Cậu là con thứ ba trong gia đình, cả nhà quen gọi cậu là cậu út nhưng tên của cậu trên giấy tờ, trong học bạ đi học là Thắng, gọi vậy mãi nghe cũng quen, thân thương, trìu mến.

 

Nhà có 3 chị em! Chị cả, anh hai và cậu là út. Chị cả đã lấy chồng, công tác tận trên thành phố, có một cháu trai học đại học và một cháu gái lên 8 tuổi đang học lớp 3. Mỗi lần cậu út về, cháu Hòa - con chị gái quấn quýt nghe cậu kể chuyện những chuyến đi tuần tra nơi biên giới với những con chó “béc” to như con bê, đánh hơi rất giỏi, mấy lần bộ đội truy kích kẻ gian, chó lao vào túm cổ được bọn buôn ma túy. Cậu út về được chị gái chiều, cậu thường nhỏ nhẹ, tỉ tê tâm sự với chị. Chị cười giục cậu:

 

- Mẹ đã già, em lấy vợ đi để mẹ mừng, mẹ chỉ mong thế thôi.

 

Cậu út nhìn chị nói:

 

- Lính biên cương rong ruổi, cuộc đời binh nghiệp, khó lắm chị ơi!

 

- Hay là để chị làm mối cho cậu nhé.

 

- Không được đâu chị, người tít tắp trên rừng biên cương, người ở xuôi ngóng chờ mòn mỏi tội lắm.

 

Mỗi lần cậu út từ biên giới về phép, mẹ bỗng tươi tỉnh lạ kỳ. Mẹ xăm xăm vào bếp nấu đủ món ngon mà cậu thích. Cậu mua quà từ biên giới về cho mẹ chiếc áo len màu mận chín, cái khăn trùm đầu, mẹ thích mê, suốt ngày mẹ ngắm nghía. Đi đến đâu mẹ cũng khoe có cậu út về phép làm cả nhà nhiều khi cũng thấy ghen tị.

 

Được tin cậu út về, chị gái xin nghỉ mấy ngày phép, dắt con gái về thăm cậu, thăm bà ngoại. Chị mua đủ thứ về để cùng mẹ nấu cho cậu út những bữa ăn bù lại những bữa cơm đạm bạc nơi biên giới. Nơi có những ngọn núi cao, gió rít từng cơn và mây chiều bàng bạc. Cháu Hòa sẽ kể chuyện đi học lớp 3, Hòa sẽ đố cậu mấy từ tiếng Anh và cả trò chơi trên máy điện thoại. Hòa sẽ mua tặng cậu một tập phong bì để cậu viết thư về cho bà ngoại và cho mẹ.

 

Nhớ hồi cậu út nhập ngũ, mẹ cứ thấp thỏm không yên, mẹ lo và thương cậu út phải luyện tập vất vả. Mẹ lo nơi biên cương khí hậu khắc nghiệt nhỡ cậu không chịu đựng được đổ bệnh thì khổ. Từ ngày tốt nghiệp trường sĩ quan biên phòng, với quân hàm thiếu úy, cậu út được về đồn biên phòng biên giới phía Bắc cho đến tận bây giờ. Cậu út cứ đi biệt, có khi 2-3 năm mới về phép một lần. Đã bao nhiêu năm rồi mà nhìn cậu vẫn vậy, chẳng béo lên được chút nào, vẫn cái dáng dong dỏng cao, nước da rám nắng nhưng rắn chắc hơn. Chỉ có những vết chai sạn thêm vào những vết sẹo trên người cậu ngày nhiều thêm. Cậu trầm tĩnh, ít nói nhưng lại chín chắn, điềm đạm hơn, chị bảo, do ảnh hưởng công việc nên tính tình của cậu là như vậy đấy. Lâu ngày về, gặp cậu út, chị gái lại giục:

 

- Cậu mà không lấy vợ, già rồi chẳng ma nào yêu đâu.

 

Cậu út cười dí dỏm:

 

- Không có ma yêu thì đã có người yêu, chị cứ yên tâm.

 

Có lần cậu út về phép, thấy cậu cứ bồn chồn không yên, khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu, thì ra cậu sống lâu trên ấy quen nơi có bản làng biên giới, có tiếng con trẻ học bài, có tiếng tù và gọi bạn. Giữa cây rừng biên giới có ngôi trường mái ngói mà ở đó thấp thoáng những cô giáo có mái tóc đen dài ngày ngày đến trường ríu rít bên đàn em nhỏ. Cậu út về, trên ve áo quân hàm màu xanh từ hồi đầu một sao nay đã 3 sao. Chị gái mừng thấy cậu út đã tiến bộ lên sao, lên cấp. Chị mách niềm vui đó với mẹ, mẹ dửng dưng, mẹ nói như làm thơ:

 

- Thêm sao thêm bậc là mừng nhưng thêm cô vợ lại càng mừng hơn.

 

Mẹ xót xa, giục cậu mau cưới vợ rồi xin chuyển công tác đi, về dưới này cho có anh, có em, có làng xóm, bạn bè. Cậu chị cười bảo cuộc đời binh nghiệp gắn bó với núi rừng biên cương, gìn giữ từng tấc đất cho Tổ quốc, sự yên bình cho đồng bào nơi biên giới ngỡ như đó là quê hương mình rồi. Cậu út nghĩ, sự nghĩ suy nặng nghĩa tình rồi còn đồng đội, bạn bè, bản làng thương mong về sao đành.

 

Năm nay cây đào bên bể nước nhà mẹ có những nụ hoa đào e ấp có nụ đã nở hoa. Nhìn hoa đào nở, mẹ mừng như có một tin vui gì sắp đến. Tính người già thường hay liên tưởng như vậy đấy. Mẹ ra vào nhà trong, nhà ngoài, cầm chổi quét sân. Cây bưởi giống Đoan Hùng mà cậu út đưa về trồng được mấy năm rồi đã có mấy mùa ra quả. Tết này, những quả bưởi màu vàng tươi đang treo lúc lỉu dưới cành, sà sát đất, mẹ phải nhắc anh Hai làm cây chống. Cái nắng hiếm hoi của mùa đông trông nét mặt mẹ rạng rỡ hẳn lên.

 

Cậu út về phép thật, cậu dẫn cô bạn gái về, thấy cậu út về lại có bạn gái, mẹ mừng ra mặt, bước chân cứ ríu lại, mẹ điện cho vợ chồng con gái về chơi. Cả nhà vui, niềm vui như vỡ òa trong ngôi nhà ngăn nắp, sạch sẽ, ấm cúng. Linh tính như mách bảo, mẹ ngồi đối diện với bạn gái cậu út, mẹ rót rượu, trìu mến nhìn bạn gái của con, như biết ý bà, ý chị, cô giáo Hà - bạn cậu út thưa chuyện:

 

- Nhà con quê ở vùng lúa Thái Bình, nhà con cũng có 3 anh em, anh cả công tác ở Văn phòng UBND huyện, anh đã có 2 cháu trai, còn chị gái con làm nông nghiệp và con là út. Con tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm lên vùng cao dạy học, gặp anh Thắng đã mấy năm rồi, Tết này mới có dịp về thăm gia đình.

 

Mẹ lại vui chân xuống bếp lo cơm nước, chị gái và cô giáo Hà, bạn gái cậu ngồi tâm tình thêm một lúc.

 

- Bố em sau giải phóng miền Nam ra quân về làng mới xây dựng gia đình. Bố em ngoài 60 tuổi, mẹ em năm nay vừa tròn 60, chị dâu dạy mẫu giáo ở làng, hai cháu trai đứa lên 7, đứa lên 3, cứ thấy cô về là đòi ăn kẹo, mẹ em xúi chúng nó, bà nói:

- Kẹo thì thiếu gì ngoài quán, ngoài hàng, phải là kẹo cưới.

 

Nghe cô hà nói hồn nhiên lại có duyên, hai chị em cùng cười. Nói chuyện một lúc, Hà theo chị xuống bếp cùng mẹ làm cơm.

 

Anh trai, chị dâu và các cháu gần trưa cũng đã về. Cả nhà đông đủ, niềm vui tràn ngập trong những ngày về phép.

 

Cậu út đi rồi, mẹ lại thẫn thờ mấy ngày liền, mẹ bồi hồi lật giở những đồ vật mà cậu để ở nhà. Những bộ quần áo cũ sờn, những ông sao, chiếc mũ gắn với đời lính biên phòng gian khổ và thầm lặng nhưng vinh quang của cậu út. Cậu út hết ngày phép đi về đơn vị mà những câu chuyện mẹ kể về cậu lúc nào cũng sống động và   vui tươi lạ kỳ. Mẹ thấy tự hào về cậu lắm - đứa con út của mẹ, đứa em út của anh chị và là anh bộ đội của cả gia đình.                          

 

 

                                     Truyện ngắn của Văn Song

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục