(HBĐT) - Trồng rau theo tiêu chuẩn quốc tế, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đang là hướng đi bền vững cho nhiều hộ nông dân ở huyện Lương Sơn, cho thu nhập cao và ổn định hơn. Sau gần chục năm phát triển, nhãn hiệu rau quả hữu cơ Lương Sơn đã thân thuộc với người tiêu dùng Hòa Bình, Hà Nội. Với hơn 22 ha sản xuất, sản lượng hơn 200 tấn rau, quả mỗi năm, Lương Sơn trở thành địa phương có diện tích rau hữu cơ lớn nhất tỉnh.


Nông dân xã Hợp Hòa (Lương Sơn) trồng rau hữu cơ bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ quy mô 8 ha của HTX Trại Hòa, xã Hợp Hòa (Lương Sơn). ấn tượng đầu tiên là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành. Chị Hoàng Thị Long, Giám đốc HTX hữu cơ Trại Hòa cho biết:

Để có được vườn rau xanh mướt đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ khu vực Hòa Bình và Hà Nội, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên, người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; không thuốc diệt cỏ; không sử dụng thuốc trừ sâu; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; không sử dụng giống biến đổi gien.

Bà Bùi Thị Sinh - xã viên HTX nông sản hữu cơ xóm Trại Hòa chia sẻ: "Sản xuất rau hữu cơ vừa an toàn cho sức khỏe người trồng hái, vừa đảm bảo môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi đó giá bán lại cao hơn các loại rau thông thường 30%, thu nhập hơn 200.000 đồng đồng/ngày. Hiện nay, HTX có 61 thành viên tham gia, thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu/người/tháng, cao hơn hẳn so với trồng lúa. Không chỉ ở HTX Trại Hòa mà tại các xã Nhuận Trạch, Thành Lập, Cư Yên, thị trấn Lương Sơn, nhờ trồng rau mà đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, Lương Sơn đã thành lập được 26 nhóm sản xuất rau hữu cơ và 4 HTX rau an toàn với trên 210 thành viên tham gia.

Tham gia mô hình trồng rau hữu cơ với 800 m² đất sản xuất, bà Hoàng Thị Huy, xóm Đồng Sương, xã Thành Lập cho biết: "Mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn trăm triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng rau truyền thống trước kia. Để trừ sâu, tôi dùng rượu ngâm với tỏi, ớt, gừng bỏ trong tủ khi nào cần thì mang ra dùng. Mỗi thửa rau ở đây đều trồng hoa cúc vạn thọ nhằm xua đuổi các loại sâu bệnh có hại cho rau”.

Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn Phùng Thị Lan cho biết: Từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN & PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai - Hà Nội), huyện đã triển khai Dự án trồng rau hữu cơ tại các xã: Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Thành Lập, Cư Yên, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn với ý nghĩa ban đầu nhằm tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nghèo. Tròn 10 năm kiên trì phát triển, đến nay trở thành mô hình tiêu biểu cho toàn huyện trong việc tạo ra những sản phẩm rau chất lượng cao mà không tác động xấu đến môi trường, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với huyện trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân; hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo chuỗi, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản an toàn.

Để có những sản phẩm rau, quả hữu cơ bảo đảm theo đúng quy trình, người trồng rau Lương Sơn phải tham gia lớp tập huấn 3 tháng về kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận trồng rau hữu cơ (tính từ năm 2008 đến tháng 6/2018 đã có 1.750 nông dân được đào tạo và được cấp chứng chỉ).

Khác với phương thức trồng rau thông thường, đất trồng rau hữu cơ được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không nhiễm các chất độc hại, có vùng đệm để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài.

Kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH & CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Quả lặc lày và rau quả hữu cơ” cho Hội Nông dân huyện Lương Sơn từ cuối năm 2014; năm 2016 vượt qua 650 sản phẩm nông nghiệp, rau hữu cơ Lương Sơn đã trở thành 1 trong số 79 thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng được trao danh hiệu "Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2016”; được nhận giấy chứng nhận "Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ "vì sức khỏe cộng đồng” được tôn vinh "sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016” và có mặt trong chuỗi sản phẩm an toàn thực phẩm "Thực phẩm xanh, nông sản sạch”. Đó là những dấu ấn đầy thuyết phục cho thấy sản phẩm rau hữu cơ do nông dân huyện Lương Sơn sản xuất đang có được bước tiến dài về chất trong hành trình hướng ra thị trường lớn.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau quả hữu cơ Lương Sơn được mở rộng hơn 22 ha, trong đó diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 12 ha. Trung bình mỗi tháng, cung cấp ra thị trường khoảng 16 tấn rau, quả hữu cơ an toàn, chất lượng cao. Phần lớn rau, quả hữu cơ Lương Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt, doanh thu đạt 3,4 tỷ đồng/năm.

Lương Sơn phấn đấu đến năm 2019, toàn huyện sẽ mở rộng diện tích rau, quả hữu cơ lên 60 ha. Hiện tại, huyện đang tạo mọi điều kiện để nhân dân mở rộng diện tích rau, quả hữu cơ bằng việc thực hiện hỗ trợ một số HTX các phần việc như: dồn điền đổi thửa; thực hiện thỏa thuận thuê đất; tập trung diện tích sản xuất trong HTX sản xuất rau, khuyến khích hỗ trợ HTX tìm kiếm các doanh nghiệp, nhà đầu tư, liên kết sản xuất theo hình thức chuỗi sản xuất; tiếp tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau hữu cơ của huyện, hướng đến cung cấp cho thị trường những nông sản an toàn và chất lượng cao, xây dựng thương hiệu rau hữu cơ Lương Sơn phát triển bền vững.

Hoàng Việt Hải
(Đài Lương Sơn)

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục