(HBĐT) - Hồi ở trường huyện, tôi có một người bạn học tên là Châu. Nhà chúng tôi cách nhau đến vài chục cây số. Thấy Châu ăn mặc tươm tất, tôi cho rằng Châu là con một gia đình khá giả nên không thích cậu ta. Một lần tôi hỏi Châu giọng kẻ cả:

 

- Sau này mày định ngành nào?

- Địa chất! - Châu trả lời.

Lúc đó có một vài bạn nên tôi càng ra vẻ điệu bộ nói:

- Ngữ mày mà cũng mơ địa chất sao? Lý do gì mà mày có quyết tâm dữ vậy?

- Đơn giản thôi! Châu cười - Làm trai là phải biết những cánh rừng xa khuất, những nơi đá tai mèo nhọn sắc chưa ai đặt chân đến, phải như con tàu luôn xuất phát ngoài ga - Châu nói mà mắt cứ nhìn lên mơ mộng như một thi sĩ.

- Ghê nhỉ! Chào môn đồ của Cristốp Côlông - Một bạn cười vô tư nói.

Sau này khi ở ngoài mặt trận, mỗi khi gặp đá tai mèo làm chảy máu chân, tôi lại nghĩ đến Châu. Đơn vị tôi có một thời kỳ phải bám trụ một khu vực chiến thuật. Lính ta cứ phải ngồi trong hầm cá nhân, nắng mưa thật gian khổ, lính ốm hàng loạt. Sau trên cử về một cán bộ, người ấy cứ nhảy lên, nhảy xuống các hầm nhanh thoăn thoắt làm cho sư trưởng chỉ có hướng dẫn ông ta mà cũng vã mồ hôi hột. ông ta cạy từng mảnh đất rồi gói lại đánh số trên sơ đồ. ít ngày sau, ông ta đến và đề nghị với sư trưởng:

- Cho toàn bộ trận địa khoét hàm ếch trong hầm ở độ sâu 2,5m.

- Xin lỗi! Sư trưởng nói - Tôi xin hỏi: Vậy có sợ mưa ngập hầm không?

- Không! Vì dưới độ sâu 2,5m có một lớp đất hút và tiêu nước rất nhanh - Thấy sư trưởng còn băn khoăn, ông ta cười nói thêm - Các đồng chí có thể ở cả mùa mưa cũng không sao.

Thấy người cán bộ nói vẻ rất tự tin, sư trưởng rất mừng. Nhưng ông vẫn hỏi thêm:

- Vậy nếu cường độ bom lớn và mật độ dày đặc thì có sợù sập hầm hàm ếch không?

- Không! Vì ở trên có một vỉa đất bền vững, trừ bom tấn hoặc bom dội đúng đỉnh hầm.

Sư trưởng nghĩ ngợi như suy xét theo lời nói của người cán bộ đã vẽ trên sơ đồ.

Quả nhiên sau đó, hầm hàm ếch vừa tránh được mảnh bom, vừa tránh được mưa nắng. Đến nỗi khi thấy máy bay địch bay thấp để nhìn xuống, chúng không thấy bộ đội nên không dội bom nữa, làm sư trưởng phải trầm trò nói với sư phó:

- Cái đầu của thằng cha cố vấn kỹ thuật mới cừ khôi làm sao. Rồi ông nảy ra một ý kiến - Hay xin hẳn chàng ta về đơn vị mình hả cậu?

- ông cứ cho soạn công văn đi, duyệt, ký vào rồi đưa mình - Sư phó trả lời.

Lính chúng tôi được phép phân công nhau: một người ngủ, một người trực vì mỗi hố bây giờ có 2 người trụ. Bộ đội được an dưỡng thực sự trong hầm hàm ếch có đến vài tháng trời, ai cũng khen người cán bộ tài ba ấy.

Lần khác, sư đoàn tôi đang hành quân thì có lệnh đột ngột “Dừng lại”. Các cán bộ trung đoàn tôi rất lúng túng, họ chạy lên Sư đoàn bộ. Sư trưởng nói:  

- May quá, Sư đoàn phó kỹ thuật vừa xem xét xong chất đất. Đồng chí ấy đề nghị cho bộ đội hành quân qua đầm lầy. Tôi đồng ý. Các đồng chí chấp hành mệnh lệnh ngay.  

- Cố vấn kỹ thuật của đồng chí điên hay sao? - Trung đoàn trưởng trực tiếp của tôi nói - Cho bộ đội hành quân qua đầm lầy để chôn sống họ ư hay là để làm mồi cho giặc? Tôi không chấp hành mệnh lệnh mù quáng như vậy. Tôi đề nghị cho bộ đội hành quân thần tốc nếu như phải tránh xa nơi này.

- Từ giờ này tôi cách chức Trung đoàn trưởng của đồng chí xuống làm Tiểu đội trưởng. Trung đoàn phó đâu?

- Báo cáo Trung đoàn phó ở đơn vị. Tôi, Chính ủy Trung đoàn có mặt.

- Đồng chí truyền đạt giúp với Trung đoàn phó lệnh: Cho bộ đội hành quân qua đầm lầy cùng các Trung đoàn khác ngay tức khắc.

- Rõ!

Trung đoàn tôi theo các trung đoàn khác vừa rời khỏi dốc Biềng mươi phút thì máy bay địch ầm ầm kéo tới, chúng gào rú như xé trời, trút mưa bom, bão đạn xuống đó. Chùng đánh chặn phía sau, phía trước và phía trái dốc Biềng với một bán kính lớn không một tốc độ hành quân nào có thể thoát ra được. Kỳ lạ thay, ở phía phải, đi trên đầm lầy mà đoàn quân không hề bị thụt, độ sâu chỉ duy trì ở đầu gối chân và thật may lại có bóng cây rừng che khuất. Ngay cả địch cũng không ngờ sư đoàn lại táo bạo như vậy, chúng yên trí: “Đã hoàn toàn cho sư đoàn lục quân của Việt cộng ra bã”.

Từ sự kiện đó, người kỹ sư công   binh - cố vấn kỹ thuật, Trung tá Sư đoàn phó của sư đoàn được toàn thể bộ đội trong đơn vị gọi bằng cái tên trìu mến “Sư phó Hai Biềng”. Người ta còn nói, Sư phó Hai Biềng cũng chính là người cán bộ có đôi mắt rực sáng trước đây, dù không có “phòng thí nghiệm cơ học đất” hẳn hoi, chỉ có ít các dụng cụ đơn sơ và dựa vào kiến thức uyên thâm của mình, thế mà ông đã cứu cả một sư đoàn chúng tôi thoát khỏi những ngọn roi rát bỏng của thiên nhiên và địch họa khắc nghiệt, trên chiếc lòng chảo rang người của một vùng trơ trọi cây cỏ vì bom đạn cày xới ở mãi chiến trường X.T máu lửa.

Mấy năm đã qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, tôi chuyển ngành và được điều về làm đội trưởng ở một cơ quan kỹ thuật. Khi biết Tổng Giám đốc cơ quan chính là đồng chí Hai Biềng thì lòng tôi dào dạt một niềm vui. Đồng chí Hai Biềng - một con người nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu như sóng cồn, đối với những ai đã sống và chiến đấu ở chiến trường X.T kiêu hãnh. Xốc lại cổ áo, cài cúc ngực nghiêm chỉnh, tôi bước vào phòng Tổng Giám đốc trình quyết định. Vì là lần đầu vào đây nên thấy căn phòng trang nghiêm quá, tĩnh mịch quá, khiến tôi đi những bước không dài.

Lúc này chỉ có mình ông đang chăm chú vào tấm bản đồ địa chất tỷ lệ nhỏ trùm trên mặt bàn. Sở dĩ tôi nhận ra ông ngay vì ông có dáng cao mảnh và vì đã có đôi lần thấy ông trên Sư đoàn bộ ngày ở chiến trường nhưng ngày ấy ông chỉ đi lướt trước mặt nên tôi chỉ kịp nhớ ông có mái tóc cắt bấm rất đẹp, dày dặn và đã pha sương. Tôi nhẹ nhàng ngồi vào chiếc ghế rơ cuối phòng để khỏi ảnh hưởng đến sự tập trung suy nghĩ của ông. Khi mái đầu ấy ngước lên trên bản đồ, dù ngồi xa có đến gần chục mét, tôi vẫn thấy đôi mắt ông có những nét hao hao quen. Lục tìm trí nhớ, tôi bỗng bàng hoàng…

Thân hình tôi vốn to cao như hộ pháp là thế, vậy mà không hiểu sao - rõ ràng không phải vị trí, địa hình, cũng không có gió hoặc chướng ngại - mà tôi cảm thấy một sự hụt hẫng và thấy mình bé hẳn lại. Tôi đứng dậy, lập cập đi đến chỗ ông. Tôi đứng nghiêm, tay giơ ngang trán như tác phong cũ trong quân đội:

- Chào đồng chí Thượng tá Hai Biềng… Chào Châu - Châu giật mình nhìn tôi và sau một tiếng reo: “Trời! Cậu San” - Châu đứng bật dậy bước tới ôm ghì lấy tôi. Tôi thấy đôi mắt anh ươn ướt vì xúc động và cũng không hiểu thế nào, tôi đã trở lại niềm vui thực sự, to lớn hơn đến trào nước mắt.

              

                                                                            N.H.V 

                                                              (Hội Văn nghệ Ninh Bình)

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục