(HBĐT) - Theo UBND tỉnh, việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều phòng, chống lũ có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), giúp các địa phương chủ động kiểm soát mức độ thiệt hại. Đó là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay, khi mùa mưa lũ đang đến gần và đặt ra nhiều thách thức đối với công tác PCTT năm 2019.


Huyện Kim Bôi huy động các lực lượng gia cố công trình thủy lợi xung yếu trước mùa mưa bão tại xã Nam Thượng,góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.

Tại huyện Yên Thủy, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn tại 3 hệ thống đê trọng điểm, gồm hệ thống đê Yên Trị, hệ thống đê sau tràn hồ Ngọc Lương 2 và tuyến đường kè lái lũ tại xóm Nam Bình (xã Đoàn Kết). Qua kiểm tra cho thấy, cả 3 hệ thống này đều cơ bản đảm bảo yêu cầu về chống lũ. Tuy nhiên, trong đó, hệ thống đê sau tràn hồ Ngọc Lương 2 có tổng chiều dài tuyến đê hơn 4 km, nhưng mới được đắp 1,3 km. Do tuyến đê vẫn chưa được đắp hoàn thiện để đảm bảo khả năng ngăn lũ tốt nhất nên trường hợp mưa lũ to kéo dài, mực nước hồ Ngọc Lương dâng cao, lưu lượng nước qua tràn lớn sẽ gây ngập lụt cho các khu vực sản xuất của xóm Hổ 1, Hổ 2, Hổ 3, Ba Cầu và khu vực dân cư 2 xóm Công Nhân và Bờ Sông của xã Ngọc Lương. Đối với công trình đê Yên Trị cũng cần đề phòng trường hợp mưa lũ lớn kéo dài ngày làm mực nước dâng cao tràn đê, gây ngập lụt khu vực xóm Yên Xá, Phú Yên của xã Yên Trị.

Để thực hiện tốt công tác PCTT năm nay, huyện Yên Thủy xác định nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ, đập trước và trong mùa mưa lũ. Theo đó, UBND huyện đã phê duyệt phương án bảo vệ an toàn trọng điểm, xung yếu cho đê điều và công trình thủy lợi. Đồng thời, đề nghị được hỗ trợ kinh phí để xây dựng khu tránh lũ xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương và một số công trình hạ tầng cấp bách trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT.

Tại huyện Kỳ Sơn, trọng tâm của công tác quản lý đê điều được xác định là tuyến đê vùng Phú Cường với tổng chiều dài trên 20 km. Theo đánh giá của UBND huyện Kỳ Sơn, hiện tại, thân đê và cống tiêu dưới thân đê đảm bảo, không phát hiện thấy tổ mối hay các hiện tượng về mạch đùn, mạch sủi, rò rỉ, sạt trượt mái đê hay lún nứt. Tuy nhiên, do cao trình mặt đê 22 m chưa được cứng hóa nên về mùa mưa mặt đê lồi lõm nhiều ổ gà, đọng nước. Để khắc phục điểm yếu này, huyện đã trích ngân sách hàng năm để tu sửa nhưng chưa đồng bộ toàn tuyến. Cũng như mọi năm, đến thời điểm này, huyện Kỳ Sơn và các địa bàn có tuyến đê chống lũ chạy qua đã xây dựng phương án hộ đê, đảm bảo an toàn tại các khu vực trọng điểm kèm theo các phương án di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn nếu có sự cố xảy ra.

Theo Chi cục Thủy lợi, tại các địa phương có đê, trước khi mùa mưa bắt đầu, Chi cục đã đôn đốc tăng cường công tác quản lý pháp luật về đê điều, hướng dẫn các lực lượng chuyên trách phối hợp thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xác định các trọng điểm xung yếu, lập phương án kỹ thuật xử lý khẩn cấp khi bị tác động của mưa bão làm nước dâng cao. Trong phương án bảo vệ đê cần đặc biệt chú trọng chuẩn bị các loại vật tư: đá hộc, rọ thép, nilon tấm để bảo vệ mái đê và mặt đê. Khi các tuyến đê có nhiệm vụ ngăn lũ xảy ra sự cố, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện cần huy động mọi nguồn lực để cứu hộ và bảo vệ đê an toàn theo phương châm "4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, hệ thống công trình thủy lợi tham gia PCTT gồm 514 hồ chứa, 3.020 km kênh mương, đê cấp III 9,162 km, đê dưới cấp III 28,575 km. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống đê điều, song song với việc thực hiện quy hoạch đê điều tỉnh đến năm 2020, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực triển khai quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê theo Nghị quyết số 66 của HĐND tỉnh. Bám sát quy hoạch, các giải pháp phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê được triển khai đồng bộ và góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT hàng năm. Đặc biệt, để góp phần khống chế hiện tượng sạt lở đất và xói lở bờ sông trong mùa mưa lũ, tỉnh đã chú trọng thực hiện các chương trình nâng cấp hệ thống đê điều trên địa bàn, xử lý dứt điểm những trọng điểm xung yếu, từng bước củng cố hiệu quả vận hành của các tuyến đê, từ đó đảm bảo an toàn chống lũ theo thiết kế và không để xảy ra sự cố về đê điều khi có nước lũ lên cao.

Bước vào mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 12/4/2019 về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê PCTT&TKCN năm 2019. Trước đó, nội dung chỉ đạo này đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 22/1/2019. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị liên quan đã tăng cường công tác quản lý đê điều với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi, duy tu, bảo dưỡng đê điều và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều. Hiện, các địa phương đang tích cực rà soát, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống công trình thủy lợi nói chung và hệ thống đê điều chống lũ nói riêng với tinh thần phát hiện và khẩn trương xử lý các sự cố xong trước ngày 31/5/2019.

Thu Trang

 

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục