(HBĐT) - Kể từ tháng 3/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, ước thiệt hại trên 30 tỷ đồng đối với sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, bệnh dịch nguy hiểm này lại không có cơ hội xâm nhập đàn lợn của các HTX, doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn.



Cán bộ Trạm thú y TP Hòa Bình phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại hộ thành viên chăn nuôi lợn của HTX Chăn nuôi và dịch vụ xã Yên Mông (TP Hòa Bình).

HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp xã Yên Mông (TP Hòa Bình) thành lập cách đây hơn 1 năm. Từ 10 hộ thành viên, đến nay, HTX đã quy tụ 20 hộ thành viên tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), tạo sản phẩm thịt lợn an toàn. Ông Lê Văn Luyến, Giám đốc HTX cho biết: Cách phòng, chống DTLCP của HTX và các hộ thành viên là chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi lợn. Nhờ đó, các hộ vẫn duy trì tổng đàn ổn định trong thời điểm DTLCP xuất hiện tại địa phương. Hiện có 50 lợn nái và khoảng 4.000 lợn thịt. Thị trường tiêu thụ tiếp tục được giữ vững tại Hà Nội và Hòa Bình.

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập" là giải pháp gần như bất di, bất dịch mà các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của tỉnh áp dụng trước và trong suốt diễn biến phức tạp của DTLCP. Lực lượng lao động làm việc không ra khỏi trang trại, người lạ càng không được vào khu vực chăn nuôi. Theo đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, kể cả đến thời điểm này, khi DTLCP có xu hướng chững lại, để vào được khu vực chăn nuôi của các trang trại rất khó. Lý do là các trang trại buộc phải thực hiện triệt để giải pháp, bởi nếu xảy ra bệnh dịch, doanh nghiệp cầm chắc nguy cơ phá sản, thiệt hại chắc chắn lên tới nhiều tỷ đồng. Chính vì vậy, hoạt động phòng, chống, kiểm soát DTLCP ở các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đặc biệt gắt gao với nguyên tắc "không để xảy ra bất kỳ sơ xuất nhỏ".

Đồng thời, với diễn biến của DTLCP, đàn lợn của tỉnh trong các nông hộ còn khoảng 341.000 con, giảm 21,49% so với cùng kỳ. Đàn lợn hiện có trong các doanh nghiệp, HTX nếu tính về số lượng cũng không thua kém. Toàn tỉnh có 37 doanh nghiệp, hơn 10 HTX chăn nuôi lợn quy mô khép kín. Trong khi DTLCP không xâm nhập được vào khu vực trang trại của các doanh nghiệp, HTX thì tình hình chăn nuôi lợn nông hộ tiếp tục cầm chừng, người chăn nuôi vẫn băn khoăn chưa dám tái đàn. Giá cả hiện tại đang tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chỉ chăn nuôi an toàn sinh học mới giải quyết tối ưu những vấn đề đang gặp phải trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, DTLCP nói riêng. Trước diễn biến DTLCP, các HTX, doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ lai lịch, nguồn gốc con giống đến nguồn thức ăn, tiêu độc, khử trùng, thu gom, xử lý chất thải, hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi... Nhờ vậy, chăn nuôi phát triển bền vững, không bị DTLCP xâm nhập, gây thiệt hại. Trong khi đó, DTLCP lan rộng ở nhiều xã, phường, thị trấn, khu vực nông hộ thời gian qua phần nhiều do yếu tố chủ quan của con người: tận dụng thức ăn rác để nuôi lợn; nhập lợn giống từ vùng có DTLCP dẫn đến bị dịch chết và phải tiêu hủy toàn bộ như ở huyện Mai Châu; ra, vào vùng dịch không thực hiện tốt việc phòng dịch; xử lý môi trường ổ dịch không đảm bảo...

Để vực dậy, hạn chế thiệt hại trên đàn lợn của tỉnh, người chăn nuôi cần vận dụng những bài học kinh nghiệm từ doanh nghiệp, HTX trong phòng, chống DTLCP. Với điều kiện thực tế hiện nay, cần từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô tập trung. Phát triển, nhân rộng mô hình HTX chăn nuôi, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định. Lưu ý, các hộ, cơ sở chăn nuôi chỉ tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học như hướng dẫn. 

Bùi Minh

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục