(HBĐT)- Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã sớm hình thành hệ thống các thiết chế văn hoá cơ sở gồm: thư viện, điểm bưu điện văn hoá xã và các đội văn nghệ quần chúng ở hầu khắp các bản, làng.

Ngành văn hoá Mai Châu đã tuyên truyền lối sống lành mạnh, góp phần từng bước xoá bỏ các hủ tục mê tín dị đoan đã tồn tại hàng ngàn đời trong các cộng đồng dân cư. Các đám hiếu, hỷ được vận động tổ chức trang trọng, gọn nhẹ mà vẫn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Nhiều gia đình được công nhận là Gia đình văn hoá, nhiều xóm bản là xóm, bản văn hoá. Một số lễ hội truyền thống đã được khuyến khích khôi phục và duy trì nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm thực hiện, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá là 79,61%; tỷ lệ làng, bản, tiểu khu đạt tiêu chuẩn văn hoá là 60,14%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa là 96%; tỷ lệ trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa là 95%.

Các hoạt động phát thanh - truyền hình bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của huyện, phản ánh kịp thời các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Việc tiếp sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình tỉnh trong ngày; các chương trình truyền thanh - truyền hình luôn được duy trì và nâng cao chất lượng, thu hút đông đảo khán, thính giả quan tâm, ủng hộ.

 Phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển đều khắp các xã, thị trấn với 183 đội văn nghệ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, tác động tích cực đến công tác xây dựng xã hội lành mạnh, giảm các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; hàng năm tổ chức thành công các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc như: Lễ  hội Xên Mường của dân tộc Thái, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Xuân Sơn động của dân tộc Dao....và các cuộc thi đấu giao lưu thể dục, thể thao phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương.

 

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện trong những năm qua đạt bước tiến quan trọng, từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Toàn huyện có 64 trường học, 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. 23/23 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng giáo dục ở các bậc học cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.


           Đội ngũ cán bộ, giáo viên huyện Mai Châu ngày càng trưởng thành hơn về nhiều mặt

Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tư tưởng, nhận thức, phẩm chất đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên được chú trọng. Cơ sở vật chất giáo dục từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng. Tính đến ngày 30/12/2017, có 24/64 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn Quốc gia. 23/23 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục các bậc học.


                           Một góc sân trường mầm non ở vùng cao Mai Châu

Y tế: Huyện có 01 Trung tâm y tế và 23 trạm y tế. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chủ động tích cực phòng chống dịch, thường xuyên theo dõi, giám sát dịch tễ tại cộng đồng, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân biết cách phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân hưởng ứng tháng hành động "Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt quy chế chuyên môn, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nâng cao tinh thần phục vụ, chăm sóc người bệnh. Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu được thành lập và đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong huyện và khu vực lân cận. Hằng năm trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra. 100% các xóm, bản có nhân viên y tế hoạt động hiệu quả. Hiện nay (12/2017), có 8/23 trạm y tế có bác sỹ (39,13%); bác sỹ/10.000 dân là 7,26 bác sỹ.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng cao Mai Châu tiếp tục có nhiều khởi sắc đáng mừng

Công tác dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm, chất lượng dân số ngày càng được nâng lên, trẻ em được chăm sóc về mọi mặt. Huyện thường xuyên tổ chức lồng ghép các chương trình tuyên truyền Pháp lệnh dân số. Hệ thống chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,91%, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 10,45%.

 

Công tác thể dục - thể thao, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại phát triển rộng khắp. Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn đều xây dựng các kế hoạch tổ chức giải thể thao cơ sở. Hoạt động thể thao luôn được xen lẫn trong những ngày lễ hội, du lịch văn hoá cộng đồng thôn, bản. Hiện Mai Châu đã có 12.883 người tập luyện thể thao thường xuyên, 2.486 hộ là gia đình thể thao, 33 câu lạc bộ thể thao đi vào hoạt động thực chất, 48 người được đào tạo hướng dẫn viên và có 4.142 người đạt chế độ rèn luyện thân thể.  

 

Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được đẩy mạnh         

     PV(tổng hợp)

Các tin khác


Bao La, vùng đất cổ "Mường Mai" nhiều khởi sắc

(HBĐT)- Bao La là xã miền núi, nằm ở phía Tây huyện Mai Châu, cách thị trấn Mai Châu 26 km, với địa giới hành chính: phía Bắc giáp các xã Pà Cò, Tân Sơn; phía Đông giáp xã Nà Mèo; phía Nam giáp xã Xăm Khòe; phía Tây giáp xã Piềng Vế.

Cun Pheo-vượt khó nơi miền xa

(HBĐT)- Cun Pheo là một xã miền núi, có địa hình tương đối phức tạp nằm ở phía Tây Nam của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 31 km. Phía Bắc giáp xã Hang Kia; phía Đông Bắc giáp xã Pà Cò; phía Đông giáp xã Piềng Vế; phía Đông Nam giáp xã Thanh Sơn, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; phía Tây giáp xã Xuân Nha của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Vạn Mai, có nhiều tiềm năng trong phát triển KT-XH

(HBĐT)- Vạn Mai là xã miền núi nằm cách trung tâm huyện Mai Châu 15km về phía Đông Nam. Xã có quốc lộ 15 chạy qua, đây là trục đường chiến lược quan trọng nối liền giữa các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa lên Tây Bắc và sang biên giới Việt – Lào. Phía Bắc giáp xã Mai Hạ, phía Đông giáp xã Pù Bin, phía Tây giáp xã Mai Hịch, phía Nam giáp xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Xã Đồng Bảng, phát huy lợi thế trong phát triển bên Quốc lộ 6

(HBĐT)-Đồng Bảng là một xã vùng cao của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 8 km về phía Bắc. Phía Bắc giáp xã Phúc Sạn; phía Đông giáp 2 xã: Ba Khan và Tân Mai; phía Nam giáp 2 xã: Nà Mèo và Tòng Đậu; phía Tây giáp các xã: Tân Sơn và xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Trên địa bàn xã có quốc lộ 6, con đường nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Đây là điều kện thuận lợi cho xã Đồng Bảng phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong huyện cũng như các tỉnh khác.

Xã Tân Sơn đang dần khẳng định mình trong phát triển KT-XH

(HBĐT)- Tân Sơn là một xã vùng cao của huyện Mai Châu, cách huyện lỵ 18 km về hướng Tây Bắc. Phía Bắc giáp xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); phía Đông giáp 2 xã: Đồng Bảng và Nà Mèo; phía Nam giáp xã Bao La; phía Tây giáp xã Pà Cò.

Xã Phúc Sạn khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống mới

(HBĐT)-Phúc Sạn là xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 13 km. Phía Đông và phía Bắc giáp xã Tân Mai, phía Nam giáp xã Đồng Bảng, phía Tây và phía Bắc giáp xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Xã có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống đồi núi cao và các thung lũng đan xen. Độ cao trung bình so với mặt nước biển là 300 – 400m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục