(HBĐT) - Theo dự báo, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ xuất hiện những diễn biến thời tiết bất lợi cho sản xuất trồng trọt. Đáng lo ngại nhất là tình trạng nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm gia tăng nguy cơ hạn hán, ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng các loại cây trồng vụ xuân. Chính vì thế, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống hạn với quyết tâm bảo vệ cây trồng, đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ xuân 2019.


Chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước vào cuối vụ sản xuất, các mô hình liên kết sản xuất tại xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) áp dụng hệ thống tưới phun, vừa giúp tiết kiệm nước, vừa nâng cao hiệu quả chăm sóc cây trồng vụ xuân 2019.

Vào thời điểm này năm trước, Kim Bôi là huyện có diện tích cây trồng bị hạn cao nhất tỉnh với khoảng 1.028 ha lúa và 1.108 ha cây màu, cây ngắn ngày. Trong khi đó, trên quy mô toàn tỉnh, tổng diện tích lúa bị hạn thời điểm cao nhất trong vụ là 2.332 ha, cây màu và cây ngắn ngày khoảng 2.654 ha, cây lâu năm và cây ăn quả khoảng 1.135 ha. Riêng huyện Kim Bôi, diện tích cây trồng bị hạn phân bố hầu khắp các xã, thị trấn, trong đó, nhiều nhất tại các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng, Trung Bì, Kim Bôi…

Còn năm nay, tình hình có khả quan hơn, phần lớn là nhờ sự chủ động cao của địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống hạn ngay từ đầu vụ sản xuất. Theo xác nhận của Phòng NN&PTNT huyện, đến thời điểm này, trên địa bàn chưa ghi nhận diện tích cây trồng vụ xuân bị ảnh hưởng nặng bởi tình hình nắng nóng kéo dài.

Một trong những biện pháp chống hạn hiệu quả nhất mà bà con nông dân xóm Sào Bắc, xã Sào Báy (Kim Bôi) đang áp dụng là lấy nước tưới luân phiên theo từng nhóm hộ. Chị Bùi Thị Như (xóm Sào Bắc) cho biết: Vụ xuân năm nay, cách làm này phát huy hiệu quả cao hơn nhiều năm trước là vì hệ thống kênh mương nội đồng thuộc địa bàn xã đã được đầu tư đồng bộ, đảm bảo nâng cao năng lực tưới, tiêu và thuận lợi cho việc điều tiết sử dụng nước tưới. Bằng cách lấy nước tưới luân phiên theo từng nhóm hộ, nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn các xóm được phân bố hợp lý hơn, các hộ đều có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, từ đó kiểm soát được tình trạng đầu nguồn thừa nước, cuối nguồn thiếu nước.

Hiện nay, sản xuất trồng trọt đang chịu ảnh hưởng nhất định bởi tình hình thời tiết đặc trưng: ban ngày trời nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và giông. Diễn biến thời tiết từ đầu vụ đến nay cho thấy, vụ xuân có điều kiện thời tiết ấm hơn trung bình nhiều năm trước với nền nhiệt trung bình cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5 - 20C. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, trong thời gian tới nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng với nền nhiệt độ cao và độ ẩm trong không khí giảm thấp.

Sở NN&PTNT khuyến cáo: Tình hình thời tiết cực đoan sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển giai đoạn cuối của các loại cây trồng vụ xuân. Cụ thể, cuối tháng 4 đến hết tháng 6 là thời điểm thời tiết có những diễn biến bất lợi cho trồng trọt như nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa to, thậm chí mưa đá, giông, lốc xoáy… Trong khi đó, đây lại là thời điểm quan trọng của sản xuất vụ xuân. Đến nay, diện tích lúa xuân trà sớm đang giai đoạn ôm đòng, trỗ bông, phần lớn diện tích lúa của tỉnh sẽ trỗ bông tập trung từ ngày 5 - 10/5. Cùng với lúa, cây ngô cũng phổ biến trong giai đoạn trỗ cờ, chín sữa, nhiều cây màu khác đang giai đoạn ra hoa, đậu quả và bắt đầu cho thu hoạch. Đây là thời kỳ xung yếu, các loại cây trồng rất dễ chịu tác động bất lợi của sâu bệnh và thời tiết cực đoan. Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng tránh thiên tai, trong đó chú trọng các biện pháp chống hạn từ nay đến cuối vụ để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với sản xuất vụ xuân.

Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, vụ xuân năm nay, các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh thiên tai, trong đó ưu tiên hàng đầu là công tác phòng, chống hạn. UBND các huyện, thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các địa bàn thực hiện tốt chiến dịch toàn dân làm thủy lợi nội đồng tháng 4/2019, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác chống hạn vào cuối vụ. Cùng với đó, các biện pháp chống hạn đang được áp dụng phổ biến là: quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn nước, tránh rò rỉ, thất thoát nước; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nước tưới; nghiêm cấm không được tùy tiện tháo nước đánh bắt cá, nạo vét ao, hồ làm mất cân đối nguồn nước trong thời vụ sản xuất; có kế hoạch ưu tiên sử dụng nước hợp lý, có phương án xử lý kịp thời khi nguồn nước bị thiếu hụt; chuẩn bị sẵn sàng máy bơm dã chiến để bơm nước "cứu” diện tích bị hạn… Tuy đến thời điểm này, tình hình nắng nóng chưa tác động xấu đến diện tích cây trồng vụ xuân nhưng không vì thế mà chủ quan, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường công tác phòng, chống hạn với quyết tâm bảo vệ cây trồng, đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ xuân 2019.

Thu Trang

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục