(HBĐT) - Quê tôi là vùng đồng chiêm trũng nghèo, người dân chịu thương, chịu khó, lam lũ quanh năm nhưng cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Mỗi lần về quê, trong tôi đều có những cảm nhận khác nhau và lần này cũng vậy. Đến đầu làng, tâm hồn tôi đã dâng trào cảm xúc, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, cảm giác thật hạnh phúc. Đó là cảm nhận của đứa con xa nhà lâu ngày mới trở về bên mái ấm gia đình, được sà vào vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Làng quê giờ đây vừa lạ, vừa quen. Lạ vì diện mạo quê hương như mặc áo mới, còn quen vì sau bao ngày xa cách, trở về nơi đã in dấu bước chân của tuổi thơ trên những con mương, bờ ruộng với bao ký ức đẹp. Miền quê nghèo khó năm xưa nay không còn nữa, thay vào đó là miền quê trù phú, nhà xây san sát đủ kiểu dáng lợp mái ngói đỏ, xanh thật thích mắt.

Trên những cánh đồng dọc đường về làng rộn vang tiếng cười, nói hòa cùng tiếng máy gặt, máy tuốt lúa ngay bên bờ ruộng. Gương mặt người dân thôn quê lấp lánh niềm vui bởi mùa vàng bội thu. Trẻ em đang trong kỳ nghỉ hè cũng ra ruộng giúp bố mẹ, nô đùa, bắt châu chấu, cào cào. Cảnh quê thật đẹp, thật rộn ràng trong những ngày mùa. Nhìn bức tranh quê, tôi cảm nhận được sự no đủ của miền quê yêu dấu. Con đường lầy lội bùn đất trước kia không còn nữa, thay vào đó là đường bê tông khang trang, sạch sẽ chạy dọc từ đầu làng đến cuối làng, luồn lách vào những ngõ nhỏ. Bên cạnh đó là những cột điện bê tông, bóng điện chiếu sáng hai bên đường làng như tô thắm bức tranh nông thôn mới. Cảnh quê thật trù phú. Cánh đồng mẫu lớn trải rộng thẳng cánh cò bay như đến tận chân trời. Vậy là quê hương đã có cuộc "cách mạng” dồn điền, đổi thửa tạo ra cánh đồng mẫu lớn để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi cuộc sống của người dân quê tôi. Nghe nói từ khi cấp ủy Đảng, chính quyền vận động người dân dồn đổi ruộng đất đã có không ít ý kiến phản đối. Người dân không đồng thuận, họ nói: "Dồn mới chẳng đổi, liệu có lợi lộc gì không hay sẽ khó khăn trong sản xuất, thâm canh. Đưa máy móc vào có mà "xéo nát” cả ruộng vườn”. Mỗi người một ý bởi họ chưa hiểu cơ giới hóa là gì, thâm canh tăng vụ với cánh đồng mẫu lớn sẽ thuận lợi ra sao…

Giờ đây, từ cuộc cách mạng ấy, người dân tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng KHCN vào trồng cấy nhằm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và người dân quê tôi đã có cuộc sống đủ đầy. Trước đây, cuộc sống khốn khó nên đến tuổi lao động là thanh niên nam nữ lũ lượt rủ nhau rời quê đi làm kinh tế, mong cho cuộc sống tốt đẹp hơn, vậy mà nghèo khó vẫn đeo bám. Từ ngày quê hương xây dựng nông thôn mới, miền quê đã đổi mới hoàn toàn. Từ đường nội đồng những con mương đều được kiến cố hóa, nước đầy ăm ắp oạp vỗ bờ phản ánh chân thực cuộc sống no đủ của người nông dân. Xưa các cụ ví von "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Ruộng vườn có công chăm sóc nhưng không đủ nước tưới, giống lúa không đảm bảo thì làm sao có được những mùa vàng bội thu.

Xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã, làng bản và từng mái ấm gia đình. Giao thông nội đồng được bê tông hóa tạo thuận lợi cho xe ngược xuôi chở những "bao vàng” về phơi. Trước kia vào ngày mùa, nhà nông vất vả, lam lũ gánh gồng nhưng từ khi xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn được cứng hóa, người dân đầu tư xe máy, công nông phục vụ sản xuất, giảm tối đa sức lao động. Thật tự hào khi người dân đã hiểu xây dựng nông thôn mới là gì, ai là người được hưởng lợi để từ đó thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chung tay, góp sức, biến miền quê khốn khó xưa kia trở thành trù phú.

Về đến nhà, tôi ngạc nhiên bởi sự thay đổi của quê hương. Cô tôi tâm sự: Từ ngày quê mình cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, cuộc sống khá lên nhiều. Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn đồng hành cùng nhà nông, giúp sức, hỗ trợ nông dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Con trẻ được đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng. Chúng còn đua nhau phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Người dân nông thôn được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế hiện đại. Ngày trước khốn khó trăm bề, đủ ăn là tốt. Người dân "mù” thông tin thì làm sao học hỏi cách làm giàu như bây giờ. Trẻ em được ăn học, vui chơi, được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Cuộc sống người dân nông thôn giờ đây như "phố” trong làng.

Đúng là quê hương đã đổi mới. Cuộc sống người dân đổi thay với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Ngày trước cả làng hiếm có chiếc xe máy nào, vậy mà giờ đây ô tô, xe máy đi lại tấp nập. Không còn cảnh phải đun rơm, rạ khói mù mịt ngày nào mà thay vào đó là những chiếc bếp gas gọn gàng, sạch sẽ. Mọi gia đình đều có chuồng trại chăn nuôi riêng biệt và được xử lý chất thải qua bể bioga làm khí đốt, điện thắp sáng. Những ao làng được xây dựng, bài trí sạch sẽ và đẹp. Xung quanh bờ ao trồng cây lấy bóng mát, không khí thật trong lành, mát mẻ chỉ có ở những miền quê. Bức tranh quê thật đẹp đã cho tôi những cảm nhận dịu ngọt như lời bài hát "Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”.

                                                                                                 Tùy bút của Thúy Ngọc

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục