(HBĐT) - Khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản xuất hiện trong vài năm gần đây là xu hướng tất yếu nông nghiệp của tỉnh đang hướng tới, giúp xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị.


Sản phẩm bưởi đỏ của hộ thành viên HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc được rửa sạch bằng dây chuyền công nghệ, đóng gói và nhãn hiệu trước khi giao cho đơn vị thu mua theo đúng hợp đồng, giúp nâng cao giá trị nông sản.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu thực trạng của Sở Công Thương, ở giai đoạn 2012 - 2016, việc tiêu thụ nông sản của nông dân thực hiện dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: thông qua hệ thống chợ, thông qua thương lái (không có hợp đồng) và thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ. Đối với kênh tiêu thụ qua chợ chủ yếu là các sản phẩm tự phát, manh mún, nhỏ lẻ do nông dân làm ra và trực tiếp đem bán tại chợ nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Sản phẩm thông qua kênh phân phối này chiếm khoảng 20% tổng giá trị hàng nông sản hàng năm.

Đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ qua thương lái là hình thức tiểu thương trực tiếp mua gom nông sản của các hộ, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, HTX thương mại dịch vụ, thương nhân đưa ra tiêu thụ ở tỉnh ngoài hoặc trong tỉnh, chiếm khoảng trên 50% tổng giá trị hàng nông sản tiêu thụ. Sản phẩm thông qua hợp đồng được thực hiện chủ yếu sau Quyết định số 62/2013/QĐ - TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Hình thức này hiện chưa phổ biến, chỉ chiếm khoảng 30% tổng giá trị hàng nông sản tiêu thụ và chỉ áp dụng đối với một số loại cây trồng như chè, mía, cam, rau hữu cơ, một số loại củ, quả (ớt, gừng, dưa chuột) phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trên các thị trường.

HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc - Hòa Bình có địa chỉ tại xóm 3, xã Tử Nê (Tân Lạc). Năm 2017, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, HTX thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Tham gia mô hình, 9 thành viên HTX có diện tích đất trồng bưởi đủ lớn, tập trung, thuận lợi cho việc áp dụng tiêu chuẩn trồng cây an toàn VietGAP. Nguồn nhân lực tối thiểu mỗi hộ có 2 người, đủ trình độ tiếp nhận khoa học kỹ thuật và tổ chức trồng trọt tại gia đình, triển khai đúng quy trình công nghệ, lịch chăm sóc và tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ, Sở Công Thương hỗ trợ ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuộc khu vực đông đúc dân cư và thuận lợi mua bán, trao đổi hàng hóa tại trục QL6, đoạn qua thị trấn Mường Khến (Tân Lạc), xây dựng mạng lưới mua bán bưởi tại thành phố Hòa Bình, một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…

Cũng trong năm 2017, Sở Công Thương triển khai một liên kết tiêu thụ nông sản nữa tại huyện Lạc Sơn, đó là mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Nông dân tiêu thụ mía và cung ứng vật tư nông nghiệp (VTNN). Trong khuôn khổ mô hình, nông dân các xã Tân Mỹ, Yên Nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mía chất lượng cao, an toàn và được tiếp cận thông tin thị trường, cách bảo quản nông sản, xúc tiến thương mại.

Đồng chí Bùi Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Toàn tỉnh có 154 HTX, trong đó 90 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 17 HTX CN – TTCN, 33 HTX thương mại dịch vụ. Đối với mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, HTX có vai trò trung tâm, thông qua HTX, tổ hợp tác đứng ra cung ứng VTNN và tiêu thụ nông sản đã khắc phục tình trạng ép giá, cung ứng VTNN kém chất lượng, giúp nông dân nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Từ đó, doanh thu của HTX tăng lên nhờ hoạt động bao tiêu sản phẩm. Qua hợp đồng từ đầu vụ, nông hộ xác định rõ loại cây trồng, lượng VTNN cần đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả… để yên tâm sản xuất. Xác định trách nhiệm làm "vệ tinh”, nông dân chủ động và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gom đủ nguồn hàng theo đúng thời hạn hợp đồng. Cũng thông qua hợp đồng, doanh nghiệp mua được nông sản có chất lượng, nguồn cung cấp nông sản ổn định. Hộ nông dân chủ động tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý, tương xứng với công sức lao động.

Hiện nay, hình thức liên kết hợp tác tiêu thụ nông sản và cung ứng VTNN thông qua HTX trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực nhưng số lượng còn ít. Điển hình có HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi), HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Hòa Bình, liên kết tiêu thụ cam giữa Công ty TNHH MTV Cao Phong với Tổng Công ty Sông Hồng và Tổng Công ty CP thương mại Hà Nội (Hapro), chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản của Công ty CP Skyfarm Hòa Bình, liên kết tiêu thụ rau hữu cơ của liên nhóm sản xuất rau hữu cơ Lương Sơn.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT ghi nhận: Loại hình liên kết tiêu thụ nông sản đã gắn kết doanh nghiệp – HTX – hộ nông dân thông qua hợp đồng tiêu thụ, huy động được các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân để đầu tư làm ra các sản phẩm theo quy trình an toàn, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Mô hình tới đây sẽ tiếp tục được khuyến khích nhân rộng theo chủ trương, định hướng của tỉnh, đẩy mạnh hợp tác, tiêu thụ nông sản nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho khu vực nông thôn.

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục