(HBĐT) - Với lợi thế về đất đai và khí hậu, tỉnh ta đang sở hữu nhiều loại nông sản có chất lượng cao được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được coi là tấm thẻ xanh cho nông dân trên đường hội nhập. Mới đây, 3 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, gồm: sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn; cam Cao Phong và nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi). Đây là các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nhờ đáp ứng các tiêu chí hiệu quả kinh tế nổi bật, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Phát triển cây đặc sản sạch

Thực hiện định hướng phát triển thương hiệu cam Cao Phong, huyện đã chủ động triển khai mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Trong đó, đã điều tra quy hoạch khoanh vùng sản xuất; mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, đặc biệt là việc lựa chọn giống, cách sử dụng phân bón hợp lý, đúng quy trình; tổ chức tuyên truyền, lựa chọn hộ dân tham gia mô hình, tập huấn đào tạo kỹ thuật, cung cấp nhận thức chung về quy trình sản xuất VietGap. Huyện đã phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận và loại ra khỏi nhóm những hộ không tuân thủ quy trình sản xuất. Đến nay, người trồng cam ở huyện Cao Phong đã nhận thức được tầm quan trọng của quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Người dân quan tâm đến chất lượng làm đất, nguồn nước, sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc cây trồng để cam có giá trị dinh dưỡng cao, thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm khi bán ra thị trường không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bắt đầu triển khai sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2014, toàn huyện đã có 235 hộ tham gia mô hình với 248,36 ha tại thị trấn Cao Phong, các xã: Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Tân Phong, Yên Lập. Năm 2017, sản lượng cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap đạt khoảng 3.000 tấn, giá bán từ 25.000 - 35.000 đồng/kg.


Sản phẩm nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp sạch tiêu biểu năm 2017.

Cùng với thương hiệu cam Cao Phong, nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”, mở ra cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, diện tích, quy mô và sản lượng bưởi đỏ Tân Lạc phát triển nhanh, với trên 900 ha, trong đó 1/3 diện tích đã cho thu hoạch, tập trung ở các xã Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Mãn Đức. Bưởi đỏ là cây trồng có hiệu quả cao với mật độ trồng 200 cây/ha, trong thời kỳ kinh doanh cho thu từ 150 - 200 quả/cây, giá bán hiện tại 20.000 - 25.000 đồng/quả, có thời điểm 30.000 đồng/quả. Giá trị thu nhập của bưởi đỏ đạt từ 500 -700 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt gần 1 tỷ đồng/ha.

Chính quyền và người dân huyện Tân Lạc đã có nhận thức đúng đắn về xây dựng và giữ gìn thương hiệu bưởi đỏ. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác sản xuất áp dụng quy trình an toàn tiêu chuẩn VietGap theo chuỗi giá trị. Riêng xã Đông Lai đã có hàng chục ha bưởi thực hiện tiêu chuẩn VietGap.

Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Việc bưởi đỏ Tân Lạc được trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể là cơ hội lớn để huyện giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 xây dựng vùng bưởi đỏ ổn định tập trung quy mô khoảng 2.000 ha, trọng điểm tại các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, trong đó, trồng mới 1.150 ha, giá trị thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Trên 50% diện tích trồng bưởi đỏ thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm kết hợp với xây dựng nhãn hiệu hàng hoá.

Nhân rộng các nhóm sản phẩm hữu cơ

Hợp tác xã xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) là vùng sản xuất rau hữu cơ an toàn được triển khai từ năm 2008 với sự kết hợp của 4 nhà. Để tham gia dự án, nông dân phải trải qua đợt tập huấn 3 tháng về phương pháp trồng và cách chăm sóc rau hữu cơ. Giống rau nông dân gieo trồng được cung cấp từ Trung tâm giống cây trồng của tỉnh. Tham gia mô hình, bà con không được phép sử dụng các loại hóa chất để bón, tưới cho rau mà bón phân chuồng ủ hoai mục thay cho phân hóa học. Để phòng trừ sâu bọ, người dân sử dụng các biện pháp truyền thống như bắt sâu bằng tay hoặc pha chế thuốc bảo vệ thực vật từ nhiều loại thảo mộc như gừng, tỏi, ớt rồi ngâm với rượu để phun xịt. Hiện, 16 nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của huyện luôn tuân thủ quy trình sản xuất một cách nghiêm ngặt. Qua đó, đáp ứng và đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo tiêu chí "thực phẩm xanh, nông sản sạch”.

Các thành viên HTX xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) chăm sóc rau hữu cơ.

Đưa chúng tôi đi thăm các điểm sản xuất NNHC, bà Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn cho biết: Sản phẩm NNHC của Lương Sơn tương đối đa dạng các loại rau như cải, bầu, bí, cà chua, rau thơm, măng, đậu đỗ, lặc lày, nấm sò, nấm rơm, bưởi, nhãn… Các sản phẩm hữu cơ của huyện đã có mặt thường xuyên tại phiên chợ NNHC cuối tuần của siêu thị Big C, Hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp tại số 2, đường Hoàng Quốc Việt, Công ty SCS tại nhà C1, khu đô thị Mỹ Đình, khu Trung Tự (Hà Nội). Giá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao hơn giá các mặt hàng thông thường khoảng 30% nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện, trên địa bàn huyện Lương Sơn có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm theo công nghệ cao, trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS; nuôi lợn, trồng dược liệu theo hướng hữu cơ. Sản phẩm rau hữu cơ của huyện Lương Sơn đã được cấp chứng nhận PGS. Với diện tích trồng 20 ha, các nhóm sản xuất cung cấp khoảng 15 tấn rau sạch mỗi năm cho thị trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Sản xuất NNHC đang là hướng đi mới bền vững, đảm bảo an toàn sinh học, tham gia bảo vệ và cân bằng sinh thái môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, từng bước góp phần vào giải quyết tình trạng thiếu việc làm cho người dân nông thôn. Đồng thời, giúp cải thiện, tăng thu nhập kinh tế hộ với điều kiện nông dân phải tuân thủ theo các nguyên tắc và quy trình sản xuất NNHC qua các lớp đào tạo để đưa sản phẩm NNHC của Lương Sơn vươn xa hơn trên trị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, huyện đã quy hoạch khoảng 30 ha đất để sản xuất rau hữu cơ, đảm bảo mỗi vùng trồng rau tập trung có diện tích từ 2 - 3 ha.

Ngoài những sản phẩm tiêu biểu như cam, bưởi, rau hữu cơ một số nông sản khác như mía tím, gà đồi, rau su su, cá sông Đà... cũng có thị trường tiêu thụ mạnh. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phát triển nông nghiệp sạch, NNHC gắn với công nghệ cao, theo đó mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông sản sạch là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới. Trong đó, các mô hình phát triển phải gắn với thị trường, có liên kết để tiêu thụ đầu ra ổn định. Có như vậy sản xuất nông nghiệp mới phát huy hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đinh Thắng


Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục