(HBĐT) - Cũng không thể ngờ, tôi lại có dịp trở lại làng chài này, dù thâm tâm chẳng bao giờ quên, cùng bao dự định muốn gặp lại. Làng Bãi Dương… Ừ, sau mấy chục năm chứ ít đâu. Ngày nào về đây cùng anh Lam và thằng em họ, tôi mới chỉ là đứa trẻ 12 tuổi ngây dại. Giờ tóc muối tiêu rồi.

Hồi đó, đang chiến tranh, làng chài nghèo xơ xác, chỉ riêng những con sóng xanh, dạt dào vỗ bờ liên hồi là có vẻ phóng túng, giàu có. Tôi và thằng Tũn, đứa em con cô như 2 kẻ bị ma ám cứ đứng mãi trên bờ mà nhìn biển, nhìn màu xanh ngọc mà hân hoan, vui sướng của người lần đầu đến với biển, lần đầu thấy sóng biển ồn ào, tha thiết không ngừng nghỉ. Biển đẹp, hoang dã với bãi cát vàng thoải dài đến cây số bao bọc làng chài. Nhìn khung cảnh đó, đâu có thể nghĩ đang có chiến tranh: Vì đẹp, yên bình quá; thấp thoáng phía cuối bãi, một con thuyền vừa cập bến. Năm trước, ngư dân còn nhìn thấy hàng đàn máy bay từ ngoài khơi bay vào đất liền bắn phá, thả bom… Rồi như không kiềm chế được, 2 thằng chạy nhào xuống biển, lẫm chẫm lội; ngả nghiêng cười bởi vì sóng xô ngã. Không bảo mà giống nhau thế, cả 2 đứa vục nước biển đưa vào miệng. Ôi nước biển mặn quá. Đứa nào cũng nhè ra. Anh chạy đến, cười khùng khục. Rồi anh chỉ tay ra hòn đảo nhỏ xa xa: "Ngày trước, anh và bạn cùng xóm toàn lấy đó là đích bơi ra đó để rèn luyện thể lực. Khi đã chạm đến đảo, vui vô cùng, rồi lại thấy cần phải tới một đích khác xa hơn…Anh mà là bộ đội hải quân thì tuyệt. Món bơi chả ai địch nổi”…

Gió biển lồng lộng, mái tóc anh xõa bay bay, hào phóng kiểu nghệ sĩ… Anh chạy dọc mép nước và thách đố 2 đứa đuổi theo. Chúng tôi dường như đã quên mất xóm núi quê nhà xa kia, chỉ muốn được hòa vào cát, vào sóng nước mênh mông miền biển này. Bóng anh cao to, bước chạy mạnh mẽ, thoăn thoắt. Anh bảo: Nếu sau này hòa bình, anh muốn trở thành VĐV điền kinh, chạy đường trường. Anh rất thích cảm giác mỗi sáng chạy dọc các mép nước…

Bố mẹ anh rất vui vì con trai được về phép. Đã thế còn có cả 2 vị khách trẻ con nữa. Hóa ra anh cũng có đến 3 đứa em cả trai, lẫn gái kiểu "trứng gà, trứng vịt” như chúng tôi. Thảo nào, trên đó, anh chơi với chúng tôi thật tự nhiên, không khiên cưỡng. Bữa cơm miền biển cũng thật thích, lần đầu tôi được chén món mực xào dứa, được ăn cá thu khô… Dù bữa cơm đó, cơm trộn khoai sọ. Khoai nhiều hơn cơm. Đêm miền biển, trong tiếng gió gió lào xào ngoài hàng dương vi vút tôi nghe thấy tiếng anh Lam: "Lần này con về chào cả nhà. Đơn vị sắp hành quân vào Nam… Khả năng con được biên chế vào đặc công nước”… Sau câu nói đó, tôi nghe thấy người mẹ thở dài, cùng tiếng thút thít. Còn người bố, giọng âm trầm miền biển, rõ từng chữ: "Cố cho bằng anh em. Ở nhà, mọi chuyện đã có cha lo. Yên tâm…”. "Cha phải bảo các em học cho tốt… chứ bữa đực, bữa cái làm sao có kiến thức được. Con lên đơn vị vẫn phải học đấy”. "Ừ, biết rồi… Ngủ đi mai còn đi sớm cho khỏi nắng”…

Tôi không bao giờ quên đêm duy nhất ngủ ở xóm biển đó. Sáng hôm sau, sau khi chạy ra làm cuộc chia tay với biển, 3 anh em lại nhong nhong con "ngựa sắt” không chuông, không phanh ngược núi. Trên đường đi, vừa đạp anh vừa kể chuyện nhà, chuyện quê. Giọng anh như có chút gì đó hơi chậm rãi, buồn buồn. Chắc anh lo cho cha mẹ và các em. Người trưởng thành duy nhất của gia đình đã ra mặt trận rồi. Nghề biển nặng nhọc và vất vả lắm. Phải là các tráng đinh mới kham nổi…Đến khúc rẽ đầu tiên lên đường núi, anh dừng lại, ngoái nhìn lại đằng sau, ánh mắt vời vợi, dù ở đó, chẳng thể nhìn thấy biển, chẳng thể nhìn thấy quê trong sóng vỗ bao quanh; may ra, chỉ còn cảm nhận trong gió mùi mặn nồng của gió biển. Suốt từ đó lên đến xóm núi và đơn vị, anh không nói thêm lời nào nữa. Chúng tôi còn bé, không hiểu hết những gì điều anh lo, anh nghĩ…

Đơn vị anh trú chân ở sát xóm núi quê tôi. Anh đến gặp bố mẹ tôi trong lần đơn vị cần ít bương tre để làm hầm cá nhân và kè các giao thông hào dành cho huấn luyện mùa mưa. Thấy chúng tôi đang chơi đánh cù, anh sà đến làm quen… Hỏi han, trò chuyện thế là thành quen; rồi mấy tối, anh và mấy anh sang tập bài hát mới cho thanh thiếu nhi, chúng tôi đã coi anh là người nhà. Giọng miền biển, nằng nặng, khê khê, vậy mà cất giọng hát, mấy cô thôn nữ cứ gật gù. Anh bảo: "Món đàn này, đi bộ đội anh mới được học đấy chứ. Kiểu học, "cơm chấm cơm”… Cứ rảnh là anh tranh thủ sang… Chẳng biết đến bao lần, thì bố mẹ tôi đã coi anh như con trong nhà. Việc gì, có cái gì ăn cũng dành cho anh Lam…Vậy là 3 anh em tôi có thêm người anh. Vui thật. Vì thế mới có chuyện được anh cho về quê biển chơi một lần cho biết…

Sau chuyến về thăm quê biển vài tháng, đơn vị anh lên đường vào Nam. Anh chỉ có một giờ để sang chào gia đình tôi. Bố mẹ quáng quàng tìm quà để anh mang theo, chúng tôi thì cứ bám anh từng bước một. Thấy anh thật vui. Cầm tay bố mẹ tôi dặn dò mà mắt miệng anh cười sáng lóa. Nhưng mẹ tôi thì khóc và dúi vào tay anh mấy món đồ dùng cá nhân. Anh dặn chúng tôi: Ngoan, học tốt, lúc nào hết chiến tranh, anh em mình lại về xóm biển, cùng bơi ra đảo nhỉ. Bàn tay anh ấm áp vỗ về bờ vai chúng tôi. Anh Lam đã như người nhà chúng tôi rồi.

Bao năm rồi, tôi mới lại có mặt ở xóm chài Bãi Dương. Cảnh vật xung quanh thay đổi quá đỗi; nhà cửa khu cũ không còn gì mà thay vào đó là những khu nghỉ dưỡng cao cấp; riêng bãi biển năm nào là vẫn như xưa… Hỏi thăm gia đình anh Lam, người biết, người không. Người bán hàng đại lý ở mé chợ cho biết: "Cả gia đình đã chuyển vào Nam sinh sống lâu rồi, vì có người con trai lập nghiệp trong đó. Hình như là một quân nhân chuyên nghiệp về hưu”. Còn một bác lái taxi cho hay: "Cậu con trai của họ nghe nói hy sinh ở vùng biển Nam Trung Bộ nên gia đình đã chuyển vào đó sinh sống, hy vọng sẽ tìm kiếm được phần mộ”… Tôi ngược ra bãi biển. Nghe trong gió, trong tiếng sóng hình như có tiếng anh Lam, tiếng chúng tôi hò nhau chạy trên bãi biển năm nào. Nhìn về hòn đảo mờ mờ phía khơi xa, tôi bỗng nhớ tới lời anh Lam kể về chuyện luyện bơi ngày ấy. Anh ở đâu… thấy đảo, thấy sóng nước, như thấy anh thật gần. Tôi không tin rằng anh đã vắng bóng trong cuộc đời này, bởi biển cả và hòn đảo kia vẫn hiện hữu, gần gũi đến thế kia mà.


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục