(HBĐT) - Có đến ba mươi năm rồi, hôm nay, anh Trung mới trở lại mảnh đất này. Mảnh đất mà ngày ấy, anh theo gia đình từ một tỉnh miền xuôi đất chật, người đông lên khai hoang. Học xong cấp II, anh ra tỉnh học, anh ở nhà người anh họ bên này sông, phố Đoàn Kết.

 

Hàng ngày, anh cùng lũ bạn trai, gái bên bờ phải sang bờ trái học trường cấp 3. Lúc ấy, cả tỉnh mới có một, hai trường cấp 3. Trường nằm sát dưới chân núi Búng, một sân trường rộng dài cát trắng, ra khỏi sân đi một đoạn đường là xuống bờ sông. Những cây phi lao cao vút ngày hè, gió sông thổi lên, phi lao vi vu xen với tiếng ve sầu. Trường hồi đó mái tranh, vách đất những một thời đã ghi bao kỷ niệm của tuổi học trò.

 

Ngày ấy, tụi học trò con trai nghịch, cái nghịch được xếp sau quỷ và ma, nghịch của tuổi học trò lúc ấy là cái nghịch hồn nhiên của tuổi trẻ vô tư. Nhiều hôm, đò cập bến là bọn con trai nhảy lên bờ, “bùng” cả tiền đò. ông Đầy nhìn lũ học sinh chặc lưỡi, không nặng lời. ông bà Đầy chèo đò quanh năm lúc nắng nóng cũng như lúc mưa rét mà nuôi được lũ con 5 đứa nay đã có cô con gái đầu làm bác sĩ tận Hà Nội.

 

Đến thời cuộc kháng chiến miền Nam liên tục thắng lợi, Mỹ leo thang ra miền Bắc đánh phá bằng không quân, trường học phải sơ tán vào tận núi Thưa trong xóm Ke, xóm Gáo. Thầy, trò phải đào hầm, làm lấy trường mà học, thế mà học tốt, bây giờ nhiều người đã nên ông, nên bà chỉ không may cho những bạn hy sinh nằm lại chiến trường. Sau ba mươi năm ra trường lên đường nhập ngũ, chiều nay, anh trở về thăm ông bác họ ở phố Đoàn Kết. Bác mất rồi còn lại mấy anh, chị nay ai cũng ăn nên, làm ra, người kinh doanh điện máy, người cán bộ phường, xã. Phố đổi thay, con đường ngày xưa đi về gồ ghề, cây gạo đầu ngõ tháng 3 hoa đã rực trời, chào mào, sáo sậu nhảy bay hót ăn nhụy hoa, hoa gạo rụng lên cả đầu người qua lại. Con đường phố nay khang trang, đèn cao áp sáng rực, có đầy đủ tên đường, tên phố, số nhà. Mùa này, sang thu, những cây hoa sữa bên đường đêm về tỏa một mùi hương ngai ngái nhưng ai đã quen, đi đâu cũng nhớ về mùi hoa sữa. Phố sá đã khang trang, đang thay đổi dáng vóc từng ngày.

 

Chiều nay, anh Trung đứng thẫn thờ bên chiếc cầu xi măng bắc qua sông. Đứng trên cầu, tựa vào lan can, Trung nhìn dòng sông như dải lụa xanh vắt vẻo tận cuối trời, hút xa phía bên kia bờ bãi xóm làng nay đã trở thành những dãy phố, những ống khói nhà máy đường, nhà máy gạch, những cần cẩu bờ sông cẩu hàng máy móc lên cho thủy điện Sơn La. Trường học xưa nay tọa lạc giữa phố, mấy dãy nhà cao tầng của trường rộng mở đón con em các dân tộc về  đây học tập để tạo nguồn cán bộ địa phương.

 

Đã ba mươi năm qua, bến đò Phương năm xưa đã nhường cho cây cầu lớn bắc qua sông nối đôi bờ, người qua lại tấp nập làm cho bộ mặt thành phố trẻ hai bờ sông thêm thơ mộng. Ba mươi năm về trước, cậu học trò mới rời ghế nhà trường, vóc dáng thanh mảnh lọt thỏm trong bộ quân phục rộng thùng thình. Những tháng luyện tập trên thao trường mồ hôi đổ, nắng cháy da, mưa dầm làm cho làn da trắng trẻo anh thư sinh Trung sạm nắng, rắn rỏi hẳn lên. Ngày ấy, rời ghế nhà trường cấp III tập luyện một thời gian, Trung và mấy bạn nữa được trung đoàn chọn đi học lái xe. Ngày chia tay, xóm Thịnh Lương, nơi anh đóng quân thật bịn rịn. Lan, cô con gái của bà mẹ chủ nhà cho tiểu đội anh ở suốt mấy tháng rèn luyện thao trường “lăn lê bò toài” để trở thành anh bộ đội. Thời chiến, cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn thiếu thốn, bộ đội cũng trong cảnh cả nước bước vào cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam ruột thịt. Nhưng lòng yêu nước, tinh thần chịu thương, chịu khó, ý chí phấn đấu của người dân, người lính thì có thừa. Hôm Trung lên đường học lái xe cùng ba đồng ngũ, Lan đã dậy sớm nấu nồi cơm nếp, rồi gói vào mo cau bỏ vào ba lô Trung. Lan tiễn các anh ra bến đò ngang qua sông, nước sông mùa này êm đềm xanh lặng trôi. Bến đò ngang kỷ niệm những ngày đi học, về đêm có hôm văng vẳng tiếng đò ơi của khách muốn sang sông.

 

Chia tay Lan bên bến đò anh hẹn:

- Có ngày lái xe về Thịnh Lương thăm mẹ, thăm em.

Trung nhớ ngày hành quân đi bộ lên đỉnh dốc Man thì đã quá trưa, mở mo cơm nếp mà Trung được Lan tặng, đám lính trẻ lại reo vang thấy bên cạnh gói muối vừng còn có chiếc đùi gà lớn. Chiến tranh kéo dài, Trung đã cầm vô lăng lái chiếc xe tải của Liên Xô viện trợ đi khắp nẻo đường Trường Sơn vào khu bốn, khu năm rồi đến Tây Nguyên. Bận rộn với những chuyến xe vào Nam, ra Bắc “đạn giật, bom rung,  kính vỡ...”, may mắn đến hôm nay anh vẫn còn nguyên vẹn. Nhớ bạn anh, cậu Nghĩa quê Nam Định cùng đơn vị chở hàng, vũ khí, lương thực tiếp tế cho chiến trường. Khi qua hầm ngầm chữ y, xe của Nghĩa trúng bom napan bốc cháy, anh cùng đồng đội lao xuống khe suối dùng can, thùng múc nước chữa cháy, đang lúc cứu anh bị quả bom bi rơi trúng nên đã hy sinh. Anh nằm xuống trên Trường Sơn lúc tuổi đời ngoài hai mươi, để lại người yêu là bạn học cùng trường, dưới anh hai lớp. Người yêu cô Diệp lúc biết tin anh hy sinh cũng là lúc có giấy gọi vào đại học nông nghiệp. Bây giờ, Diệp đã là phó giám đốc Sở Nông nghiệp. Ngày Trung trở về, đến bến đò qua con sông xưa nay đã có cầu bắc qua, ngày đêm xe người qua lại tấp nập. Đêm trên cầu, những đèn cao áp soi suống dòng sông, hai bên phố sá lung linh ánh điện, ký ức ba mươi năm lại trỗi dậy trong anh. Chiều nay, bên bờ sông, những cây hoa sữa màu trắng đang đung đưa từng chùm tỏa thơm, lô nhô trên mặt nước là những chiếc thuyền con chơi vơi lững lờ đang câu cá giữa dòng sông.

 

Anh lại về xóm Thịnh Lương, mẹ Lan đã qua đời, em trai Lan làm Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Long, mới đổi tên, còn Lan nay đã là cô giáo cấp hai dạy học ở một trường có tiếng của thành phố. Được tin anh Trung về thăm nhà, thăm quê hương xưa nghèo, Lan đến nhà em, cậu Luân.  Cô giáo Lan chào anh rồi nói lời trách nhẹ:

- Tưởng anh Trung lâu ngày quên dân quê, quên xóm bờ sông này rồi. Trung nhìn Lan nói:

- ấy em nói vậy là oan cho anh, vì đi chiến đấu miệt mài với chiếc vô lăng nên chưa có dịp.

- Em nói vậy thôi, thời chiến biết thế nào, hôm nay anh trở lại gặp nhau là quý rồi.

 

Anh trở lại không phải qua đò mà đã có chiếc cầu.

Trung nói thêm:

- Có cầu rồi vẫn không quên tiếng gọi đò - đò ơi. Nhớ đò năm xưa là nhớ tình nghĩa với người, với đò. Qua cầu vẫn như tiếng đò ơi! Mênh mang da diết.

                              

 

                                                                                V.S (T.T.V)

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục