Bệnh tiêu chảy cấp lại xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó nhiều trường hợp được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả

 

Với số lượng bệnh tăng nhanh trong khoảng một tuần trở lại đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải huy động khu cách ly để điều trị những bệnh nhân này.

Bệnh nhân tiêu chảy cấp điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

 

Nhiều người Hà Nội nhiễm khuẩn tả           

 
Bệnh nhân N.B.T, 23 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, là một trong những trường hợp được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả sau khi nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Theo lời kể của người thân bệnh nhân này, ngày 28-6, anh T. ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống mua ở chợ gần nhà, ngay hôm đó, anh T. bị đau bụng đi ngoài. “Cứ nghĩ đơn giản chỉ là đau bụng nên gia đình tự điều trị tại nhà nhưng không ngờ, càng ngày bệnh càng nặng, đến lúc đưa vào viện, bệnh nhân đã bị lả vì mất nước, người xanh xao, đau bụng, đi ngoài liên tục, đi lại không vững...”- người nhà bệnh nhân này kể lại. Sau gần 2 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hơn. 
 
Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ ngày 28-6 đến nay, hầu như ngày nào bệnh viện này cũng tiếp nhận các ca tiêu chảy nặng vào điều trị. Đã có hơn 30 ca tiêu chảy cấp nhập viện, trong đó phát hiện 17 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả cư trú ở Hà Nội, chỉ có một trường hợp ở Bắc Ninh. Trong đó, có 2 bệnh nhân do bị tiêu chảy quá nhiều và nhập viện muộn đã dẫn đến suy thận, phải truyền nước, bù điện giải liên tục mới hồi phục. Với số bệnh nhân tăng nhanh, bệnh viện này buộc phải huy động khu cách ly để điều trị bệnh tiêu chảy.
 
Đáng quan tâm là nếu như những năm trước, các nhà dịch tễ nhanh chóng xác định được thủ phạm chính gây ra các đợt dịch tiêu chảy cấp là do thịt chó, mắm tôm, rau sống thì qua điều tra dịch tễ ban đầu, với các bệnh nhân hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nguồn gây bệnh hiện đã mở rộng rất nhiều. Có những trường hợp bị bệnh từ nguồn thức ăn mua sẵn ngoài chợ, có người do ăn bún, uống nước đá, một số không rõ yếu tố gây bệnh nhưng gặp nhiều nhất vẫn là những trường bệnh nhân bị tiêu chảy cấp do ăn rau sống kèm ăn thịt chó, mắm tôm.
 
75% người mắc tả không biểu hiện bệnh
 
TS Kính nhận định gần đây, nguyên nhân gây bệnh đã đa dạng hơn, đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh lớn hơn, khó phòng hơn song điểm chung giữa tất cả những trường hợp bị tiêu chảy cấp vẫn là do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đáng quan tâm là ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết gần đây, có đến khoảng 75% người nhiễm phẩy khuẩn tả không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Trong số những người có triệu chứng tả, 80% ở thể nhẹ và vừa, chỉ có 20% có biểu hiện mất nước nặng. Vì thế, rất khó phát hiện và quản lý được người lành mang trùng gây bệnh.
 
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cảnh báo do vi khuẩn gây bệnh lan truyền chủ yếu theo đường ăn, uống cho nên ăn, uống phải hết sức thận trọng. Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy cấp là nên “ăn chín, uống sôi”. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã.
 

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

 
TS Trần Như Dương đánh giá: vi khuẩn tả có thể tồn tại trong nước; sống bám vào các loài nhuyễn thể, giáp xác, động thực vật phù du (rong, tảo, ngao, sò, ốc...); thực phẩm và nước có nhiễm khuẩn tả, tồn tại ở người lành mang trùng... nên nhiều khả năng bệnh tả có thể xảy ra tại một số địa phương trong thời gian tới với quy mô nhỏ hoặc vừa. Tuy nhiên, bệnh tả vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát lớn nếu các địa phương không duy trì thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, phòng bệnh chủ động cũng như triển khai đáp ứng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

 

                                                                                      Theo NLĐ

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục