(HBĐT) - Cách đây khoảng 10 năm, cộng đồng doanh nghiệp mới làm quen và dần hiểu hơn về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Đây là phương thức đầu tư đã quen thuộc tại nhiều nền kinh tế phát triển, nhưng nay Việt Nam mới có dịp tiếp cận, áp dụng để từng bước lan tỏa trong nền kinh tế Việt Nam...


 

 

Hoạt động mua bán, sáp nhập góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Anh Tuấn

Hình thức đầu tư mới


Thực tế cho thấy, từ khi manh nha ra đời cách đây gần 10 năm, đến nay hoạt động M&A đã có những bước chuyển tích cực, đáng ghi nhận. Giá trị các thương vụ giao dịch thành công nhìn chung tăng theo thời gian và có sự góp mặt của ngày càng nhiều lĩnh vực. Đơn cử, giá trị giao dịch M&A năm 2015 đạt 5,2 tỷ USD, tăng lên con số 5,8 tỷ USD vào năm 2016. Các nhà đầu tư cũng xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng hơn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước bên cạnh khối đầu tư nước ngoài, gồm doanh nghiệp Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Một số lĩnh vực được quan tâm, mua bán và chuyển nhượng, sáp nhập nhiều nhất là xây dựng - bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng cũng như phân phối bán lẻ. 

Theo ông Đặng Xuân Minh, Phó Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, hoạt động M&A thời gian qua đã góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư thông qua việc mua lại doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp của các nhà đầu tư; từ đó làm phong phú thêm hình thức đầu tư bên cạnh việc gia tăng nguồn đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Thực tế cho thấy, bằng cách tham gia M&A, hoạt động đầu tư trở nên sôi động hơn, góp phần nâng cao sức hấp dẫn về đầu tư của Việt Nam đối với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.

Cũng có những ý kiến tích cực về tiềm năng, lợi thế của thị trường M&A Việt Nam khi nền kinh tế đang chuyển dịch cơ cấu cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng, với độ mở ngày càng lớn. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu, hoạt động M&A đang tham gia vào quá trình thanh lọc, tái cơ cấu nền kinh tế cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng năng động, thiết thực hơn; gắn liền với yêu cầu huy động và phân bổ nguồn lực. Theo đó, các nhà đầu tư mạnh, đủ tiềm năng, khát vọng sẽ tham gia thị trường với kỳ vọng lớn hơn trong khi những doanh nghiệp yếu kém, thiếu năng lực sẽ phải chấp nhận rút lui khỏi thị trường.

Các chuyên gia dự báo, về lâu dài hoạt động M&A sẽ ngày càng sôi động hơn trong khuôn khổ Chính phủ đẩy mạnh cải cách, nhấn mạnh chủ trương phát triển doanh nghiệp tư nhân, xác định khu vực tư nhân là động lực phát triển kinh tế quốc gia. Hơn nữa, cũng nên kỳ vọng một số đơn vị lớn, có thương hiệu của ta sẽ vươn ra, tiến hành mua lại doanh nghiệp của nước ngoài trong tương lai gần.

Chủ động tạo nguồn hàng


Tuy nhiên, dường như làn sóng M&A đang rơi vào tình trạng trầm lắng hơn kể từ nửa sau của năm 2016 đến nay, gây ra tâm lý thiếu lạc quan của giới quan sát, nhất là đối với nhà đầu tư tiềm năng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt hơn 1,6 tỷ USD, thấp hơn hẳn so với kết quả cùng kỳ những năm gần đây. Điều này cũng đặt ra thách thức rất lớn, là trở ngại khó vượt qua đối với M&A cả năm 2017. Các chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại rằng nếu không có sự bứt phá mạnh và kịp thời thì kết quả M&A năm nay rất khó vượt qua mốc kỷ lục của năm 2016, với tổng giá trị 5,8 tỷ USD. 

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, cả chủ quan và khách quan, nên cần phân tích để tìm hướng khắc phục. Trước hết, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm, giá trị cũng thấp gây ra sự thiếu hụt và đơn điệu về "đầu vào” cho thị trường M&A; trong khi còn có 730 doanh nghiệp dù đã thực hiện cổ phần hóa xong, nhưng không chịu lên sàn chứng khoán. Điều này gây ra sự khó khăn, eo hẹp về số lượng "hàng hóa” cho mùa M&A năm nay.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cố vấn Diễn đàn M&A: Thị trường M&A Việt Nam còn nhiều tiềm năng, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu tham gia để mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động.

Bản thân một bộ phận doanh nghiệp dù đã cổ phần hóa nhưng chưa chủ động trong việc công khai thông tin, cung cấp thiếu thông tin hoặc thậm chí che giấu thông tin cũng gây phản cảm, thiếu dữ kiện đầu vào để nhà đầu tư quyết định chọn lựa. Bên cạnh đó, M&A năm nay còn đang chịu ảnh hưởng không thuận lợi, do mức độ cạnh tranh trong thu hút đầu tư diễn ra trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt. Trên thực tế, các thị trường khu vực có tiềm năng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đang cạnh tranh mạnh với Việt Nam.

Như vậy, thị trường đang cần có một "cú hích" mới, là hợp lực của các biện pháp phù hợp. Đặc biệt, giới đầu tư đang chờ đợi Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn để tạo nguồn cung đầy đủ và hấp dẫn. Được biết, giới đầu tư quốc tế đang tỏ ra quan tâm, chờ đợi kết quả thoái vốn nhà nước trong năm 2017 tại các doanh nghiệp tiềm năng như Sabeco, Habeco, Vinamilk... để sẵn sàng tham gia.

Trong một động thái mới nhất, Chính phủ đang chủ trương đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, nhằm kết hợp giữa mục tiêu tiến tới lành mạnh hóa thị trường tài chính với việc tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động M&A. Theo đó, việc mua, bán nợ sẽ diễn ra dễ dàng hơn, từ đó lọc ra được những đơn vị đủ sức tồn tại và trở thành yếu tố khả thi - là hàng hóa cho thị trường M&A. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngành này cũng như mua lại ngân hàng yếu kém nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

                                                                                                      Theo báo Hà Nội Mới

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục