(HBĐT) - Thời gian nuôi lâu nên chất lượng thịt được đánh giá cao, ngon hơn hẳn thịt lợn nuôi công nghiệp là lý do thịt lợn bản địa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là lợi thế để nông dân huyện vùng cao Đà Bắc tập trung chăn nuôi giống lợn đặc sản này.


Hộ dân xóm Bai Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) nuôi lợn bản địa cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Giám đốc HTX chăn nuôi lợn bản địa Đà Bắc Xa Văn Lăm đưa chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn bản địa xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng. Anh Lăm phấn khởi cho biết: Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, hàng chục hộ thành viên của HTX đã có doanh thu 30 - 40 triệu đồng từ xuất lứa lợn bản địa. Đơn cử ở xóm Bản Hạ có các hộ chăn nuôi Xa Văn Tỉnh, Hà Văn Xuân, Hà Văn Sành... Với chi phí bỏ ra không lớn, chủ yếu là công chăm sóc vì giống từ nguồn tại chỗ, người chăn nuôi lợn bản địa thu được lợi nhuận cao (khoảng 70% mức doanh thu). Việc đáng mừng nữa là gần như người chăn nuôi không phải lo nghĩ đầu ra bởi tư thương thường đặt trước hoặc tìm mua với giá cao, bình quân 120.000 - 150.000 đồng/kg, có lúc lên đến 190.000 đồng/kg (loại có trọng lượng 10 -15 kg/con).

Theo thống kê của huyện, đàn lợn bản địa đang duy trì nuôi trong dân dao động 1.300 - 1.500 con. Lợn được nuôi theo phương thức bán chăn thả, thức ăn chủ yếu tận dụng sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp và nguồn sẵn có tự nhiên, không sử dụng kháng sinh, các chất kích thích sinh trưởng. Kết quả khảo sát của Tiểu ban quản lý Dự án Jica-Satreps tỉnh tại 2 thị trường Hà Nội, Ninh Bình, 88% trong số 300 hộ được khảo sát đánh giá thịt lợn bản địa Đà Bắc ngon, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, số gia đình thường xuyên sử dụng thịt lợn chỉ khoảng 27,9%, chủ yếu tập trung ở các hộ có thu nhập cao, trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng. Còn tới trên 72% hộ ít hoặc chưa sử dụng thịt lợn bản địa do giá thành cao và chưa được bán rộng rãi. Đây chính là thị trường tiềm năng tiêu thụ lợn bản địa Đà Bắc.

Giai đoạn 2017-2020, nhằm bảo tồn nguồn giống, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn bản địa trên địa bàn huyện Đà Bắc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Tiểu ban quản lý Dự án Jica - Satreps đã xây dựng mô hình nhóm tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa. Theo đó, nhiều hoạt động, chương trình đã được tổ chức thực hiện, triển khai. Huyện đã thành lập 1 HTX, 6 tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa tại các xã Cao Sơn, Hiền Lương, Đoàn Kết, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng với 90 hộ thành viên. Dự án hỗ trợ mua 180 con lợn nái và 10 lợn đực giống bản địa đủ tiêu chuẩn bàn giao cho các hộ. Ngoài ra còn hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi, vật tư, thuốc thú y, tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cũng để hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn phát triển thị trường, dự án đã điều tra, khảo sát 300 hộ kinh doanh, giết mổ thịt lợn tại thị trường Hà Nội, Ninh Bình cho thấy, triển vọng phát triển thị trường tiêu thụ thịt lợn bản địa rất khả quan với tỷ lệ 71,8%. Theo đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, TP Hà Nội và các tỉnh khác như Phú Thọ, Nam Định, Hải Phòng là thị trường tiềm năng của lợn bản địa Đà Bắc. Đặc biệt, chỉ riêng nhu cầu của thị trường TP Hà Nội cũng đã rất lớn, nguồn cung chưa đáp ứng cầu.

Để thúc đẩy chăn nuôi lợn bản địa gắn với đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, Dự án Jica - Satreps đã tổ chức tập huấn về phát triển thị trường cho HTX và các tổ nhóm chăn nuôi, đào tạo kỹ năng vận hành nhóm liên kết cho các sáng lập viên. Thực hiện khảo sát và thời gian tới sẽ hỗ trợ triển khai xây dựng lò giết mổ, đầu tư tủ lạnh âm sâu tại xã Mường Chiềng, Cao Sơn. Tổ chức cho các hộ dân và thú y viên 6 xã đi thăm quan, học tập kinh nghiệm quy trình giết mổ, sơ chế đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội. Qua đó, học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để áp dụng thực tế, giúp nâng cao chất lượng thịt lợn bản địa, giữ niềm tin người tiêu dùng.        

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục