(HBĐT) - Những thửa ruộng bết bát bùn chỉ còn những thân lúa đổ gục vì bị vắt kiệt dinh dưỡng. Những bãi mía ngả nghiêng. Những nương ngô trơ khấc. Hàng nghìn con gia súc, hàng trăm nghìn con gia cầm bị cuốn trôi và chết trương trong nước lũ. Tôm cá theo cơn tức nước vỡ bờ tràn hết ra suối ra sông... Bao nhiêu thành quả lao động tưởng như đang cầm chắc trong tay, bỗng dưng bị cuốn phăng trong trận mưa lũ lịch sử kéo dài từ ngày 09-11/10/2017. Mấy ngày sau mưa lũ, người nông dân vẫn chưa hết thẫn thờ, xóm làng tan hoang, ruộng đồng xơ xác nhưng với bản chất kiên cường và chịu khó, họ đang gắng gượng vượt qua nỗi đau, gồng mình đứng dậy để khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.


 

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng cán bộ chuyên ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân xóm Bờ (xã Trung Bì) khôi phục diện tích ngô đông bị ngập nước bằng cách xới tơi gốc, trồng dặm ngô mới và sử dụng giống ngô nếp ngắn ngày.


Nông dân xã Yên Phú (Lạc Sơn) vớt vát thu hoạch diện tích mía tím bị mưa bão làm thiệt hại trên 50% năng suất, toàn huyện có khoảng 480 ha mía bị thiệt hại trên 70%.

 "Không than nữa, đứng dậy ra đồng thôi” 

Trên ruộng lúa hơn 2.000 m2, vợ chồng anh Bùi Văn Iềng (xóm Cả, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn) đang gò lưng gặt vớt những cây lúa ướt nhẹp bùn. Vụ này, tưởng được mùa cuối cùng không vớt vát nổi một cân thóc ẩm. Còn thân lúa thì thối mục vì ngâm nước mấy ngày, đến trâu bò còn không thèm ăn nên không thể tận dụng làm thức ăn vụ đông như thường lệ. "Gặt rồi chẳng biết làm gì, nhưng cứ phải gặt và chở rơm về nhà thôi, để còn vệ sinh đồng ruộng đảm bảo đất sạch bệnh cho sản xuất vụ sau. Vụ này như thế là mất trắng” – anh Iềng nói trong chua xót. 

Không những mất trắng năng suất lúa mùa, hơn hai sào mía tím ngay bên cạnh của nhà anh Iềng cũng bị mưa lũ cuốn dập hoàn toàn, bây giờ chỉ có thể chặt lấy ngọn về làm thức ăn cho gia súc. Anh kể: Ruộng mía này, trước khi cơn bão số 10 ập đến, gia đình anh đã đồng ý bán cho thương lái, họ đặt cọc trước 10 triệu đồng. Giờ, ruộng tan hoang, mía hỏng không bán được nữa, anh phải trả lại người ta số tiền đặt cọc. Bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ vào đây coi như không vớt vát nổi một đồng. Phát khóc vì tiếc công, tiếc của! 

Cũng như gia đình anh Bùi Văn Iềng, hàng trăm hộ sản xuất nông nghiệp của huyện Lạc Sơn nói riêng và hàng chục nghìn hộ nói chung trong toàn tỉnh đã đau đớn phát khóc khi chứng kiến thành quả lao động tưởng như đang cầm chắc trong tay mình bỗng dưng bị cuốn phăng theo trận mưa lũ quái ác. Liên tiếp trong 3 ngày từ 09-11/10/2017, mưa trút xuống sầm sập như thủng trời kéo theo những trận lũ lụt kinh hoàng gây khốn đốn cho đời sống và sản xuất. Cùng với những thiệt hại nặng nề về người và các công trình dân sinh, những con số thống kê thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp góp phần chứng tỏ mức độ tàn phá khủng khiếp của thiên tai.

Thống kê sau mưa lũ cho thấy: Về trồng trọt, 100% diện tích lúa và hoa màu đều bị ảnh hưởng, trong đó, mức thiệt hại hoàn toàn khoảng 8.299 ha (bao gồm 3.480,76 ha lúa; 4.688,96 ha ngô và rau màu; 130,24 ha cây ăn quả), thiệt hại mức 30-70% là 1.841 ha (bao gồm 435,9 ha lúa; 886,28 ha ngô và rau màu; 518,76 ha cây ăn quả). Về thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn và nước lũ cuốn trôi khoảng 757 ha, 138 lồng cá, số lượng chết khoảng 1.404 tấn. Về chăn nuôi, số gia súc gia cầm chết cũng làm biết bao hộ nông dân điêu đứng, với 179.837 con gia cầm, 4.255 con lợn, 1.380 đàn ong, 265 con trâu, bò, ngựa, 233 con dê và nhiều con gia súc, gia cầm khác. Về thủy lợi, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn đều bị ảnh hưởng, trong đó có 130 công trình bị hư hỏng nặng hoặc bị phá vỡ hoàn toàn cần khắc phục ngay, chưa kể tình trạng đáng lo ngại của hệ thống các hồ chứa. Theo BCH PCLB&TKCN tỉnh, đến ngày 19/10/2017, ước tính tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khoảng 727 tỷ đồng.

 

Giờ đây, khi cơn bão đã đi qua, hơn chục ngày dồn sức xóa dấu tích mà nó để lại nhưng xóm làng vẫn còn tan hoang, ruộng đồng vẫn còn xơ xác, nhiều nông dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại những khủng khiếp vừa qua. "Không khóc nữa, đứng dậy ra đồng thôi!”. Họ đã động viên nhau như thế. Vì hiểu rằng những mất mát đã qua không thể lấy lại bằng nước mắt mà phải gồng mình đứng dậy để làm lại từ đầu, càng sớm càng tốt.

Quyết tâm khôi phục sản xuất để bù đắp thiệt hại 

Không để mất thêm thời gian, ngay sau khi tiêu úng rút nước khỏi ruộng, nhiều nông dân xóm Bờ (xã Trung Bì, huyện Kim Bôi) đã hối hả bắt tay vào việc khôi phục sản xuất. Trước đó, họ đã dồn sức dọn dẹp đường làng ngõ xóm, vệ sinh môi trường khu dân cư và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ chuyên trách các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Công việc chính trong những ngày này là kiểm tra toàn bộ diện tích ngô đông vừa trồng trước lũ khoảng chục ngày, sơ sơ cũng trên 20 ha cả xã. Sau mấy ngày bị ngâm ngập trong nước lũ, giờ, hầu hết ngô đều đã bị thối rễ và hư hỏng nặng. Vì thế bà con chỉ còn cách loại bỏ hết những diện tích ngô hỏng, làm đất để trồng lại từ đầu. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thay vì lựa chọn các giống ngô truyền thống đã hết thời vụ, từ nay đến đầu tháng 11 tới, vì vẫn quyết tâm trồng cây ngô đông nên bà con đã lựa chọn các giống ngô nếp có thời gian sinh trưởng ngắn. Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng với mật độ dày để khi thu hoạch có thể tích trữ được nguồn thức ăn thô cho gia súc vụ đông. 

Nếu đi khảo sát một vòng qua địa bàn các huyện, thành phố thời điểm này, sẽ nhận thấy không khí lao động sản xuất đang dần trở lại. Nhất là tại các trọng điểm sản xuất vụ đông của tỉnh như Kim Bôi, Lương Sơn hay Kỳ Sơn. Dự kiến, vụ đông năm nay toàn tỉnh sẽ gieo trồng khoảng 8.000 ha cây trồng các loại. Kế hoạch này vẫn không có gì thay đổi bất chấp những ảnh hưởng bất lợi của trận mưa lũ lịch sử đang làm khó cho nhiều địa phương và kéo chậm lại tiến độ sản xuất. Hiện nay, thời vụ gieo trồng các loại cây ưa ấm như ngô, lạc, đậu tương, khoai lang... đã hết. Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố đang đôn đốc người dân chuyển trọng tâm sang trồng các nhóm cây ưa lạnh như khoai tây, ngô nếp, đặc biệt chú trọng mở rộng diện tích nhóm rau đậu thực phẩm, với các loại rau ăn lá, rau ăn củ, rau họ bầu bí để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới. Trong khi vụ mùa, hè thu đã bị mưa lũ làm cho mất mùa trầm trọng, đây là cách thiết thực nhất mà người nông dân có thể làm để bù đắp phần nào mức thiệt hại đối với lĩnh vực trồng trọt. 

Còn trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, cán bộ các chi cục chuyên ngành cho biết: Từ nay đến cuối năm bà con nông dân gần như không thể tái đầu tư phát triển sản xuất, khả năng tái đàn sau mưa lũ gần như không có. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là tăng cường phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc gia cầm sau mưa lũ với các biện pháp cấp bách: vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và ao hồ nuôi trồng thủy sản, phun thuốc khử trùng tiêu độc, tiêm phòng vụ thu – đông... Đặc biệt, bà con nông dân cố gắng bổ sung chất dinh dưỡng như khoáng chất, tinh bột, muối khoáng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, ngay từ bây giờ chủ động kế hoạch dự trữ thức ăn thô cho gia súc gia cầm trong vụ thu đông sắp tới vốn được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Hậu quả do đợt thiên tai vừa qua gây ra đối với sản xuất nông nghiệp sẽ còn trở nên trầm trọng hơn nếu như ngay từ bây giờ chúng ta không quyết tâm thực hiện tốt công tác khắc phục thiệt hại. Xác định rõ điều đó, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn, quyết tâm khôi phục sản xuất. Sau khi tổng hợp báo cáo thiệt hại, Sở đã trình UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT và đề xuất các phương án hỗ trợ người dân. Trước khi nhận được hỗ trợ từ Trung ương, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động trích ngân sách dự phòng để kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống./.

 

                                                                        Thu Trang

Các tin khác


Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục