Các em khuyết tật tại Trung tâm tư thục Long Thành đón nhận quà của các nhà bảo tâm.

Các em khuyết tật tại Trung tâm tư thục Long Thành đón nhận quà của các nhà bảo tâm.

(HBĐT) - Người ta nói rằng, ở những người khuyết tật, mỗi người cảm nhận mùa xuân theo cách của riêng mình. Đối với người khiếm thính thì mùa xuân là hoa, là nụ cười hay là ánh nhìn trìu mến của những tấm lòng hảo tâm.

 

Với những người khiếm thị, mùa xuân là tiết mục văn nghệ  hay những lời chúc tụng năm mới. Còn đối với các em khuyết tật ở Trung tâm tư thục Long Thành, mùa xuân lại  là tiếng máy may vồn vã chuẩn bị cho lô hàng cuối năm, là khoanh mực đỏ đánh dấu ngày nghỉ để khăn gói về quê ăn Tết sau một năm lao động miệt mài. 

 

Chúng tôi đến Trung tâm tư thục Long Thành vào những ngày cuối năm, khi tết Quý Tỵ đang đến gần.  Đến nơi đây có cảm giác tách  biệt hẳn với sự ồn ào của thành phố. Tuy nhiên, khi vào sâu trong nhà xưởng, chúng tôi mới cảm nhận rõ không khí làm việc hăng say, náo nhiệt. Cái náo nhiệt của tiếng máy may, tiếng kéo cắt chỉ hoà lẫn với tiếng cười, đùa nói chuyện. Đang vào những tháng cao điểm cuối năm nên các em khá bận rộn, ai cũng bảo cố nốt lô hàng này để sớm được về nghỉ Tết. Nghe các em nói chuyện, không hiểu sao tôi thấy mình như đang lạc vào một phân xưởng lớn chứ không phải là một trung tâm dành cho người khuyết tật. Tranh thủ khoảng giải lao giữa giờ, tôi cũng kịp trò chuyện với những công nhân may đặc biệt này, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống, mùa xuân và không khí ngày Tết. Sau một hồi trò chuyện, các bạn nhỏ ở đây đồng loạt “đề cử” cô bé Xa Thị Lục (xóm Giằng - Cao Sơn - Đà Bắc) chính là một trong những người háo hức mong Tết nhất bởi Lục mới xuống trung tâm được 2 tháng và đây cũng là lần đầu tiên em đi xa nhà, xa bản làng. Lục kể, nhà em có 7 anh, chị em, duy chỉ có em là người bị khuyết tật. ở quê em, ngày Tết Nguyên đán cũng thường trùng với ngày tết cơm mới của người Tày Đà Bắc. Tết cơm mới thường bắt đầu từ tháng 12 cho đến tháng 1 âm lịch. Trong khoảng thời gian này, mỗi dòng họ ở đây tự chọn một ngày để ăn tết cơm mới nhưng hầu hết các nhà vẫn thường chọn vào khoảng thời gian trùng với Tết Nguyên đán để cả gia đình được quây quần bên nhau. Trong những ngày Tết đó không thể thiếu món đặc sản thịt chuột rừng gác bếp, cá suối đồ, ngoài ra còn có những trò vui... “Nhưng em chưa bao giờ được tham gia những trò ấy đâu chị ạ bởi em là một cô bé kém may mắn, chân bị tật, không đi lại được nhiều nên  với em những ngày Tết cũng chỉ quanh quẩn ở nhà” - Lục tâm sự. “Nhưng năm nay sẽ khác chứ” - Tôi an ủi cô bé. Nghe vậy, Lục lại hồn nhiên “Vâng, năm nay sẽ khác. Em đã được đi làm rồi. Lần đầu tiên ngồi vào máy may, em đã tưởng mình không thể làm được nhưng bây giờ em đã có thể may gia công hàng xuất khẩu rồi, em làm khâu vào đỉa quần. Mỗi ngày trung bình em làm được 150 - 200 sản phẩm. Giờ em vui lắm, em đã có thể tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân, làm những việc có ích cho xã hội. Em cũng được gặp nhiều bạn bè hơn, các bạn cũng chung hoàn cảnh như em vậy. ở đây, em còn được học sáo tiêu tại trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật. Tết này, em tự tin để biểu diễn sáo cho các bạn nghe rồi nhé”.  

 

Nói rồi, Lục liệt kê một loạt những việc cần làm để chuẩn bị cho chuyến về quê ăn Tết đầu tiên của mình. “Em sẽ đi chợ, mua một ít bánh kẹo xanh đỏ, hạt dưa về làm quà cho gia đình, em muốn mua một túi hàng về cho bà. Bà em già rồi, cả đời bà chỉ ao ước mua được một túi quà tết đặt trong giỏ mây, phủ bao bóng kính và thắt nơ hồng thật đẹp để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Em cũng sẽ mua tặng mẹ một chiếc áo mới, mẹ em 59 tuổi rồi, ở nhà nông vất vả lắm chị ạ. Chẳng khi nào thấy mẹ mặc áo mới”.

 

Một cô bé khá hiền lành ngồi bên trên Lục là Bùi Thị Lương, mới 20 tuổi nhưng  Lương cũng đã xuống trung  tâm được hai năm nay. Công việc đã thạo, cuộc sống xa nhà cũng đã quen nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, cô bé Lương lại muốn mau chóng hoàn tất công việc, trở về bản Thăn Trên - xã Miền Đồi (Lạc Sơn) để thoả mãn ngắm nhìn những cây nêu ngày Tết, cùng xem các mẹ, các chị chuẩn bị lá dong, lá chuối gói bánh chưng, bánh uôi. Lương kể: về Tết, em không có nhiều tiền nhưng sẽ cố gắng mua một chút bánh, mứt, kẹo về gọi là quà của thành phố. Ngoài ra, em thích nhất là mua cho bố mẹ một quyển lịch. Lịch tranh nhà em cũng thường được tặng  nhưng em chỉ thích mua cho bố mẹ  lịch quyển để mỗi ngày xé lịch còn có thể xem được thời tiết, mùa vụ nữa, giúp bố mẹ em khi làm mùa.

 

Ngoài Lục và Lương, Trung tâm vẫn còn 30 em khuyết tật đang theo học, làm việc và ăn ở tại đây. Mỗi người đều mang trên mình những thiệt thòi khác nhau nhưng tất cả các em đều đang sống, làm việc bằng chính sức lao động của mình. Nghe các em kể, nghe các em tâm sự, nghe các em thổi những điệu nhạc và hát những bài hát của riêng mình, tôi nhận thấy, dường như trong mỗi người cuộc sống mới đang thực sự bắt đầu, tất cả những ước mơ, hoài bão vẫn đang ấp ủ đâu đó trong từng đường may, mũi kéo và cả trong những tiết mục văn nghệ mà các em chuẩn bị cho bữa tiệc tất niên tại Trung tâm. Tôi chợt nghĩ về hai chữ hạnh phúc. ở đâu đó, hạnh phúc là một điều gì cao xa, phức tạp nhưng ở đây hạnh phúc giản đơn là biết mơ ước. ước mơ được sống, làm việc và được hòa nhập.

 

 

 

                                                                              Đinh Hòa

 

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục