(HBĐT) - Cùng với ngàn hoa đang bừng nở khoe sắc giữa mùa xuân, sức sống sôi động của một vụ sản xuất mới đang tràn ngập khắp các xứ đồng trên địa bàn tỉnh. Vừa hết ba ngày Tết, người nông dân đã rộn rã xuống đồng mang theo cả bầu không khí đặc trưng của mùa lễ hội. Niềm vui khiến màu của mạ dường như xanh mướt hơn, bàn tay cấy lúa thoăn thoắt không mỏi. Tiếng cười nói vang xa và lòng người thì phơi phới một mong ước giản dị: Mong cho năm nay mưa thuận, gió hòa để bằng bàn tay và khối óc của mình, người nông dân có thể tạo ra những mùa vàng no ấm.


Trong chưa đầy một ngày, cả xứ đồng rộng mênh mông hơn chục ha của xóm Chanh Dưới (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi) đã được cày bừa đâu vào đấy để sẵn sàng cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Hài lòng kiểm tra lại thửa đất của gia đình đã được cày sâu, bừa kỹ và bón lót một số loại phân cần thiết, chị Đinh Thị Hảo phấn khởi tiếp chuyện: Đây là đất luân canh 2 lúa - 1 màu nên chúng tôi không phơi ải mà chỉ làm dầm để đảm bảo tiến độ gieo cấy lúa. Ngay sau khi thu hoạch ngô đông, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị đất để tập trung cấy lúa xuân muộn. Bây giờ, khâu làm đất đã được cơ giới hóa hoàn toàn nên tiến hành nhanh gọn và hiệu quả. Không cần mất nhiều công sức, thời gian, chất lượng đất trước khi cấy vẫn tăng lên đáng kể nhờ được cày sâu, bừa nhuyễn, bón phân đầy đủ, rất thuận lợi khi cấy đồng đều và điều tiết nước, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho cây lúa trong thời kỳ sinh dưỡng.


Xuống đồng trong những ngày đầu xuân, nông dân xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) phấn khởi mong ước một năm sản xuất mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

 

Đúng theo kế hoạch và tiến độ đề ra, đến khoảng trung tuần tháng 2/2018, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cơ bản hoàn thành khâu làm đất để gieo trồng khoảng 8.000 cây vụ xuân các loại. Trong đó, trên 2.500 ha đã sẵn sàng để gieo cấy lúa với 85 90% diện tích gieo cấy trà xuân muộn.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, với trà xuân muộn, bà con nông dân đã sử dụng các giống lúa ngắn ngày (dưới 130 ngày), tập trung gieo cấy những ngày ngay sau Tết Nguyên đán để kết thúc cấy trước ngày 28/2. Đây là khung thời vụ thích hợp để cây lúa có thời gian sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo trỗ tập trung trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất (tức là trong khoảng từ ngày 5 - 15/5). Trước đó, bà con đã tập trung gieo mạ trà xuân muộn xung quanh tiết Lập Xuân (4/2), đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, nguồn nước và vật tư để sẵn sàng cấy lúa tập trung ngay sau Tết.

Tại xã Phong Phú (huyện Tân Lạc), ngày 22/2 (tức mồng 8 tháng giêng âm lịch), trong khuôn khổ Lễ hội Khai hạ Mường Bi 2018, đường cày đầu tiên của năm mới Mậu Tuất đã được tái hiện trong niềm phấn chấn, xúc động của hàng nghìn nông dân bản địa và du khách thập phương. Sau lễ hội có tính chất xuống đồng và mở cửa rừng, nông dân Mường Bi phấn khởi bắt đầu một vụ sản xuất mới với biết bao niềm tin và hy vọng. Cùng như mọi năm, sau đường cày đầu tiên của Lễ Khai hạ, ngay ngày hôm sau, ruộng đất vùng Mường Bi đã được phủ một màu xanh mướt của mạ non, báo hiệu rộn ràng cho một vụ sản xuất thắng lợi.

Phấn khởi và lạc quan, đó là tâm trạng chung của bà con nông dân nhiều địa phương khi xuống đồng cày cấy những ngày đầu xuân năm mới. Thời tiết như chiều lòng người, đó là những ngày có diễn biến thời tiết thuận lợi để bắt đầu một vụ sản xuất nông nghiệp: Trong ba ngày khai xuân (19-21/2), trời nắng ấm. Sau đó, sang đến ngày 22/2 trở đi, trời trở lạnh và có mưa rộng khắp. Những cơn mưa như món quà quý giá và tốt lành đầu tiên năm mới Mậu Tuất dành tặng cho sản xuất nông nghiệp. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân háo hức ra đồng, tâm trạng vui như đi lễ hội, miệng cười nói ríu ran mà đôi bàn tay quen lam quen làm vẫn không hề ngưng nghỉ. Chỉ trong vài ngày tập trung cao độ cho sản xuất, tiến độ gieo trồng vụ xuân 2018 của toàn tỉnh đã tăng lên đáng kể.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT: Đúng như tiến độ đề ra, đến cuối tháng 2, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấy lúa và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng cây màu vụ xuân. Toàn tỉnh gieo cấy khoảng 15,6 nghìn ha lúa, trong đó mở rộng tối đa trà xuân muộn (trên 85% tổng diện tích) nhằm đảm bảo cơ cấu sản xuất xuân muộn - mùa sớm - cây vụ đông, tạo thành chuỗi luân canh hợp lý cho cả năm. Cùng với nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa, các địa phương đang tích cực chuẩn bị lượng giống và quỹ đất cho việc gieo trồng tập trung các loại cây màu vụ xuân có thế mạnh như lạc, ngô, dưa chuột, bầu bí... Phấn đấu trước ngày 15/3, hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ xuân với tổng diện tích cây hàng năm khoảng 66 nghìn ha, bao gồm cây lương thực có hạt 36 nghìn ha, cây công nghiệp 3,2 nghìn ha, mía 8,5 nghìn ha, rau đậu các loại 5,3 nghìn ha...

Trước đó, đến cuối tháng 1, đầu tháng 2, các huyện, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai kế hoạch sản xuất. Nhờ chỉ đạo tốt việc che phủ nilon bảo vệ mạ đã gieo nên không có diện tích mạ chết rét, các địa phương đều đảm bảo số lượng và chất lượng mạ gieo cấy. Thống kê sơ bộ trong vụ này, cơ cấu giống lúa lai chiếm khoảng 30%, gồm các giống Nhị ưu 838, GS9, Bồi tạp sơn thanh, TH3-3, TH3-4, TH 3-5, GS 16... Giống lúa thuần chiếm khoảng 70%, gồm các giống BC15, TBR225, Thiên ưu 8, Khang dân 18, Kim cương 111, J02, ĐS1, PC6...

Có thể nói, đến thời điểm này, sản xuất trồng trọt vụ xuân 2018 đang có những khởi đầu tốt đẹp. Nhìn chung, các địa phương đều hoàn tất việc gieo cấy lúa trong tháng 2 và đảm bảo tốt khung thời vụ cho các loại cây màu. Cùng với việc chủ động về thời vụ và cơ cấu cây trồng nông nghiệp, trong thời gian tới, các địa phương sẽ đẩy mạnh công tác trồng rừng vụ xuân và cả năm 2018. Còn đối với các hộ chăn nuôi, bài học không chủ quan với đói, rét và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản đã được quán triệt sâu sắc. Bằng chứng là người dân chú trọng thực hiện các biện pháp thiết yếu để bảo vệ và chăm sóc đàn vật nuôi, ví dụ như che chắn chuồng trại, chế biến thức ăn sinh học an toàn, tiêm phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm, quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản Hiện, toàn tỉnh có khoảng 113 nghìn con trâu, 76 nghìn con bò, 450 nghìn con lợn và trên 6,2 triệu con gia cầm; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ nhỏ khoảng 2.655 ha và có trên 4.000 lồng nuôi cá. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản được các địa phương duy trì ổn định, góp phần tạo nên những mảng màu tươi sáng giúp hoàn thiện bức tranh sản xuất vụ xuân 2018 - bức tranh đầy ý nghĩa đã mở đầu cho một năm mới tốt lành.

Thu Trang


Các tin khác


Vùng cao Đà Bắc nuôi lợn bản địa, cải thiện thu nhập

(HBĐT) - Những năm trở lại đây, chăn nuôi lợn bản địa được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc chú trọng. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Huyện Cao Phong: Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển vùng nguyên liệu

(HBĐT) - "Căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2023, huyện Cao Phong đã đăng ký thực hiện 3 sản phẩm OCOP là cao nghệ đen của HTX Ngọc Sáng, xã Bắc Phong; rượu mía Thạch Yên và rượu nếp râu Thạch Yên. Rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP, năm nay, huyện Cao Phong chú trọng vào những sản phẩm có tính ổn định về vùng nguyên liệu, các sản phẩm chế biến và đảm bảo sản lượng để cung cấp ra thị trường", đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết.

Thịt chua Lâm Tin - hương vị đậm đà khó quên

(HBĐT) - Vị béo ngậy, chua thanh nhẹ của thịt lợn được lên men, vị bùi của thính ngô, hương thơm của hạt dổi tạo nên hương vị đậm đà, thơm ngon khó có thể nhầm lẫn khi thưởng thức thịt chua Lâm Tin. Điều này cũng lý giải tại sao sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm thịt chua Lâm Tin của hộ kinh doanh Bùi Thị Tin, phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) ngày càng mở rộng thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thành phố Hòa Bình: Hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân TP Hoà Bình đã đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) xây dựng sản phẩm OCOP từ những nông sản thế mạnh của địa phương.

Người lao động xã Phú Thành chủ động việc làm tại chỗ

(HBĐT) - Với vị trí đường giao thông thuận tiện, người dân cần cù, tư duy nhạy bén trong khai thác, tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế, làm giàu, xã Phú Thành (Lạc Thủy) triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Trên địa bàn xuất hiện nhiều doanh nghiệp, mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, tạo nhiều việc làm tại chỗ thu hút lao động.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để bứt tốc

Ngày 26/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trên địa bàn 9 tháng năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục