Cán bộ kế toán kiêm y tế học đường trường tiểu học Lê Văn Tám cân, đo theo dõi sức khỏe cho học sinh.

Cán bộ kế toán kiêm y tế học đường trường tiểu học Lê Văn Tám cân, đo theo dõi sức khỏe cho học sinh.

(HBĐT) - Y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nhưng trên thực tế, công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Một số trường chưa có cán bộ y tế, nếu có chủ yếu cũng làm kiêm nhiệm, không có trình độ chuyên môn.

 

Thực tế từ một trường chuẩn quốc gia

 

Trường tiểu học Lê Văn Tám, phường Đồng Tiến (TPHB) được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 1998 với trên 500 học sinh thường xuyên ăn bán trú. Số học sinh đông nhưng đến nay, trường vẫn không có cán bộ y tế chuyên trách mà chỉ có nhân viên kế toán kiêm nhiệm. Chị Trần Thị Mai Lương, cán bộ kế toán kiêm phụ trách y tế bày tỏ: Một mình phải đảm nhiệm 2 công việc nên cũng ảnh hưởng đến công tác y tế. Song, vấn đề khó khăn nhất là không có chuyên môn. Vừa qua, phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn không phải riêng tôi mà nhiều cán bộ kiêm nhiệm y tế ở các trường khác cũng mất 1 ngày mới biết sơ sơ thế nào là máy đo huyết áp và cách đo. Trong khi đó, lứa tuổi học sinh rất hiếu động, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích cao. Trường hợp cần sơ cấp cứu ban đầu trước khi đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa nếu không có chuyên môn thì khá lúng túng. Nhiệm vụ của y tế trường học nhiều, từ tham mưu cho hiệu trưởng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác y tế hàng năm; theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đến kiểm tra VSATTP, sơ cấp cứu và xử lý các trường hợp tai nạn; quản lý sổ y bạ… Nếu chuyên tâm làm hết những nhiệm vụ này cũng không còn thời gian rảnh rỗi. Bản thân tôi mong có riêng một cán bộ y tế học đường chuyên trách để công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh được tốt hơn.

 

Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Thị Hòa cho biết: Năm 2011, trường được chọn thực hiện mô hình trường học nâng cao sức khỏe và đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông dinh dưỡng, nâng cao hoạt động thể chất. Nhiều nội dung đã được triển khai như: tuyên truyền chế độ ăn uống hợp lý, cách rửa tay bằng xà phòng, kiểm tra sức khỏe cho 100% học sinh, giáo dục vệ sinh răng miệng, sơ cứu ban đầu nhằm xử lý ngay tại chỗ, sớm nhất các tai nạn và một số bệnh thông thường (cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy…) Mặc dù đã có những thay đổi khi thực hiện dự án nhưng cán bộ y tế trường học cần được tập huấn thêm nghiệp vụ cơ bản xử lý các tình huống thường xảy ra trong trường học như: gãy tay, co giật, điện giật, ngất, đo huyết áp. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải có cán bộ y tế được đào tạo, có chuyên môn.

 

Cần sự quan tâm đúng mức

 

Ông Mai Đức Sỡi, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho rằng: Nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên y tế học đường ngày càng cao, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn. Thông tư 35 ngày 23/8/2006 của liên bộ GD&ĐT và Y tế đã có hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó, trường tiểu học hạng 1 và trường THCS, THPT được bố trí 1 biên chế y tế trường học. Nhưng ở tỉnh ta hiện mới có 296/696 trường có cán bộ y tế chuyên trách, 286 trường có phòng y tế và cán bộ kiêm nhiệm. Về trình độ, 305 cán bộ là y sĩ, còn lại là giáo viên hoặc nhân viên. Ngay cả trên địa bàn thành phố với tổng số 54 trường có đến 30 trường sử dụng cán bộ y tế kiêm nhiệm, chủ yếu là số giáo viên dôi dư được bố trí sang.

Từ năm 2011, dự án mục tiêu y tế trường học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai tại 16 trường điểm của huyện Kim Bôi và TPHB. Ngoài ra, tỉnh cũng bắt đầu triển khai các dự án nâng cao sức khỏe tại trường học do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ; chương trình P/S khám và chữa răng. Qua kết quả kiểm tra của Trung tâm YTDP tỉnh tại 110 trường, tỷ lệ các trường có trang bị hệ thống chiếu sáng phòng học đạt tiêu chuẩn còn thấp (với phòng học thông thường ở trường THCS là 11%, TH 12%, THPT 20%; với phòng học bộ môn ở trường THCS là 0%). Hầu hết các trường hiện đều sử dụng bàn ghế cũ, chưa phù hợp theo quy chuẩn. Việc sắp xếp bàn ghế để đảm bảo góc nhìn bảng cho học sinh chỉ đạt 1% theo quy định. Số trường có nhà tiêu hợp vệ sinh ở trường TH là 51%, THCS 52%, THPT 82%. Đặc biệt, chỉ có 33% số trường tiểu học bố trí bếp ăn theo nguyên tắc 1 chiều; 47% trường thực hiện tốt chế độ vệ sinh bếp ăn và dụng cụ học sinh; 50% trường lưu mẫu thức ăn theo quy định; 62% nhân viên phục vụ bếp được tập huấn về VSATTP; 50% có hợp đồng với đơn vị cung cấp thức ăn.

Năm 2012, nhiều nội dung cũng sẽ tiếp tục được đưa vào thực hiện trong trường học như: nha học đường, mắt học đường, vệ sinh y tế học đường. Tuy nhiên, tất cả những chương trình đó đều khó thực hiện khi cán bộ y tế học đường vừa thiếu, vừa yếu, trang thiết bị y tế còn sơ sài. Tỉnh cũng chưa thành lập được BCĐ công tác y tế trường học cấp tỉnh, huyện, xã nên chưa có các văn bản chỉ đạo chung cho 2 ngành. Theo ông Mai Đức Sỡi, hệ thống này cần nhận được sự quan tâm đúng mức hơn để đáp ứng được yêu cầu, nhất là hiện nay, một số dịch bệnh bùng phát mạnh và có ổ dịch trong trường học như tay-chân-miệng, thủy đậu... 

 

                                                                  

                                                                 Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục