Nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn. Mô hình này đang có xu hướng phát triển tại nhiều địa phương, nhưng để có sự bền vững, ổn định cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và nhà sản xuất…


Sản xuất rau hữu cơ tại Công ty Ðầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại cây trồng với năng suất cao trên thế giới. Tuy nhiên, do sản xuất theo số lượng, lạm dụng phân bón, hóa chất, đã làm chất lượng nông sản giảm, đất bị thoái hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm... Do vậy, sản xuất nông nghiệp và theo định hướng hữu cơ đang có cơ hội trở lại. Bởi mô hình này cho phép khai thác tối ưu nguồn tài nguyên như đất, năng lượng, chất dinh dưỡng với một phương pháp quản lý hợp lý nhất để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng bảo đảm cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường ngày càng cao, không chỉ cho xuất khẩu mà cho thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cũng giúp nông nghiệp hữu cơ có cơ hội phát triển.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước mới có vài chục cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Quảng Trị, Hòa Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Cà Mau, Lâm Ðồng, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Trà Vinh…) với tổng diện tích khoảng bốn nghìn héc-ta. Các cây chủ yếu là dừa, chè, lúa và rau. Trong số đó, Bến Tre có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất với hơn ba nghìn héc-ta, chủ yếu là dừa. Các mô hình chăn nuôi khá hiệu quả như nuôi cá ba sa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10 nghìn héc-ta xuất khẩu sang EU.

Mặc dù vậy đến nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cần sự phát triển ổn định, bền vững. Trước mắt, cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản. Theo nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ, hiện nay chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1104:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thật sự đi vào cuộc sống đã phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 (đang dự thảo) với các quy định chi tiết hơn. Việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia. Ý thức của các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa thật tốt để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, được người tiêu dùng tin tưởng. Nhiều cơ quan chức năng đã có những đề nghị, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp hữu cơ phát triển, tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng ở đề xuất mà chưa có chính sách, cơ chế cụ thể nào được ban hành.

Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Lê Quốc Phong cho rằng, các doanh nghiệp đi đầu về sản xuất sản phẩm hữu cơ hiện nay chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Nhà nước và chính quyền địa phương. Sự khuyến khích, hỗ trợ mới chỉ dừng ở lời nói mà chưa có hành động cụ thể, thiết thực. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.

Do vậy, Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Nhà nước cần có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng để sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ổn định, bền vững.

 

 

                                       TheoNhandan

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục