(HBĐT) - Xã Phú Vinh (Tân Lạc) có 7 xóm, 971 hộ, 4.244 nhân khẩu. Xã có xuất phát điểm thấp, xa quốc lộ, địa hình đồi núi khó canh tác, đồng bào dân tộc chiếm hơn 90%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28,1%. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã quan tâm, nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững cho người dân.
Gia đình anh Đinh Công Phước, xóm Kè Ưng, xã Phú Vinh (Tân Lạc) canh tác mía tím, ngô, kết hợp chăn nuôi lợn, gà đem lại thu nhập 50-60 triệu đồng/năm.
Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông, lâm nghiệp với các loại cây truyền thống như ngô, lúa... Do địa hình đồi núi, đất sản xuất hạn chế, thiếu nước tưới, giao thông đi lại khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức cao. Xã đã xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao sản lượng cây trồng, tạo bước chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân áp dụng KH-KT vào sản xuất, đổi mới kỹ thuật canh tác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Đồng chí Bùi Văn Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực sản xuất, áp dụng KH-KT, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, năng suất các loại cây truyền thống, xã tiếp tục cải tạo diện tích đất kém hiệu quả, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân trong sản xuất, giúp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương".
Từ năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức 3 lớp tập huấn thâm canh lúa, cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh cho nhiều lượt người. Trong năm 2019, toàn xã gieo trồng 224 ha lúa, sản lượng đạt 1.121,5 tấn, năng suất 50 tạ/ha; 417 ha ngô, sản lượng đạt 938,74 tấn, năng suất 23 tạ/ha; 110 ha sắn, năng suất 105 tạ/ha; mía tím được coi là cây trồng chủ lực với 270 ha, năng suất 730 tạ/ha. Các loại rau, lạc, khoai lang... đạt tổng diện tích 56 ha, cho năng suất, sản lượng ổn định. Trong quý I/2020, xã tổ chức gieo trồng 56 ha lúa, 200 ha ngô, 90 ha sắn, 170 ha mía...; các loại giống, vật tư nông nghiệp được đảm bảo tốt, thuận lợi cho việc gieo trồng. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, năng suất cây trồng, xã khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.
Tận dụng điều kiện đồi núi, xã phát triển chăn nuôi gia súc, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, chủ động phun khử trùng tiêu độc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện, tổng đàn trâu, bò của xã đạt 1.508 con, lợn 1.823 con, gia cầm 22.000 con, dê gần 1.000 con, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, tạo việc làm, đóng góp trong công cuộc phát triển KT-XH, xây dựng NTM của địa phương.
Anh Đinh Công Phước, xóm Kè Ưng cho biết: "Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Được sự vận động của cấp ủy, chính quyền xã về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, hiện gia đình tôi trồng 7.000 m2 mía, 5.000 m2 ngô, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà... Nhờ đó, thu nhập bình quân của gia đình đạt từ 50 - 60 triệu đồng/năm, thoát nghèo bền vững".
Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông phục vụ sản xuất, phát triển KT-XH, từ năm 2019 đến nay, xã vận động Nhân dân tổ chức nạo vét nhiều tuyến kênh mương, duy tu bảo dưỡng đường xóm Tớn Thưa. Từ nguồn vốn Chương trình 135 thực hiện cứng hóa 720 m đường đi xóm Thỏi Láo, 400 m đường xóm Giác, trong đó, Nhân dân đóng góp 30 triệu đồng và nhiều ngày công. Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,5% so với cùng kỳ (còn 28,1%).
Hoàng Anh
(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".
(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, nhằm nâng cao giá trị của rừng, Hòa Bình đã ban hành nghị quyết, xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được người dân khoanh nuôi bảo vệ chiếm tỷ lệ lớn, trong khi phí khoán bảo vệ và phí dịch vụ môi trường rừng được chi trả thấp khiến nhiều hộ dân chưa thực sự sống được nhờ rừng. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Hòa Bình mà còn là bài toán chung của nhiều tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay.
(HBĐT) - Chi phí chăn nuôi tăng, trong khi giá bán vẫn ở mức thấp khiến nhiều người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh gặp khó khăn. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để giảm chi phí, tránh thua lỗ.
(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Lương Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào khảo sát, nghiên cứu đề xuất đầu tư. Đến nay, huyện đã thu hút 23 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 307 triệu USD, chiếm 58,9% về dự án và chiếm 49,8% về vốn đăng ký so với toàn tỉnh.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao, hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành.
(HBĐT) - Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 3619/LĐTBXH-VP, ngày 31/8/2023 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.