống phát sinh nếu có để không bị phân tâm hoặc tạo tâm lý lo lắng trong quá trình dự thi.

 

 

                                                                                Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục