(HBĐT) - Đặt gánh củi lên bãi cỏ lắp xắp nước ven bờ, bác Tình chỉ kịp cởi chiếc áo vải gụ vắt lên ngọn cây hóp lòa xòa trước mặt thì đã nghe có tiếng gọi: - Bố già ơi! Quay lại giúp “con cháu” qua suối với rồi cùng đi cho vui nào! Bác giơ một tay che nắng, nheo nheo cặp mắt nhìn qua bên bờ kia. Cạnh một vách đá thạch anh trắng toát có một chàng trai tay phải chống nạng, tay trái xách ba lô lộn ngược dùng làm túi, ống quần xắn cao để lộ ra một chiếc chân gỗ màu xám mốc.

 

- Đợi tí! Bác nói to như quát rồi nhảy đại xuống suối, lội ào áo, lội đến đâu, nước trong hai chiếc giày vải há mỏm bắn tung tóe ra đến đây. Vài phút sau, bác đứng đối diện với chàng trai bên vách đá trắng. Lân la một hồi, bác hỏi:

- Chú lắp chân gỗ từ bao giờ thế?

- Hồi 1982 - Chàng trai trả lời, cái mồm cá ngão anh ta hé một nét cười tự đắc - Mới từng này tuổi đầu mà vào sống, ra chết với vùng đất biên giới hàng chục trận rồi đó.

- Nhưng…, hơi kém rèn luyện nhỉ? - Bác Tình điềm nhiên tiếp - Với ngần ấy thời gian mà chịu khó rèn luyện thì chẳng những chú đã vứt được chiếc nạng gỗ trên tay mà còn làm được khối việc.

Chàng trai chuyển qua cười giọng mũi. Cái cười như muốn nói: “Bố già ơi, tôi chẳng phải loại ngu lâu khó đào tạo đâu mà bố già đòi dạy khôn”. Nhưng “bố già” vẫn tiếp tục “dạy khôn”:

- ở đời, muốn khỏi trở thành kẻ vô dụng thì bất cứ lúc nào cũng phải rèn luyện…

- Rèn luyện ngần ấy năm trời trong quân ngũ rồi mà vẫn chưa tỉnh hay sao? Thôi, ai dại thì cứ rèn. Riêng đây, xin kiếu!

- Rèn luyện thì sao gọi là dại?

- Gớm, chàng trai nổi khùng lên - Nói chuyên với các “bậc tiền bối” như bố già bực chết đi được! ông bà ta có câu: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, vậy anh thương binh cụt chân thì ăn… ở cái nạng gỗ này chứ nếu rèn luyện để vứt bỏ đi rồi thì… thì…

- à, ra thế đấy!

Bác Tình cười tủm tỉm, cúi thấp người xuống bảo chàng trai quàng tay vào cổ để mình cõng rồi đứng dậy, ung dung bước ra quang lội.

- Này! - Bác vẫn cười và tiếp tục câu chuyện bỏ dở - Tôi hỏi khí không phải, đã bao giờ chú em chống nạng ra ngáng đường bắt tài xế dừng xe cho mình đi chưa?

- Ti tỉ lần!

- Thế đã bao giờ chú em sà vào quán, bắt nhà hàng “chiêu đãi” chưa?

- Ti tỉ lần! Vậy đã ăn thua gì. Đôi lúc thấy có gì trái ý, “con cháu” còn chống nạng đến nhà bí thư, chủ tịch mà làm um lên như thằng Chí Phèo nữa kia. Hơ hơ…

Chàng trai cười vẻ bất cần… Bác Tình cũng cười và nhảy phóc từ hòn đá sót này qua hòn đá sót khác làm cho những con bướm tím, bướm vàng đậu thành cụm trên đó vỡ tóe ra như bắn pháo hoa. Tiếp đó, bác lom khom cõng chàng trai lên bờ, đặt xuống đất. Sau khi làm mấy động tác võ dân tộc cho giãn gân cốt, bác đến bên gánh củi, lục trong chiếc túi xác rắn mang theo lấy ra 3 củ khoai luộc, trao cho chàng trai hai củ:

- ưu tiên lớp trẻ!

- Hoan hô bố già!

Chàng trai bóc vỏ, ăn ngấu nghiến và nhìn bác Tình từ đầu đến chân. Cả cái khuôn mặt đỏ như mặt trời có bộ râu quai nón màu hoa lau của bác, cả đôi bắp tay tròn vo, chắc nịch như hai cái chày giã giò của bác đều như muốn nói với chàng trai: “Già thì già nhưng người này thừa sức vác một khẩu đại liên băng qua núi Ba Rền”.

- Nom bố già có dáng võ tướng ra phết! - Chàng trai nói - Thế nghề nghiệp chính của bố già là … tiều phu đó hả?

- Vừa tiều phu, vừa nông phu vì còn cày cả mẫu ruộng khoán. Đó là chưa nói đến lúc rỗi rãi, tôi còn ra sông thả lưới, tung chài kiếm tí chất tanh hoặc đạp xe thổ chở rau quả đi bán tận thị trấn.

- Vậy thì con vái bố! - Chàng trai khâm phục một cách hài hước - Chẳng hay năm nay bố già bấy mươi tuổi thọ rồi nhỉ?

- Tôi tuổi Nhâm Tuất, nay đã 74.

- Ghê chưa! Quá cổ lai hy rồimà toàn làm công việc nặng! Chắc hồi còn trẻ bố già “vâm” phải biết. Vậy mà không hề ra lính, khôn thật!

- Không ra lính hả? Nói cho mà biết, tôi làm lính Cụ Hồ suốt cả 9 năm kháng chiến chống Pháp đó.

Chàng trai nuốt vội miếng khoai trong miệng:

- ồ, hóa ra đếu là CCB cả mà không nhận ra nhau! Nhưng hề hề… Chắc bố già chuyên trị ở tuyến sau nên mảnh bom, mảnh đạn không hề sờ tới?

- Còn không sờ tới? Tôi bị thương đến 3 lần mà còn ít à? Lần thứ nhất ở Đông Khê năm 1950, lần thứ hai ở Hòa Bình năm 1952, lần thứ 3 ở Điện Biên năm 1954.

- Mẹ ơi! Không ngờ bố già từng choảng nhau với con cháu Napoleon ở Điện Biên, đã đời chưa? Này nhưng cả 3 lần ấy đều loàng xoàng thôi chứ gì?

- Loàng xoàng là thế nào? Hai lần trước thì mất hai chiếc xương sườn. Riêng lần thứ 3 thì đạn pháo của nó đã thiến mất của tôi một chân. Vậy mà bảo loàng xoàng hả? - Vừa nói, bác Tình vừa cởi chiếc giày há mõm bên phải để lộ một cái chân gỗ màu mận chín.

- Trời - Sắc mặt chàng trai chợt tái mét đi vì xúc động - Hóa ra bác… cũng đi cái chân gỗ hệt… như cháu!

- Giống của chú như đúc. Cũng đều nằm phía bên phải này lại cũng đều cưa cụt từ nửa ống chân cả này, ha ha… - Bất giác, bác Tình phá lên cười - Nhưng… tôi đố chú, giữa hai ta có chỗ này khác nhau nào?

- Khác nhau ở… ở…

Bác Tình sốt ruột tiếp:

- Khác nhau ở chỗ: tôi thì lúc nào cũng muốn giấu cái chân cụt này đi, còn chú luôn phô nó ra trước mặt thiên hạ. Khác nhau ở chỗ, tôi dù què, cụt nhưng quyết không chịu làm người tàn phế nên lúc này có thể cõng được một người què cụt như mình qua suối. Còn chú thì cam tâm làm người tàn phế suốt đời nên lúc này phải nhờ đến một người què cụt như mình cõng qua suối! ơ kìa! Hình như có một bà già vừa đeo gùi nặng lại vừa bế cả cháu bé định lội qua suối thì phải? Đúng rồi! Tôi phải quay qua ngay bên kia đỡ cho bà ta một tay mới được.

Dứt lời, bác Tình lại nhảy đại xuống suối, lội nước ào ào, bỏ mặc chàng trai đứng một mình trên bờ với cái miệng cá ngão há hốc như vừa nhai phải một quả ớt chỉ thiên.

 

                                                  Hoàng Bình Trọng

  (Thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hóa, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình)

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục