Thời gian qua, dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson được cho là chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thay đổi về quy mô dự án. Để dự án sớm đưa vào hoạt động rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như sự tích cực hơn nữa của chủ đầu tư.


Cảnh quan trên đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) từng bước được đầu tư chất lượng.

Tọa lạc tại đảo Sung trên vùng hồ Hòa Bình thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, dự án khu du lịch thiên nhiên 5 sao Robinson là điểm nhấn đặc biệt cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong vùng. 

Từ bến cảng Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) đi tàu hơn 10 phút là tới dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson. Con đường vào khu du lịch khá rộng, hai bên là rặng hoa giấy đủ sắc màu cùng hàng tre ngà. Phía trên đảo thấp thoáng những căn biệt thự dần được hoàn thiện, xen giữa màu xanh của núi rừng là những mái vòm bằng tre nứa nơi trung tâm đảo. 

Theo ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Hòa Bình, đảo Sung có tổng diện tích 133ha, trong đó, 50ha được quy hoạch phát triển khu du lịch thiên nhiên Robinson và 83ha là diện tích xin bảo tồn phát triển bền vững. Khu vực phía Tây được thiết kế nhiều căn nhà nghỉ dạng Bungalow làm bằng tre, luồng, gỗ, mái lá. Khu nhà phục vụ gồm nhà dịch vụ tổng hợp phục vụ khách nghỉ khu vực phía Tây và thung lũng Robinson. Khu vực phía Bắc có thiết kế hiện đại đang được đầu tư 37 căn biệt thự sinh thái cao cấp, khách sạn 60 phòng nghỉ và khu ẩm thực, vui chơi giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe, nhà phục vụ, gồm các dịch vụ tổng hợp như: giặt là, giải khát, vui chơi giải trí trong nhà... được làm bằng các vật liệu như đá, luồng, gỗ, mái lá kết hợp với kính.

Ban đầu, khu du lịch dự định đầu tư tổng số vốn hơn 250 tỷ đồng, tuy nhiên thời gian qua, Công ty CP du lịch Hoà Bình đã hợp tác với Tập đoàn Banyan Tree chuyên về phát triển, quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới để đầu tư, vận hành dự án Robinson. Theo đó, dự án được đầu tư nâng cấp các hạng mục từ tàu đưa đón khách trên hồ Hoà Bình, cảnh quan cùng các hạ tầng khác đều đạt chất lượng 5 sao. Đảm bảo cho du khách trong và ngoài nước ngay khi đặt chân lên tàu đến với đảo hài lòng về chất lượng phục vụ.   

Tính đến nay, dự án Robinson đã được đầu tư trên 200 tỷ đồng cho một số hạng mục chính của dự án, trong đó, 32 căn biệt thự song lập đã hoàn thiện xong phần thô. Từ nay đến cuối năm tiếp tục hoàn thiện phần nội thất các căn biệt thự này. Về cảnh quan, trong năm 2023, Công ty CP du lịch Hòa Bình đã đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống cảnh quan theo tư vấn của đối tác nước ngoài. Dự kiến chậm nhất đến cuối năm 2025, dự án Robinson sẽ đưa vào vận hành vào khoảng 40 căn biệt thự song lập với 80 phòng, 40 phòng ngủ riêng biệt. Trong đó, Tập đoàn Banyan Tree đã ký kết hợp đồng đưa khách nước ngoài vào dự án. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch  Covid-19 và sự điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được tỉnh phê duyệt nên tiến độ dự án buộc phải kéo dài thêm thời gian. Cũng theo ông Vũ Duy Bổng, trước đây, dự án Robinson được phê duyệt 10ha, đến nay bổ sung thêm 9 ha, rất mong lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, địa phương phê duyệt việc mở rộng và nâng tầm chất lượng dự án. Bên cạnh đó, trong khu vực cần có quy hoạch và phương án xử lý, vận chuyển rác thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với các bến thuyền và cảng khu vực hồ Hoà Bình của huyện Đà Bắc cần sớm đưa vào hoạt động, không chỉ tạo điều kiện cho dự án Robinson mà còn tạo thuận lợi cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng đang hoạt động trên khu vực hồ Hoà Bình.


Hồng Trung

Các tin khác


Huyện Cao Phong đa dạng các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến hấp dẫn

Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc” trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.

Xây dựng các điểm đến thu hút du khách trên vùng hồ Đà Bắc

Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hoà Bình, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện vùng cao Đà Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch, điểm nhấn là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục