(HBĐT) - LTS: Nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, 15 năm qua, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, tạo đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Phóng viên Báo Hoà Bình đã có bài phỏng vấn đồng chí Vũ Đình Đoài, Giám đốc NHCSXH tỉnh.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh kiểm tra tại điểm giao dịch xã Phong Phú (Tân Lạc).
P.V: Hoạt động của NHCSXH mang tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng, các chương trình vay vốn đa dạng, nhu cầu vay vốn của các đối tượng rất lớn. Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn?
Đồng chí Vũ Đình Đoài: Khi mới thành lập, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình thực hiện 2 chương
trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 206.175 triệu đồng. Trong những năm
qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành tác nghiệp cùng các tổ
chức nhận ủy thác của NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã có nhiều giải pháp
chỉ đạo quyết liệt để huy động nguồn vốn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch T.ư giao.
Tổng nguồn vốn đến ngày 31/8/2017 đạt 2.665.956 triệu đồng, tăng gấp 13 lần so
với năm 2003. Trong đó, nguồn vốn T.ư đạt 2.513.027 triệu đồng; nguồn vốn huy
động từ tổ chức, cá nhân đạt 136.098 triệu đồng; nguồn vốn ủy thác tại địa
phương đạt 16.830 triệu đồng, gồm nguồn vốn ngân sách tỉnh 11.000 triệu đồng;
nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố 5.830 triệu đồng. Nhờ vậy, nguồn vốn tín
dụng chính sách cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất,
kinh doanh và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống của hộ nghèo và các đối
tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thành
công chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.
P.V: Thưa đồng chí, nhằm truyền tải nguồn vốn tín dụng
chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã triển khai phương thức quản
lý tín dụng chính sách như thế nào để phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả?
Đồng chí Vũ Đình Đoài: Chúng tôi thực hiện ủy thác cho
các tổ chức CT-XH một số công việc như: hướng dẫn thành lập và chỉ đạo hoạt
động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình xét đối tượng cho vay, hướng
dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn
đốc thu hồi nợ. Đến ngày 31/8/2017, các tổ chức CT-XH tham gia quản lý trên 98%
tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá
hạn đến nay chỉ còn 0,13%. Để truyền tải nguồn vốn chính sách đến với đối tượng
thụ hưởng, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thành lập 2.872 tổ TK&VV tại 210 xã,
phường, thị trấn, bình quân có 37 tổ viên/tổ; dư nợ bình quân 926 triệu đồng/tổ.
Với phương châm "đưa vốn đến gần dân hơn”, tạo điều
kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với vốn
ưu đãi, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, đến nay, toàn tỉnh có 210 điểm giao
dịch của NHCSXH. Tại các điểm giao dịch, các chính sách tín dụng ưu đãi được
NHCSXH niêm yết công khai. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố
định hàng tháng trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền cấp xã, các tổ
chức nhận ủy thác và ban quản lý tổ. Trên 90% khối lượng giao dịch của NHCSXH
được thực hiện tại điểm giao dịch xã với chất lượng giao dịch và phục vụ như
tại trụ sở ngân hàng.
P.V: 15 năm đồng hành cùng người nghèo, nguồn vốn tín
dụng ưu đãi đã đem lại hiệu quả về kinh tế -
xã hội như thế nào, thưa ông?
Đồng chí Vũ Đình Đoài: Từ 2 chương trình tín dụng
chính sách, đến nay, NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay 15 chương trình, chất
lượng và hiệu quả đầu tư nguồn vốn được nâng lên rõ rệt. Trong 15 năm qua đã có
trên 426 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được
vay vốn từ NHCSXH. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần giúp trên 90 nghìn lượt hộ
thoát khỏi ngưỡng đói nghèo theo từng giai đoạn điều tra (tỷ lệ hộ nghèo giảm
bình quân 3%/năm), tạo việc làm mới cho trên 73 nghìn lao động; hỗ trợ hộ nghèo
xây dựng 19 nghìn ngôi nhà; hỗ trợ vốn xây dựng 90 nghìn công trình NS&VSMT;
có gần 1 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; giúp 35 nghìn HS-SV
có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh cho
trên 8 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Còn nhiều hộ tuy
chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế, song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã có cơ hội
làm chủ cuộc sống, thay đổi tập quán làm ăn, thay đổi ý thức trách nhiệm với
cộng đồng, đó chính là hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại từ các chương trình
tín dụng chính sách.
P.V: Giai đoạn 2017-2020, NHCSXH tỉnh phấn đấu đáp ứng
cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều
được tiếp cận với nguồn vốn; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt
10%. Để đạt được mục tiêu đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã có những giải pháp gì,
thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Đình Đoài: Thứ nhất, tranh thủ nguồn vốn
của NHCSXH Việt Nam, tìm biện pháp khơi tăng nguồn vốn tại địa phương tham gia
vào nguồn vốn hoạt động của NHCSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các
đối tượng chính sách trên địa bàn.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành
và cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của
Ban Bí thư T.ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính
sách xã hội.
Thứ ba, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức
chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền cấp xã, thôn để tổ chức quản lý
chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; đảm bảo tốt nhất
cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được
tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách kịp thời, công khai, đúng đối tượng
và sử dụng vốn vay có hiệu quả...
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đinh Thắng (TH)
(HBĐT) - Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", trong thời gian qua, nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) ở huyện Lạc Thủy đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, trở thành những tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.
(HBĐT) - Năm 2019, xã An Bình (Lạc Thủy) về đích nông thôn mới (NTM). Hiện nay, xã tiếp tục duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí; tăng cường nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao theo kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
(HBĐT) - Ngày 22/9, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 2, khóa XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
(HBĐT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống hội viên nông dân (HVND), thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tối 21/9, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.