Mấy hôm nay, cả nhà có dịp xem lại phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh, được gặp lại cô Dịu trung kiên của làng Cát những năm đất nước còn chia cắt. Mẹ tôi, người phụ nữ Mường tuổi đã cao buột miệng câu nói "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và bâng quơ: "Không hiểu các cô, các chú bộ đội ngày xưa đóng quân ở làng mình, ở nhà mình giờ đang ở đâu? Có ai sống để trở về nhà không?”.
Câu nói của bà khiến các thành viên trong gia đình lặng đi vì những cảm xúc xưa cũ tràn về. "Có ai còn nhớ nữ Trung úy Thuận không?”. Người chị họ thốt lên câu nói khiến tất cả đều ồ lên, bàn luận… Bản làng của đồng bào Mường chúng tôi những năm 70 của thế kỷ trước dựa vào dãy núi đá vôi trập trùng, ngút ngàn (thuộc huyện Lương Sơn - Hòa Bình). Cuộc sống những năm tháng chiến tranh khiến những đứa trẻ như chúng tôi khi đó tầm 7 - 9 tuổi cũng biết thế nào là chiến tranh: vào hang đá tránh máy bay, đào hào giao thông, hầm trú ẩn và đón tiếp từng đoàn, từng tốp bộ đội về làng trú quân, tập luyện, rồi lên đường. Hết lớp này đến lớp khác…
Rồi một trưa, trên đường đi học về, lũ trẻ "đứng hình” khi nhìn thấy hình ảnh cô bộ đội sao mũ chỉnh tề, thắt lưng giắt khẩu súng lục đang hô "nghiêm, nghỉ” hàng quân. Nhìn cô thật oai phong và tạo ấn tượng mạnh. Các chị, các cô đứng bên đường xì xào: "Trung úy Thuận đấy, không biết cô nghỉ nhà nào nhỉ?”. Rồi chúng tôi cũng được "tiếp xúc” với cô lúc cô nghỉ ngơi ra suối gặt quần áo cùng đồng đội, khi cô tập bắn dưới chân núi và những đêm liên hoan văn nghệ tại xóm. Tư thế cầm súng lục và đứng bắn của cô khiến chúng tôi nhớ mãi (tất nhiên do đám trẻ hiếu kỳ "tập kích” vụng trộm tại các bụi cây phía sau bãi bắn mà thấy).
Hồi đó, qua thổ ngữ khi trò chuyện và qua câu chuyện của người lớn, chúng tôi biết được Trung úy Thuận quê Thanh Hóa. Vì cô là số ít trong số các chiến sĩ đóng quân tại làng mà chúng tôi "để ý” đến nhiều hơn. Đám con gái thì quan tâm đến hôm nay cô Thuận tết 2 bím tóc 2 bên hay búi gọn lên khi ra trường bắn. Còn đám con trai thì quan tâm đến hôm nay cô bắn được bao nhiêu điểm 10 trong tư thế đứng bắn… Đêm về, trong giờ học bài dưới ánh đèn dầu leo lét, các bạn học nhóm lén người lớn vẽ các chú, các cô bộ đội với hình ảnh mũ kê-pi, giắt quanh người là những bao đạn AK, dũng mãnh xung trận. Riêng hình ảnh Trung úy Thuận được cả nhóm vẽ bằng tình cảm đặc biệt: mái tóc tết thõng sau lưng hoặc búi cao với tư thế bắn thật oai phong hoặc hình ảnh cô hát trong đêm văn nghệ với ánh mắt tha thiết hướng về quê hương…
Ngày đó, làng bản chúng tôi đói nghèo lắm. Ngày "ba tháng tám” cũng đeo đẳng nhưng các gia đình luôn có sự chia sẻ với các cô chú bộ đội. Khi nải chuối, quả đu đủ chín, khi nồi khoai, dong riềng. Bố tôi hồi đó làm cán bộ xã nên hay được đón các chú công an, bộ đội về nằm vùng. Bà ngoại và bố mẹ dành cho các chú nằm bộ phản tươm tất nhất. Nhiều lần, bà tôi kỳ cạch giã những củ sắn khô lấy từ gác bếp rắn đanh thành bột để rán lên "đãi” các chú vào ngày chia tay. Còn mẹ cũng chọn những củ khoai sọ ngon nhất để luộc và chờ các chú cùng về ăn. Bữa ăn thời khó khăn đó chẳng dễ quên nhưng bà và mẹ tôi luôn vui cười mỗi khi có khách. Bà dặn: "Nhà có khách, có đói mềm cũng phải vui cười. Mình không thoải mái, có ai dám động đũa”. Cho nên cho dù lúc bố tôi đi họp huyện xa nhà mấy ngày, nhưng khi có các chú, các cô bộ đội đến nhà, việc chào đón, sắp xếp đã có bà, có mẹ lo.
Ngày nữ Trung úy Thuận và các chú bộ đội lên đường khi chúng tôi đang ở trường học. Đi học về, xóm bản vắng ngắt, thấy các bà mẹ và các chị mắt đỏ hoe. Việc quân sự, bí mật, chỉ biết có lệnh hành quân là nhanh chóng thu dọn quân trang lên đường. Trưa hôm ấy, ai cũng khóc như chia tay người em, người con của mình ra chiến trường
Đầu năm 1975, được bà giao đọc các bản tin chiến thắng của quân dân ta trên Báo Nhân Dân cho cả nhà nghe, tôi nhớ, sau mỗi bản tin, ai cũng hồ hởi, náo nức, nhưng bà và mẹ tôi vẫn đau đáu câu: "Không biết cô Thuận và các chú đi đến đâu rồi?”. Chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên, Huế - Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc… Rồi trưa 30/4/1975, bà con hàng xóm ào đến nhà tôi để đón nghe từng lời của bản tin chiến thắng trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài Hồng Hà bé, rọt rẹt. Chiến thắng rồi… Giải phóng miền Nam rồi… Ai cũng nói cười mà nước mắt long lanh khóe mắt. Trong số bà con đó, người có em trai, em họ, con trai đang chiến đấu ở miền Nam. Buổi chiều, từng đoàn thiếu nhi đi dọc xóm bản đánh trống ếch hô vang khẩu hiệu về ngày chiến thắng 30/4. Tiếng trống, tiếng nói, tiếng cười vang vọng núi đồi. Đêm đó, ở sân kho hợp tác xã, thanh thiếu nhi xóm bản hát múa tập thể mừng chiến thắng đến tận khuya, ai cũng hân hoan. Lúc đó, sao chúng tôi mong được gặp nữ Trung úy Thuận và các chiến sĩ từng hành quân, tập luyện mấy tháng trời ở quê tôi đến thế? Họ ở đâu nơi chiến trường rộng lớn, nóng bỏng và ác liệt đó? Ngày 30/4, họ có hội quân đầy đủ ở Dinh Độc Lập hay không?
Bùi Huy
Ngày còn học đại học, Hải không hiểu sao các bạn lại không chọn quê hương mình làm điểm đến trong những lần cả lớp đi du lịch.
Năm nay, cây đào ở chái nhà ông Đức được cả phần nụ và lộc. Nhìn những búp to, đỏ tươi, biết ngay là xuân sắc đang về. Nhưng các con cháu trong nhà lại thấy ông có vẻ trầm tư hơn ngày thường. Từ ngày bà về với tổ tiên, 10 năm nay, ngày Tết ông chẳng đi đâu xa, cứ loanh quanh nhà cửa, vườn tược chăm bẵm hàng thược dược, khóm vi-ô-lét mà bà ngày xưa ưa thích.
Đang ngồi nghe hát chèo, tiện thể nhặt mớ rau cải chuẩn bị cho bữa chiều, bà M giật thót người khi thấy chị hàng xóm bậm bạch chạy sang. Khuôn mặt chị khá nghiêm trọng, giọng hổn hển, nhưng chứa đầy sự bực bội, bất bình:
Một lần đi chợ huyện, nhìn thấy hàng rau bán ngọn su su, Lành sà vào chọn một mớ thật ngon. Đang định lấy tiền trả để về kẻo trưa nắng thì một giọng nói lạ vang lên phía sau:
- Chị ơi bao tiền một mớ? Đừng bán đắt cho người thành phố nhé!
Chị bán rau nghe xong liền đáp lại một cách đáo để: