(HBĐT) - Hôm nay, ông bạn "facebook” nhắc Dương một kỉ niệm cũ. Hôm đó, dưới phố, trời lâm thâm mưa nhưng khi xe đến nơi thì hửng nắng. Người ta bảo nắng ở rẻo cao vàng óng như mật ong, làm say lòng người. Lúc ấy, đang mải suy tư, bỗng Dương thấy Khiêm dừng xe lại.

- Đến Vó rồi ông?

Dương xúc động nhìn con đường giờ khang trang, lúa vụ mùa xanh mướt. Lâu nay, anh mới biết đến vùng đất này với câu ca nổi tiếng "cơm Mường Vó, lọ Mường Vang”, đến các loại hoa màu và cây trồng chiến lược chứ không ngờ bàn chân mình được đặt trên con đường lịch sử ấy.

- Thế này nhé, để tớ dẫn cậu về nhà bà tớ, bà tớ đã hơn 90 tuổi rồi nhưng còn minh mẫn lắm. Sẽ có nhiều tư liệu quý cho cậu viết đấy.

Đón bát nước chè xanh từ tay bà Thim, Dương nhấp một ngụm để cảm nhận sự thanh mát từ cây lá của Mường Vó. Bà Thim đã già lắm nhưng giọng cụ vẫn vấn ấm áp, từng hình ảnh cứ thế mà hiện ra trong đầu những đứa cháu sinh ra sau chiến tranh từ câu chuyện của bà.

Cái năm Ất Dậu ấy, mùa thu, được tin tổng khởi nghĩa từ mạn Việt Bắc báo về, rồi người ta truyền tai nhau, nô nức lắm các cháu ạ. Sáng ngày hai mươi tháng Tám, một ngày không bao giờ quên với bà, các anh cán bộ Việt Minh thuộc Ủy viên Ban Khởi Nghĩa tỉnh đã vận động bà con, cùng đội vũ trang từ căn cứ Mường Khói tiến về huyện lỵ ngoài kia.

Bà Thim kể tiếp:

- Ngày đó, ông Quách Rưỡng chỉ huy thanh niên chỉ với dao, nỏ, giáo mác, gậy gộc thành đội võ trang Mường Khói. Người dân đất Mường vốn hiền lành thuần hậu chỉ quen làm ruộng, say mê ca múa trong hội hè đình đám nhưng khi vận nước lâm nguy cũng kiên cường chống giặc…

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Dương càng hiểu được những giá trị truyền thống của ngày Tết Độc lập nơi đây. Trước khi ra về, bà Thim nắm tay Dương bảo:

- Nhà báo người Hà Nội chắc biết làng Ngọc Hà chứ?

- Vâng, thưa bà cháu biết ạ

- Vậy cho bà hỏi thăm một việc…

Đã 2 năm nay, câu chuyện đó ám ảnh Dương rất nhiều nhưng cậu không biết phải bắt đầu từ đâu vì gần như không hề có một manh mối nào.

Ngày mồng hai tháng chín, cả khu phố gọn gàng, sạch sẽ. Nhìn những lá cờ đỏ tung bay trên nền trời xanh đầu thu, đứa em gái nhỏ hồn nhiên hỏi:

- Mấy hôm nay, các nhà đều cắm cờ đẹp lắm anh ạ, ở phố nào cũng thế à anh?

Dương trìu mến xoa đầu em:

- Hôm nay là ngày Tết Độc lập, ngày mà hơn 70 năm trước thế hệ các ông bà đã vùng lên giành lại đất nước từ tay bọn cướp nước đó em.

Cô bé có vẻ đăm chiêu suy nghĩ điều gì đó rồi chợt ồ lên:

- Òa, hơn 70 năm tức là hồi đấy có ông nội mình tham gia đó anh nhỉ? Nếu còn sống ông mình cũng hơn 90 tuổi rồi?

- Em còn nhỏ mà ngoan quá, biết cả những chuyện từ lâu lắm rồi.

- Anh này, anh đừng có mà coi thường em nhá. Em được đọc cả cuốn nhật kí của ông hồi trẻ đó. Chữ ông đẹp lắm, ông còn vẽ cả bức tranh một cô gái miền núi. Tiếc là không có ghi tên. Em chỉ biết thế thôi…

Mắt Dương lóe lên một tia hy vọng. Phải rồi, bà Thim từng dặn: "Anh bộ đội tên Hà vì là người làng Ngọc Hà”… người đó trùng tên với ông nội anh…

Dương và Khiêm đã gọi cho nhau được một lúc, nhìn khuôn mặt Khiêm hiện ra trong camera điện thoại Dương biết anh rất xúc động.

- Bà vừa ra tượng đài chiến thắng thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ về đến đấy, giờ tớ đưa máy để cậu nói chuyện. Nghe tin này chắc bà xúc động lắm. Cậu phải kể từ từ…

Bà Thim nheo mắt nhìn tấm hình trong quyển nhật kí mà không cầm được những giọt nước mắt. Khi đã trấn tĩnh được, bà hào hứng kể:

- Những năm đó, vùng giải phóng và vùng tề đan xen nhau. Chúng tôi trên này có thể gieo trồng, săn bắn đủ ăn nhưng lại thiếu muối. Thế là phân công một đoàn gồm nhiều thanh niên bí mật xuống vùng dưới mua muối. Trong những chuyến đi ấy đều có các anh bộ đội đi bảo vệ Nhân dân. Một lần, tôi thấy ở chợ dưới đó bán chiếc vòng bạc rất đẹp. Là cô gái mới lớn lên chỉ ước được đeo một chiếc vòng đẹp như thế nhưng làm gì có tiền mà mua vì khi đi chỉ dắt lưng được mấy đồng để mua muối ăn, kim chỉ và ít thuốc. Lúc cả đoàn chuẩn bị ra về, thấy tôi cứ nấn ná ngắm mãi, một anh bộ đội tiến đến hỏi mua rồi bất ngờ đặt vào tay tặng cho tôi. Lúc ấy, tôi còn chưa có ai để mắt đến nên khi được người con trai tặng món đồ quý mà mình thích thì rất ngại. Anh bộ đội ấy bảo:

- Ún à, ở nhà tôi cũng có em gái bằng tuổi ún. Bấy giờ ta có Đảng, có chính quyền, có bộ đội, du kích, ta được ăn hạt lúa ta trồng, được đeo trang sức của dân tộc mình. Ún nhận đi đó cũng là tấm lòng của tôi.

Lúc ấy, tôi mới hỏi lại là:

- Sao anh không mua cho em gái anh ở dưới quê? Em ngại không dám đeo vòng người lạ đưa cho đâu.

- Ún à, cả dân tộc Việt Nam ta đều là anh em một nhà, như cái cây có chung một cội. Mường mình cũng là quê hương tôi, ún cũng như em gái tôi. Tôi tặng cho ún thì người dân tộc khác cũng sẽ quý mến em gái tôi. Ún đeo vòng đẹp rồi chăm chỉ theo học cái chữ, tham gia phòng trào tăng gia sản xuất đóng góp cho kháng chiến thành công.

- Vậy sau đó có bao giờ bà gặp lại ông nội cháu không ạ?

- Không cháu à. Bà cũng không biết ông cháu tên là gì. Sau đó, ông cháu nhận lệnh hành quân, bà chỉ nhớ được khuôn mặt nên lần đó mới nhờ cháu tìm. May mắn thế nào lại chính là ông nội cháu.

Dương lễ phép:

- Dạ thưa bà, được nghe câu chuyện này cháu hiểu thêm về phong trào cách mạng trên quê hương đất Mường bà à. Thật tự hào vì ông cháu đã có những năm tháng chiến đấu bên những người dân quê mình.

- Cháu à, giờ các cháu cũng đang bước vào cuộc chiến chống dịch bệnh, cũng phải vững lòng, bền gan và quyết tâm như các ông bà xưa đó cháu. Bao giờ dịch bệnh đẩy lùi lại lên đây vui Tết Độc lập cùng Mường ta cũng chưa muộn.

Câu chuyện của hai bà cháu có lẽ chưa bao giờ kết thúc, từng kỉ niệm, từng dấu mộc lịch sử được nhắc đến càng tô thắm thêm những chiến công trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc này…


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục