Ngày ấy, tôi chỉ mong đến 2 ngày kỷ niệm trong năm: 30/4 và 22/12. Bao giờ, nhà trường cũng dành ra một buổi chào cờ để mời những ông, bác cựu chiến binh đến kể chuyện. Các thầy cô trầm ngâm, đám học trò háo hức nghe. 
Còn tôi, tôi thuộc làu từ lâu vì người khách được mời ấy là ông nội tôi.
Có lần, mẹ hỏi cô Bình - em gái cha tôi rằng, thấy tôi có trật tự ngồi nghe lúc ông kể chuyện không? Cô tôi chẳng lạ gì mặt tôi lúc ấy vừa vênh váo tự đắc, vừa quay sang kể trước cho đứa bạn ngồi cạnh về diễn biến câu chuyện. Nhưng có một lần, chỉ một lần ấy thôi, cả tôi và cô tôi đều không nhìn nhau cười như mọi lần nữa.
Hôm ấy, cũng gần đến ngày 30/4, không như mọi lần ông mặc bộ quân phục mới được tặng, ông lấy từ trong tủ một bộ quân phục cũ đã sờn bạc, có chỗ như màu đá vôi, nhất là ở trên vai trái, có một chỗ rách được mạng lại rất khéo. Trước khi bước lên bục nói chuyện, bàn tay ông run run xoa lên vết mạng như một vết thương trên da thịt mình đã lành từ rất lâu.
Khi đang say sưa kể lại không khí của trưa ngày 30/4, khi các cánh quân của ta đổ vào cửa ngõ Sài Gòn, bỗng ông tôi ôm ngực, bật lên những tiếng ho, mặt biến sắc. Thấy ông xúc động, lại lo sức khỏe của vị khách mời không được tốt như mọi khi, cô Vân - Hiệu trưởng nhà trường đã nhanh chóng kết thúc buổi nói chuyện bằng những lời cảm ơn đầy ý nghĩa. Ông tôi hôm đó ra về với khuôn mặt buồn. Ông không ăn bữa cơm trưa, chỉ châm thuốc hút, thi thoảng lại nhìn ra phía sau dãy núi xa mờ phía Nam.
Cô Bình phóng xe vào đến sân chưa kịp tắt máy đã lớn tiếng:
- Mẹ ở nhà sao mẹ không nhắc bố ăn mặc đàng hoàng bảnh bao như mọi lần, lần này ông mặc quần áo cũ lại phong phanh, làm con phát ngại với mọi người…
Bà tôi cau mày:
- Sao con lại nói thế? Bố mỗi năm thêm tuổi, sức khỏe kém đi, nay trở trời, bố nói được đến đâu thì nói, không thì thôi, sao con cứ gò ép bố theo ý mình vậy?
Ông tôi từ tốn thanh minh:
- Con không hiểu được đâu, với bố, chiếc áo ấy vô cùng ý nghĩa, đó là một kỷ vật, bố muốn mặc nó ngày hôm nay.
Cô Bình vẫn nhất mực phản đối.
- Hôm nay, con không chỉ xấu hổ với đồng nghiệp, học trò và một vị khách mời đặc biệt. Con rất tự hào về bố. Nhưng giờ hết chiến tranh, hết đói nghèo rồi, bố nên ăn mặc sang trọng, lịch lãm để mọi người nhìn bố thêm kính trọng. Sao mọi khi đi đâu bố ăn mặc gọn gàng thế mà hôm nay bố cứ mặc bộ quần áo cũ, con không hiểu? Với cả…
Bỗng ngoài ngõ có tiếng chó sủa, một người khách lạ bước vào. Cô Bình vội chạy ra:
- Ơ, anh, sao anh biết em ở đây mà tìm?
Người đó nhìn cô Bình mỉm cười rồi quay sang ông tôi:
- Thưa bác, bác cho cháu hỏi bác có phải là bác Thành không ạ?
- Đúng rồi cháu ạ, bác là Thành đây, thế cháu là…
Hình như chỉ nói được thế, không đợi người kia trả lời, ông tôi đã đưa tay choàng lấy bờ vai của khách lạ thốt lên:
- Có phải An, An con bố Hùng không? Trời ơi con…
- Sao bác biết tên cháu ạ?
- Ôi! Đôi mắt giống quá, như hai giọt nước. Con giống bố Hùng con quá…
Ngừng dây lát để như vừa gạt đi một tiếng nấc xúc động, ông tôi tiếp lời:
- Cả B chúng ta đều thuộc lòng tên con từ trước khi tiến vào Sài Gòn.
An cũng nghẹn ngào nhìn ông Thành trìu mến:
- Thưa bác, mẹ con cháu đã đưa được hài cốt của cha cháu về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ của thành phố. Hôm nay, cũng nhờ vào câu chuyện dở dang của bác cháu thấy giống những gì mẹ cháu hay kể về cha cháu.
Lặng đi giây lát, rồi ông tôi bắt đầu câu chuyện của mình. Khi các cánh quân tiến vào Sài Gòn, khác hẳn với lúc tác chiến ngoài vùng rừng núi. Đường phố của "hòn ngọc Viễn Đông” như bàn cờ lạ lẫm với những người lính ở rừng. Trước giờ nổ súng, Hùng nói với Thành:
- Cậu biết không, tầm này chắc vợ mình đang vượt cạn, giờ cô ấy ở tít trên thành Tuyên rồi. Vợ chồng mình đã bàn nếu sinh con trai thì đặt tên là An.
Nháy mắt cười với bạn, thấy Thành có vẻ lo lắng, Hùng tiếp lời:
- Thắng trận cuối này, về quê cậu phải lấy một cô vợ nhưng chỉ được đẻ con gái, đặt tên là Bình để còn làm thông gia với tớ nhé. Hết giặc rồi, An - Bình sẽ được đi học, nghe tiếng chim hót. Quê mình chim chào mào hót trong veo, nhất là ở hàng phượng vĩ chỗ lớp 1A của chúng mình.
Thành nhìn người bạn với một linh cảm rất khó nói. Có lẽ, Hùng đã lường trước dù ngày chiến thắng đã cận kề nhưng hiểm nguy vẫn đang rình rập.  Thế rồi, điều mà không ai mong muốn  đã  xảy ra. Hùng anh dũng hy sinh ngay trên đường phố Sài Gòn hoa lệ. Trước khi chút hơi thở cuối cùng, Hùng có một ước nguyện:
- Cậu… cậu hãy xé một mảnh áo của tớ để vá vào chỗ rách trên tay áo cậu được không? Coi như tớ vẫn được bên cậu cho đến cùng. Cậu… cậu nhất định phải sống đến giờ phút toàn thắng…
Hùng nhắm mắt, mảnh áo được Thành buộc bên vai trái, nơi gần trái tim mình. Tấm áo được ông giữ cẩn thận như một kỷ vật. Qua năm tháng, những người lính đã già đi, những kỷ vật cũng sờn bạc.
- Giờ thì con đã hiểu rồi chứ Bình. Không biết run rủi thế nào hôm nay bố lại muốn mặc chiếc áo ấy.
An đợi ông Thành ngừng lời, An lễ phép:
- Thưa bác và cả gia đình, hôm nay, cháu thay mặt cho công ty về đây, trước hết là được cùng dự buổi mít tinh với nhà trường, thứ nữa là tìm hiểu cơ sở vật chất của trường ta để thực hiện chương trình đầu tư hỗ trợ. Cháu  không ngỡ duyên lành đã giúp cháu gặp được bác. Thật ra, không hiểu sao khi thấy bác đứng trên bục nói chuyện, giọng bác run run cháu đã có linh cảm kỳ lạ. Cháu tìm đến nhà bác và được bác kể lại những giây phút cuối cùng cha cháu. Thế hệ các bác đã giành cả tuổi trẻ để bảo vệ non sông đất nước, chúng cháu hôm nay có bổn phận tiếp nối sứ mệnh xây dựng đất nước. Nhưng quả tình, sự khác biết về thế hệ khiến nhiều khi chúng cháu chưa thấu hiểu được.
Ngừng dây lát, quay sang Bình, thoáng một chút ngại ngần:
- Em à, trong mấy lần bàn bạc trước với lãnh đạo nhà trường, chính anh đã đề xuất đầu tư theo hình thức đổi đất, lấy công trình. Công ty của anh định xây cho nhà trường trụ sở mới để lấy địa điểm nhà trường bây giờ để phục vụ mục đích kinh doanh. Nhưng đúng là, hôm nay anh mới nhận ra ngôi trường còn là ký ức, nơi mà cha anh, bác Thành cùng bao thế hệ đã học tập. Ngôi trường không chỉ cần đẹp mà còn cần cả những giá trị nhân văn vô giá em ạ. 
Cô Bình bẽn lẽn liếc nhìn An rồi liếc nhìn cha. Trong giây phút tất cả đều lúng túng ấy, bà nội tôi từ dưới bếp bước ra:
- Nào, từ nãy đến giờ tôi nghe rõ cả rồi. Gớm, giờ thì Bình An đã gặp nhau rồi, cả hai đứa đều ham việc lắm cơ, chưa đứa nào chịu cho chúng tôi cháu bế. Thôi, mời cả nhà vào ăn bữa cơm đã, mừng những cuộc hội ngộ, mừng ngày toàn thắng…

 Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục