(HBĐT) - Tôi có cuốn sổ mua từ hồi sinh viên vẫn đem theo bên mình. Cuốn sổ có bìa màu da đã cũ, không dày lắm nhưng ghi mãi chưa hết. Nó cứ thế lăn lóc theo tôi từ lúc đi thực tập, thử việc cho đến khi ra trường đi làm. Tôi chỉ có thói quen ghi chứ chẳng xem lại bao giờ.


Cho đến một hôm, khi mọi người trong phòng lục đục chuyển đồ để sửa lại tòa nhà, tôi tìm cuốn sổ khắp nơi, bình thường nó cứ bày ra trước mắt. Cầm cuốn sổ lên tôi mới để ý thấy có một dãy số được ghi mờ bằng bút chì. Tôi vắt óc suy nghĩ rồi thử bấm máy gọi. Chuông vang lên gần hết một hồi thì nghe tiếng người đàn ông thưa máy. Tôi hỏi anh ta là ai, anh ta nói mình tên Linh. Tôi có linh cảm, người này có một bí mật nào đó nên chủ động giới thiệu về bản thân, vừa nghe xong anh ta reo lên: 

- Anh Văn đấy à, em nhớ ra anh rồi, hôm đấy em đến tìm các anh đều đi vắng cả, chị văn thư hứa sẽ ghi lại số của em và nói anh sẽ liên hệ. Gia đình em cứ đợi mãi…
Quái lạ, ai thế nhỉ, chẳng hiểu anh ta có nhầm tôi với ai không nhưng tôi quyết định vẫn hẹn gặp. Người đàn ông đến gặp tôi chừng hơn 40 tuổi, khá nhã nhặn, anh kể một mạch cho đến khi mặt trời đứng bóng về câu chuyện cuộc đời mình.

Sau này, vì bí đề tài tôi đã viết một bài về trường hợp của gia đình anh Linh. Bài viết khá chân thực và xúc động về người cựu chiến binh bị mất tích sau một trận đánh. Cho đến thời điểm này mọi suy đoán vẫn chỉ là 50/50. Hoặc anh đã hy sinh không tìm thấy xác hoặc đã mất tích. Nhưng đã hơn 40 năm sau chiến tranh, những đồng đội cũ đã nhiều người khuất núi. Manh mối càng ngày càng ít đi, ngay cả các đoàn tìm kiếm mộ liệt sỹ cũng chưa tìm thấy.

Cầm bản bông lên trình, Tổng biên tập   trầm ngâm:

- Báo mình chưa chạy loại bài này bao giờ, có chút lăn tăn chú ạ. 
Tôi quyết định về quê anh Linh. Giữa trưa nắng gắt tôi dừng lại dưới gốc đa. Từ gốc đa nhìn ra, cánh đồng nằm lọt thỏm giữa núi như một chiếc khăn xanh mịn màng. Giữa đồng có một gò đất nổi lên như thể một con voi đang phủ phục để người ta trèo lên bành xuất trận. Chắc thấy tôi mải ngắm nhìn bà cụ đi từ đâu về cất tiếng:

- Bác có biết đó là gì không? Đấy là gò ông Tượng đấy.

Cụ già vừa nhai trầu vừa nhẩn nha kể: Vì cái gò ông Tượng ấy quay đầu hướng Nam nên từ xưa đến nay trai làng đều nối bước nhau hạ sơn tòng quân đánh giặc. Nhưng hầu hết đều bình an trở về làng dẫu mang trên mình vết thương chiến tranh.
Nghe bà nói vậy tôi liền hỏi: Bà có biết anh Linh có bố ngày xưa đi B không ạ. Anh ấy cũng tầm gần 50 tuổi.

- À, Linh đấy là Linh y tá, hàng ngày vẫn hay xem bệnh giúp người ta. Nhưng anh ấy đi vắng cả tuần nay rồi.

Theo chân cụ tôi tìm vào nhà gặp những người thân của anh. Đập vào mắt tôi là bức truyền thần một anh bộ đội trên ban thờ. Bà mẹ anh rót nước chè xanh cho khách rồi ngước lên bức chân dung người chồng:

- Năm nào cũng thế, cứ tầm này là nó lại đi Nam. Nó bảo mất tích chưa chắc đã hy sinh. Nó nhẩm tính nếu còn năm nay ông ấy mới ngoài 70, còn hy vọng là còn đi tìm.

- Thưa bác, điều gì khiến anh Linh vẫn ấp ủ hy vọng đó? 

- Anh không biết thôi, từ cái tên của nó. Tôi không biết chữ, chỉ nghe người đọc thư hộ bảo ông ấy đặt tên Linh vì giống tên chiến trường mà ông ấy đang chiến đấu… 
Nói rồi bà cụ lấy từ trong tủ ra một bức thư đã ố vàng. Tôi nghĩ đến thời gian và giọt nước mắt đã tạo ra màu ký ức ấy:

"Tây Ninh, ngày... tháng... năm...

… Con trai cần có một cái tên gọi để sau này nó nhớ đến những năm tháng gian nan, khốc liệt này. Tôi đang ở Tây Ninh, đặt tên con là Ninh, mình cứ lên nhờ chú Sỹ nhà ông Hai làm hộ cho cái giấy khai sinh như thế, kẻo muộn con lại chậm chuyện học hành…”.
Những đoạn sau tôi không thể đọc được vì ố nhòe nước mắt. 
Bà cụ giảng giải:

- Tây Ninh, người ở đây nói ngọng từ N sang L nên tên nó mới là Linh chú ạ. Cứ nghĩ là ông ấy lưu lạc ở đâu hóa ra lại chính ở chiến trường xưa mà giờ không ai biết…
Tôi nhớ ra cách đây cũng chừng hơn 1 năm, Lâm đã từng dẫn tôi đến gặp một ông cụ nguyên là bộ đội chống Mỹ rồi biên giới Tây Nam. Sau một trận đánh ác liệt, đơn vị bị thương vong khá nhiều, ông bị thương nặng, được bà con nước bạn tìm thấy và cứu chữa. Sau khi bình phục trở về ông hoàn toàn không nhớ ra quê quán cũng như ký ức của mình. Những năm tháng ấy chính quyền phải đối mặt với bao thách thức của xung đột biên giới Tây Nam… Nhìn chúng tôi, ông rơm rớm nước mắt, tất cả đọng lại trong trí nhớ của ông là "voi đất”, "voi đất”… Điều đó từng khiến chúng tôi nhầm tưởng chuyện bên đất bạn Lào…

Tôi lật lại cuốn sổ tìm số điện thoại của Lâm, nó được ghi ở phía sau trang bìa, mừng quýnh lên, chưa kịp bấm máy thì một tấm ảnh nhỏ từ phần gấp của bìa sổ rơi ra. Tôi cầm lên rồi vội đưa cho mẹ của Linh.

- Đúng ông ấy rồi. Vẫn cái nụ cười này, sau nhiều năm ông ấy có khác nhưng không sai được. Cả cái vết sẹo gai rừng cào trên khuôn mặt nữa. 
Chỉ kịp nói được thế bà đã khóc. Giọt nước mắt của người vợ sau hơn 40 năm chiến tranh với niềm hạnh phúc bất ngờ. Giọt nước mắt lăn chậm hơn muôn vàn giọt nước mắt khác sau chiến tranh, sau ngày hòa bình lập lại. 
Từ hôm ấy cuốn sổ như một người bạn đồng hành tiếp tục nằm trong túi sách của tôi. Những lần có dịp qua nhà tôi vẫn vào thăm gia đình anh Linh. Từ ngày đón người cha về đoàn tụ với gia đình, gia đình làm ăn khấm khá hơn, mọi người đều khỏe mạnh, vui vẻ. Có lần tôi hỏi anh:

- Thế ngày đó anh định ra tòa soạn làm gì? Tôi vẫn chưa hiểu được.

- Mình chỉ là anh y tá trong làng hay sơ cứu cho bà con khi đau yếu. Các cậu là người đi tìm ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Được đi nhiều, biết nhiều nên mình tin vào sự nhạy bén của các cậu. 

Tôi cười và không biết nói gì. Cuộc sống luôn có một chữ duyên, mình chọn nghề và có lẽ nghề cũng đã chọn mình…


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục