Ngày 6-5, tại tỉnh Đồng Nai, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, tám tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp.

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gồm tám tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% và dân số chiếm 21% của cả nước, nhưng GRDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước, đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách.

Cụ thể, tổng GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2018 đạt khoảng 2.517 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm, thời kỳ 2016-2018, đạt khoảng 6,72%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 6.407 USD/người năm 2018, gấp 2,48 lần so bình quân cả nước; thu ngân sách năm 2018 đạt khoảng 608 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía nam bắt đầu có xu hướng chậm dần; tỷ trọng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ giảm dần theo từng năm; trong công nghiệp chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân khó khăn và đề ra các giải pháp trong thời gian tới để vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục là đầu tàu, dẫn dắt kinh tế cả nước.

Theo TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, một trong những yếu tố khiến liên kết vùng khó khăn ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam là vấn đề giao thông và thiếu cơ chế. Do đó, để vùng trở thành cực tăng trưởng của cả nước cần có một đơn vị điều phối, vì thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm nhiệm như thời gian qua chưa giải quyết được vấn đề liên kết vùng. Đối với hạ tầng giao thông, cần xem là khâu đột phá và cần có quyết tâm chính trị cao mới thực hiện được.

Cùng quan điểm trên, PGS,TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, không nên nhìn vùng kinh tế trọng điểm phía nam ở đóng góp vào GRDP hay thu ngân sách, vì như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay. TS Trần Đình Thiên đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược dài hạn và thể chế hiến định, các địa phương cần được giao quyền lực. Trước mắt, cần phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động, sáng tạo trong điều hành. Ngoài ra, cần lập tổ tư vấn và liên kết vùng về mặt doanh nghiệp.

Để liên kết vùng hiệu quả, vì sự phát triển cả vùng và cả nước, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vấn đề bức thiết hiện nay là kết nối hạ tầng giao thông và logistics. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết về giáo dục đào tạo, y tế, tài chính, cung cấp nước sạch, chế biến nông sản và phát triển công nghiệp hỗ trợ trong vùng. Về cơ chế, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện các quy hoạch vùng, rà soát lại tiêu chí phân bổ ngân sách cho vùng, vì điều tiết ngân sách hiện nay cho vùng khoảng 15%, nhưng đóng góp 45%.

 Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cả nước có bốn vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành phố, chiếm hơn 27% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân là vùng còn thiếu cơ chế chính sách, điều hành dẫn đến trong liên kết vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Đến nay, vùng vẫn chưa xây dựng được một chiến lược phát triển chung nào; việc phối hợp các bộ, ngành với các tỉnh trong vùng còn mang tính tự phát, dừng lại ở mức cam kết giữa một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục là đầu tàu, dẫn dắt, phát triển bền vững hơn đối với kinh tế của đất nước. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có tầm nhìn, kiên định các mục tiêu đề ra, tận dụng cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, phải nỗ lực sáng tạo, năng động, mạnh mẽ hơn nữa và phải có cơ chế đặc thù cho toàn vùng. Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng rà soát lại sự phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao và phải khơi dậy khát vọng của từng địa phương. Cùng với đó, phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối các bộ ngành để kịp thời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị cần tập trung thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm của đất nước, nhất là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phải được khởi công vào cuối năm 2020 và khánh thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để kết nối các tỉnh miền Tây với các tỉnh miền Đông.

Đối với những kiến nghị của các bộ ngành, địa phương và "hiến kế” của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

TheoNhanDan

Các tin khác


Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Giá vàng sáng 26/4

Ngày 26/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82 - 84,32 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục