Mấy tháng nay, sức khỏe ông Hiếu đã khá hơn trước rất nhiều, nên cái được gọi là "dự án sưu tầm lịch sử thời trận mạc” được triển khai sớm và tuần tự. Ban đầu là ý tưởng của cậu Kiên "lính 72”. Xoa xoa cái đầu trọc cả 4 mùa, cậu ấy nói: Chúng ta đã đi qua cuộc chiến mấy chục năm rồi, sao những người vào trận năm 1972 của bọn mình không ghi lại ký ức chiến tranh, trận mạc để… nhỡ lúc chúng ta "chống gậy trúc theo tổ tiên” có cái để lại cho con cháu; ít ra là những người thân của mình được đọc để biết những người ông, người bố đã vào trận như thế nào, tâm thế ra sao. Cũng có người gạt đi: "Mình có chiến công gì rực lửa đâu, mình chỉ là nhóm nhỏ trong đoàn quân”. Nhưng mọi người đều thống nhất theo ý: Không phải là chuyện kể công, hay khoe với ai, mà chỉ là tư liệu về một thời trẻ hào hùng của mỗi người trong cuộc chiến; ký ức một thời… để từ đó có thêm tự hào và trân trọng, nâng niu quãng đời thanh xuân đẹp nhất đó…

Sau buổi gặp mặt "lính cựu 72” ở cụm các xã phía Bắc huyện, anh em đều nhất trí cử ông Hiếu là người "chấp bút” chính trên nền tảng là tư liệu sẵn có của mỗi người. Đồng thời, từng bác có thể viết theo sở thích của mình về những ngày tháng tuổi trẻ trận mạc đó (thơ, ca dao, câu chuyện…); miễn là phải đúng với thực tiễn chiến tranh, với những cung bậc họ đều trải qua. Thậm chí, có người có thể "viết” bằng ký họa, tranh… Ghi lại được bây giờ còn được, chứ lúc lú lẫn rồi, muốn cũng chẳng được. Mà thời gian chẳng chờ đợi ai cả… Từ đó, năm đôi lần, anh em gặp nhau để tổng hợp, sắp xếp coi như tư liệu cho anh em đọc, tham khảo… Nói về chuyện đấy, thế mà ai cũng ưu tư và tâm trạng ra phết. Vì mỗi dòng, mỗi câu chữ dù không văn chương, chữ nghĩa nhưng chất chứa trong đó bao tấm lòng, tình cảm thật nhất. Đương nhiên, ngôi nhà ông Hiếu trở thành nơi tụ tập, gặp mặt của đám anh em một thời. Cũng phải thôi, nhà ông Hiếu, nhà cửa, vườn tược rộng rãi. Các con đi làm xa và cũng đều ở riêng, nên chẳng ảnh hưởng gì. Mỗi lần anh em gặp nhau vào những dịp lễ, kỷ niệm cứ gọi là rộn ràng một góc xóm. Cậu Kiên bô bô: Hóa ra thế mà hay, có người chục năm nay chả thấy được mặt mũi, nay có công chuyện này anh em được "tay bắt mặt mừng”, được biết về nhau hơn qua những trang viết, bài thơ, câu chuyện…

Việc ông Hiếu được giao trọng trách đấy cũng có lý do của nó. Cũng có thể việc đó đã là "nghiệp” của ông. Bản thân ông từng công tác ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Thời kỳ đầu, ông được giao chuyên vẽ tranh cổ động cho các sự kiện ở huyện. Một dạo, ông là diễn viên đội văn nghệ xung kích của huyện X, tay kéo phong cầm có tiếng. Chẳng thế, nhờ bài "Ca-chiu-sa” da diết, sôi nổi và hào hùng đã cưa đổ cô cán bộ làm công tác thủy lợi ở xã bên. Ấy chính là bà Hiếu đó… Sau này, ra quân, trở về đơn vị cũ công tác, ông vẫn tay bút, tay cọ như ai. Nhờ khả năng ăn nói, vẽ viết, ông cũng được nhiều trường học mời đến thuyết giảng, nói chuyện truyền thống; giám khảo một số hội thi "sân khấu hóa”… Chẳng mấy chốc mà ông đã cập đến tuổi nghỉ hưu, rồi tuổi "thất thập” cận kề. Có tuổi, tệ thật. Người không còn được tinh anh như trước, mỗi khi xúc động, hay có chuyện gì đó bất thường… vết thương trên đầu lại giật giật, thái dương đổ mồ hôi vã ra và tim lại đập như trống trận. Bà Hiếu mấy lần can gián: "Thôi ông… cái vụ ở trường X nói về Trường Sơn và thành cổ Quảng Trị… ông để chú Kiên đi cho. Chú ấy nói to, khí thế, khéo lại hóa hấp dẫn hơn”. Có thể bà đã nhận thấy ở ông sự xuống sức, cũng có thể lo cho vết thương của ông tái phát… Thôi, không đi chỗ này chỗ kia cũng được, ông sẽ dành thời gian cho công việc anh em đã giao phó vậy. Chuyện ngày lên đường thế nào nhỉ; câu nói và cái bắt tay của bố cùng những dòng nước mắt chan chứa của mẹ sao vẫn như ngày hôm qua. Còn cô cán bộ thủy lợi lòng mưa rơi mà miệng, mắt vẫn cười và nhét vội vào ba lô ông đôi khăn mùi soa thêu đôi chim bồ câu - đôi chim hòa bình, hạnh phúc. "Cố cho bằng anh bằng em con nhé. Chân cứng đá mềm”. Lời của bố vang vọng suốt chặng đường hành quân. Cuộc chia tay thời chiến thật không bút nào diễn tả hết. Rồi lần đầu những người lính trẻ biết thế nào trận bom "đánh đáo” ở nhánh rẽ lên đường Trường Sơn ở Quảng Bình… Chuyện cậu Kiên cõng ông nửa ngày đường, vượt vòng vây lần đánh chiếm cao điểm X ở Quảng Trị. Ông chỉ lơ mơ tỉnh thức mỗi lần cậu ấy cố nhét vào miệng ông miếng lá rau rừng đã nhai sẵn cùng ngụm nước suối có mùi bùn. Tiếng thì thầm "Cố lên anh nhé, sắp đến đơn vị rồi”. Khi vừa dìu nhau đến cửa hầm, cả 2 đều ngất lịm vì máu ra nhiều. Ôi tình đồng đội, đồng hương… Rồi những lá thư của người thân, gia đình. Thưa thớt lắm nên mỗi lần nhận thư là "bữa tiệc” tinh thần của cả tiểu đội. Cũng có người như chú Cơ ở huyện bên, mấy năm ở chiến trường chẳng nhận một lá thư. Cũng nhờ lá thư của bạn mà biết được những chuyện vui buồn, quê hương… Sau này, khi cuộc chiến kết thúc, trở về với cuộc sống đời thường, một lần tình cờ được xem bộ phim "Bài ca không quên”, chính ông và cậu Kiên nghĩ đến những trang viết này. Bà Hiếu, người phụ nữ luôn ít nói trước các bạn của chồng cũng âm thầm lo cho ông kinh phí của mỗi lần đi gặp bạn bè, đồng đội. Rồi cơm canh đãi khách xa, khách gần. Năm nào cũng nuôi mấy đàn gà, đàn ngan… mà trong chuồng vẫn thưa vắng. Bà cũng muốn, những trang ký ức của ông, của đồng đội ngày một được ghi chép đầy đủ hơn. Bởi đời con người hữu hạn với thời gian. Cầm bàn tay gân guốc, nhăn nheo mà rực nóng của bà, ông Hiếu nhận ra rằng nếu các trang viết của cá nhân ông thiếu đi những dòng ghi chép về bà, về hậu phương, chắc chắn sẽ mất hẳn đi quá nửa ý nghĩa và sức lan tỏa vào đời.

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục