(HBĐT) - Do tác động của biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, nhà ở, các công trình hạ tầng KT-XH và đáng tiếc là năm nào cũng có người chết, bị thương do thiên tai. Đây là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của tỉnh. Do vậy, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) luôn được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, ngành và thực hiện thường xuyên.


Năm 2021, đường tỉnh 435 từ TP Hòa Bình đến xã Bình Thanh (Cao Phong) nhiều đoạn xảy ra sạt lở, tuy đã được khắc phục nhưng nguy cơ vẫn rất cao.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, độ dốc cao, địa hình chia cắt nên trên địa bàn tỉnh thường phải hứng chịu các loại hình thiên tai: rét đậm, rét hại, sương muối, nắng nóng gay gắt; đặc biệt là hiện tượng mưa to kéo dài, dông, lốc, mưa đá, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão, có sức tàn phá lớn, gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất của người dân.

Kết quả kiểm tra, rà soát năm 2021 cho thấy, trong tỉnh có 187 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với hơn 4.000 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư. Trong đó, khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 118 điểm với 2.519 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Yên Thủy, TP Hòa Bình. Khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 18 điểm với 113 hộ bị ảnh hưởng. Khu vực thường xuyên bị ngập úng có 51 điểm, 1.371 hộ bị ảnh hưởng.

Tính trong 3 năm gần đây (2019 - 2021), tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra cho tỉnh gần 970 tỷ đồng. Sạt lở đất đá, dông, lốc là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở các huyện, thành phố, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Hàng năm, Đà Bắc thường là huyện chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên tai. Chia sẻ về công tác này, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao hiệu quả PCTT, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN từ cấp huyện đến cơ sở và yêu cầu mỗi xã xây dựng phương án PCTT, trình UBND huyện phê duyệt. Trong phương án phải phân công công việc cụ thể, rõ ràng khi thiên tai xảy ra. Thực tế công tác PCTT của huyện gặp rất nhiều khó khăn do địa hình chia cắt, nhất là đối với 10 xã thuộc vùng lòng hồ sông Đà. Toàn huyện còn khoảng 606 hộ cần được di dời, tái định cư (TĐC). Trong đó có hơn 200 hộ phải di dời tập trung. Huyện chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hạ tầng điện, nước tại khu TĐC Mường Chiềng, dự kiến tới đây sẽ đón 68 hộ ở Tuổng Bãi (xã Mường Tuổng cũ) đến TĐC tập trung; hiện còn trên 100 hộ, chủ yếu ở các xã: Tân Minh, Nánh Nghê cũng cần được bố trí khu TĐC tập trung. Ngoài ra, huyện còn trên 400 hộ cần được di dời, TĐC xen ghép hoặc tại chỗ. Do vậy, huyện đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để sớm di dời các hộ ra khỏi khu vực nguy cơ thiên tai cao.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, trên địa bàn huyện nhiều nơi đã xuất hiện vết nứt, gần đây nhất là tại xã Tú Lý; dưới các vết nứt có nhiều hộ nguy cơ bị sạt lở đất, đá vào. Huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và báo cáo với Sở NN&PTNT để có phương án lâu dài, tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Để chủ động PCTT tại địa hình phức tạp như Đà Bắc, huyện đề nghị có những đoàn khảo sát đến địa bàn để đánh giá lại những khu có nguy cơ rạn nứt, sạt lở để có giải pháp giúp địa phương khắc phục.

Khác với Đà Bắc là huyện vùng cao, Lạc Thủy lại là huyện vùng trũng nên vào mùa mưa thường chịu ảnh hưởng nhiều của lũ lụt, ngập úng và một số loại hình thiên tai nguy hiểm khác. Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để ứng phó với các loại hình thiên tai, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT-TKCN, phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, đảm bảo an toàn vùng hạ du từ các công trình hồ chứa. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát địa điểm dân cư có nguy cơ cao để xây dựng phương án chi tiết nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hệ thống hồ đập, hàng năm đều dành nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho 97 hồ đập và 21 trạm bơm. Tuy nhiên, từ thực trạng hạ tầng phục vụ sản xuất và PCTT, huyện đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn phát triển hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường như hiện nay. Hiện đại hóa các công trình đầu mối kênh mương, nhất là thiết bị điều khiển vận hành, lắp đặt thiết bị quan trắc mực nước các hồ chứa để theo dõi được diễn biến thấm, rò rỉ cũng như mức độ an toàn của các hồ đập; triển khai cắm mốc xác định vị trí, phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, nguồn nước...

Thực tế cho thấy, những năm qua, công tác PCTT&TKCN đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Đặc biệt, các địa phương đã xây dựng và củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Nhờ đó đã đạt kết quả tích cực, hạn chế được thiệt hại, kịp thời ứng phó khi có thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" và trong công tác khắc phục hậu quả.

Tuy vậy, thiên tai ngày càng diễn biến không theo quy luật, kéo theo công tác dự báo, cảnh báo sớm còn hạn chế; chưa thực hiện được dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất mà chủ yếu mới chỉ dự báo được mưa và lũ trên các triền sông chính. Nếu như trước đây, mưa lớn, dông lốc, mưa đá, sạt lở thường diễn ra từ tháng 4 - 10 hàng năm thì vài năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm. Ngay như trong năm 2022 này, mới là đầu năm nhưng tại một số địa phương đã có sạt lở đất, đá gây thiệt hại về nhà ở, công trình giao thông. Chính vì vậy, việc triển khai các giải pháp PCTT cần được thực hiện thường xuyên với phương châm phòng là chính.

Bình Giang


Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục