(HBĐT) - Cứ mỗi lần Thái được về tranh thủ hoặc về phép, đêm đêm, Lan lại khóc nức nở bên chồng. Thương chồng nhưng Lan vẫn ấm ức với chồng và giận ông Thế là bố của chồng không coi con trai của họ là cháu nội. Mặc dù Thái rất yêu vợ, thương con và nhiều lần bảo Lan rằng chỉ có chồng hiểu là được, không cần bận tâm những chuyện bên ngoài mà ảnh hưởng đến công việc. Biết vậy nhưng Lan vẫn thấy mình bị oan. Ngày sinh con, chồng đang ở Trường Sa không về được, Lan nhờ ông nội đặt tên cho cháu. ông Thế chỉ nói bâng quơ: “Bảo bố nó đến mà đặt tên”. Câu nói có ngụ ý cùng với sự lạnh nhạt của bố chồng trong thời kỳ ở cữ khiến cho lòng Lan đau như xát muối.

 

Thế rồi Thái được về phép. Nhìn thằng bé đỏ hỏn nằm bên vợ, lòng anh mừng khôn xiết, Lan thấy chồng liền bật khóc. Thái ngạc nhiên:

- Được làm mẹ rồi, giờ thấy chồng về thì phải vui chứ sao lại khóc?

- Bố không công nhận nó là cháu nội.

- Làm gì có chuyện đó?

- Anh sang mà hỏi bố.

Thái sang nhà bố mẹ không phải hỏi chuyện đó mà bàn với bố đặt tên cho con. Vừa thấy Thái, ông Thế đã lên tiếng trước:

- Anh xem thử thằng bé có phải con anh không?

- Sao bố lại nói thế?

- Anh cưới được 7 tháng thì vợ đẻ. ở nhà, tôi nghe đồn là anh bị “cắm sừng”, bị “đổ vỏ”.

- Vẫn có nhiều trường hợp sinh thiếu tháng bố ạ! Đẻ 7 tháng còn nuôi được chứ 8 tháng thì khó nuôi. Còn chuyện “cắm sừng”, “đổ vỏ” là do một vài người thấy Lan đẹp người, đẹp nết lại là giáo viên, họ không “cưa” được nên dựng chuyện lên đấy, bố đừng tin.

Việc đầu tiên là Thái đến nhà tộc trưởng xem sổ tọa thứ trong gia phả và sơ đồ các chi nhánh trong họ để đặt tên cho con trai không trùng với những người đàn ông đã khuất và đang sống. Từ trước đến nay, trong dòng họ chung một nhà thờ, khi sinh con trai người ta không đặt trùng tên người trước vì như vậy là kiêng, là “phạm húy”. Thái quyết định đặt tên con là Bình và đến UBND xã khai sinh.

*

*     *

 Hai năm sau, Thái được về phép kết hợp với một số việc đơn vị giao phó ở đất liền. Dịp ấy, bên nhà ông Thế có giỗ, đang lúc uống rượu, ông Thế chỉ vào thằng bé và hỏi một người ở làng bên:

- Ông nhìn xem thằng nhỏ giống ai nhất ở nhà này?

Ông bạn không biết đấy là cháu nội và cũng chẳng biết có bố mẹ thằng bé ngồi mâm bên cạnh nên đang lúc bốc rượu liền phán một câu:

- Nó chẳng giống ai ở đây cả.

Nghe vậy, Lan đứng lên ôm con về. Thái cũng buông chén đứng dậy. Mọi người ngơ ngác chưa hiểu ra sự thể thì ông Thế lên tiếng:

- ông nói là khách quan nhất. Nó không phải là thằng cháu tôi, không phải là con thằng Thái. Cưới về được 7 tháng thì vợ đẻ, chứng tỏ đã có bầu trước 2 tháng với người khác rồi.

Moi người bắt đầu xì xầm to nhỏ. Kẻ thì nói ông Thế vô tâm, người thì cho rằng ông khách vô tình đổ dầu vào lửa. Phần lớn đều có chung quan điểm là những chuyện đó không nên đưa ra bàn tán ở đây.

Lan nằm trong giường khóc sưng cả mắt. Con đã 2 tuổi rồi mà bố chồng xa lánh không chịu nhận cháu. Do Lan sinh con thiếu tháng chứ trước khi cưới, Lan chưa nhận lời ai và cũng chưa đi chơi với ai. Thái biết chuyện đó, anh tin vợ nhưng cũng rất buồn.

*

*     *

Tại Văn phòng Hội CCB huyện, ông Thành đang làm việc thì có một sĩ quan hải quân bước vào, anh ta lên tiếng trước:

- Xin chào bác! Bác có phải là bác Thành trước đây ở Đoàn 171?

ông Thành đứng dậy bắt tay khách:

- Chào anh, đúng rồi! ở đơn vị có chuyện gì phải không anh?

- Dạ, không ạ! Cháu đang công tác ở Trường Sa. Cháu muốn hỏi bác còn nhớ một đồng đội của bác tên là Thế không ạ?

- Có, ông Thế người Đông Trung. Anh là con trai ông Thế à? Nhìn anh tôi đã ngờ ngợ vì rất giống.

- Dạ, đúng ạ! Bố cháu vẫn thường nhắc bác và nghe nói đã gần 30 năm rồi chưa gặp lại nhau.

- Bố anh hiện giờ có khỏe không? Anh đã có gia đình chưa, làm sao anh biết tôi ở đây?

- Bố cháu vẫn khỏe, cháu đã có vợ và một con trai 2 tuổi. Cháu được về phép kết hợp với việc nhận quân và thẩm tra lý lịch đảng viên. Vừa qua, cháu có đến quê bác thì được biết bác đang công tác ở Hội CCB huyện.

- Sau khi bố anh chuyển công tác, tôi vào Học viện Hải quân ở Nha Trang rồi trở lại đơn vị tiếp tục công tác và mới nghỉ hưu năm ngoái. Hiện nay, tôi đang tham gia Ban chấp hành Hội CCB huyện và làm Phó Chủ tịch.

- Thưa bác, ngày mai, cháu phải trả phép và đưa lính mới về đơn vị. Cháu có một việc riêng muốn nhờ bác giúp đỡ. Vợ chồng cháu nghĩ làm việc này chỉ có bác mới giúp đỡ được. Như vậy ra Trường Sa, cháu mới yên tâm công tác.

- Việc có quan trọng, khó khăn lắm không? Anh cứ nói đi!

- Nói thật với bác là cháu cưới vợ được gần 3 năm và có một con trai 2 tuổi. Vợ cháu là người cùng quê và hiện là giáo viên dạy ở trường làng. Đứa con trai là con của cháu nhưng vì cưới về được 7 tháng thì vợ sinh. Do đó, bố cháu nghĩ là trước khi cưới, vợ cháu đã có bầu với người khác nên bây giờ cháu đã 2 tuổi mà bố cháu không coi nó là đứa cháu đích tôn. Hiện nay, bố cháu lạnh nhạt với vợ con cháu và ghét luôn cả cháu.

- à, ra vậy! Thôi, trưa nay mời anh ở lại ăn cơm với tôi rồi ta bàn cách. Ngày mai anh cứ yên tâm trở lại đơn vị, tôi sẽ giúp anh.

*

*     *

 Một buổi sáng chủ nhật, ông Thế đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng người đàn ông trước ngõ:

- Không sai chút nào, nhìn người là biết. ông Thế ơi, có nhà không?

ông Thế bước ra sân:

- A, ông Thành, Thành “bê trưởng”.

- Đúng rồi! Gần 30 năm còn gì…

- Sao ông biết nhà tôi?

- Trong lý lịch trích ngang, tôi còn nhớ làng, xã từng người. Vừa đến đây thấy cháu bé đang chơi ở cổng, trông nó giống ông như đúc, tôi liền vào đây.

Vào nhà rót nước mời khách, chưa hỏi thăm sức khỏe, công việc của bạn, ông Thế lên tiếng:

- ông thấy thằng bé nó giống tôi điểm nào?

ông Thành kéo thằng bé vào lòng, đưa cho nó hộp bánh rồi nói:

- Nó giống hệt ông đôi mắt, hai tai, lỗ mũi và cái miệng, chỉ khác là da thịt trắng trơn hơn. Trẻ con mà. Bố mẹ nó ở đâu?

- Bố nó đi bộ đội hải quân ở Trường Sa, mẹ nó dạy học ở trường làng.

- Nhất ông rồi còn gì? Con cháu ông không giống lông cũng giống cánh…

Buổi chiều, khi tiễn bạn ra về, ông Thế mới có dịp ngắm kỹ thằng bé. Đúng là nó giống ông lúc nhỏ thật. Nhìn cháu, ông thấy mình có lỗi với cháu, với con. ông ôm cháu vào lòng, xách cả túi quà ông Thành đến biếu sáng nay sang nhà con dâu.

- Lan ơi, mấy năm nay bố có lỗi với cháu, với vợ chồng con. Bây giờ bố biết mình sai, bố xin lỗi con và nhờ con tìm cách báo tin cho chồng con yên tâm công tác nhé.

Lan ôm chầm lấy ông Thế và con trai, nước mắt ứa ra:

- Dạ, cảm ơn bố, con sẽ liên lạc với nhà con.                                       

 

                                                          

                                             Truyện ngắn của Nguyễn Thị Lâm

 

                                                   (Bưu cục Cẩm Thành -

                                                   Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh)

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục