(HBĐT) - Trong bối cảnh những năm gần đây liên tiếp xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn lợn, gia cầm, nhất là hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và dự báo dịch bệnh này vẫn còn âm ỉ trong thời gian khá dài. Trong khi Bộ NN&PTNT khuyến cáo không chủ trương tăng đàn thời điểm này thì việc các cấp, ngành chức năng tìm sinh kế mới cho nông dân để tạo ra sản phẩm, chống việc cuối năm nay thực phẩm sẽ khan hiếm đang là việc làm hết sức cần thiết, trong đó đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng mở cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu của thị trường.


Trại nuôi bò thịt của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 có quy mô lớn, dịp Tết Nguyên đán 2019 Công ty đã xuất chuồng khoảng 2.000 con.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ta, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện nay, tổng sản lượng thịt đại gia súc các loại của Việt Nam sản xuất một năm chỉ khoảng 330.000 tấn, trong khi đó, lượng thịt tiêu thụ trong cả nước khoảng 5 triệu tấn, như vậy, cơ cấu đại gia súc mới chiếm từ 6 - 7%, thường ở nhiều nước trên thế giới chiếm tỷ trọng 25%. Đây là dư địa rất lớn cho phát triển đại gia súc. Ngoài ra là nhu cầu về sữa, hiện, cả nước mới có khoảng 300.000 con bò sữa, sản lượng 960.000 tấn; bình quân sử dụng sữa đạt khoảng 20 lít/người/năm, thế giới là 81 lít. Như vậy, nhu cầu thịt và sữa trên thị trường đang rất thiếu, là cơ hội tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy chúng ta không có những cánh đồng quá rộng, nhưng tất cả những địa lập nhỏ, cộng với điều kiện sinh thái, nhiệt độ, ánh sáng cho phép Việt Nam phát triển các loại thức ăn chăn nuôi, kể cả rơm, rạ cũng tận dụng đủ cho kế hoạch chăn nuôi đại gia súc với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.

Đối với tỉnh ta, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Hòa Bình với vị trí là vùng Thủ đô, có lợi thế phát triển kinh tế rừng, kinh tế nông nghiệp, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, là điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhất là sau khi tìm hiểu thực tế trại sản xuất bò giống chất lượng cao và trại nuôi bò thịt của Công ty CP chăn nuôi T&T 159 tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình) với quy mô 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò, trâu nuôi vỗ béo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là mô hình đi trước một bước, mang tính hiện đại, đồng nhất. Trước hết, tỉnh Hòa Bình cần tái cơ cấu ngay vào các con đại gia súc; coi đây là hạt nhân, từ đó phát triển thêm nhiều doanh nghiệp hạt nhân hơn nữa. Người nông dân cần tận dụng các phế phẩm từ cây mía, ngô, lúa để biến thành các sản phẩm cạnh tranh có điều kiện.

Trên thực tế, tỉnh ta sớm có chủ trương phát triển chăn nuôi bền vững, trong đó chú trọng nâng tổng đàn trâu, bò cũng như cải tạo để nâng cao tầm vóc. Minh chứng rõ nét là ngày 25/7/2017, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 8/12/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2025. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng xây dựng dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, như huyện Lương Sơn có Dự án cải tạo và phát triển đàn bò thịt tại 10 xã của huyện gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2019 - 2020; huyện Tân Lạc có Dự án phát triển đàn trâu tại 5 xã vùng cao...

Với mục tiêu phát huy lợi thế của địa phương để chăn nuôi một số loại vật nuôi chủ lực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của địa phương và các tỉnh bạn, tiến tới xuất khẩu. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh sản phẩm và tiếp cận thị trường, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường... Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm rà soát các quy hoạch trong nông nghiệp, xác định quy mô sản xuất và định hướng trong chăn nuôi; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp; từng bước tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững...

Theo số liệu thống kê, tổng đàn trâu, bò của tỉnh tăng từng năm. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh có 116.920 con trâu, 81.270 con bò, 46.455 con dê; đến năm 2018, đàn trâu tăng lên gần 118.700 con (tăng 1,52%), đàn bò trên 85.400 con (tăng 5,11%), đàn dê 51.740 con (tăng 11,38%). Từ đó, sản phẩm chăn nuôi cũng tăng lên, năm 2016, toàn tỉnh xuất chuồng 3.328 tấn thịt trâu, 2.665 tấn thịt bò, 429 tấn sữa tươi; đến năm 2018, con số này lần lượt là 3.538, 2.865 và 446. Hiện, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm khoảng 32% (năm 2016 là 26,4%).

Có thể nói, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng hàng hóa, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt, tổng đàn gia súc tăng do người chăn nuôi chuyển sang nuôi trâu, bò thâm canh lấy thịt, sử dụng các nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá và ngọn mía... dự trữ chế biến làm thức ăn cho vật nuôi.

Hiện nay, phát triển chăn nuôi đại gia súc để thích ứng trong tình hình phòng trừ dịch bệnh trên đàn lợn, nhưng về lâu dài, đây là hướng chủ đạo thay đổi cục diện chiến lược ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, để tạo sinh kế, hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần xây dựng những dự án phát triển nhằm thu hút doanh nghiệp giường cột vào làm nền tảng trong hạt nhân liên kết. Tập trung giải quyết nguồn lực, cụ thể là tiến bộ KHKT qua việc mở nhiều lớp để hướng dẫn kỹ thuật từ khâu giống, quy trình chăm sóc, đặc biệt là đào tạo lực lượng cán bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất mới. Như vậy rất cần đến trách nhiệm, sự giúp sức từ Bộ, tỉnh, các doanh nghiệp, vì thay đổi đối tượng sử dụng mới thì nhu cầu vốn của bà con rất cao. Trên tinh thần mong muốn có đối tượng sản xuất mới nhưng phải hết sức chắc chắn, chặt chẽ, không thể biến việc này thành các nguy cơ rủi ro khác, nhất là sản xuất không có liên kết, dẫn đến dịch bệnh, đầu ra không ổn định sẽ gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Hoàng Nga

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục