(HBĐT) - Khoảng 16h40’ ngày 1/6, trên địa bàn huyện Cao Phong bất ngờ xảy ra mưa kèm dông lốc làm 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng; 25 nhà bị tốc mái (hư hỏng trên 70%) và thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu. Tổng thiệt hại ước khoảng 4,5 tỷ đồng. 



Lực lượng dân quân tự vệ xã Thu Phong (Cao Phong) giúp người dân khắc phục hậu quả do dông lốc gây ra. 

       
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, huyện đã huy động các lực lượng, chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân.

Mưa kèm dông lốc với cường độ mạnh gây thiệt hại lớn tại các xã: Thu Phong, Hợp Phong, Bắc Phong, Tây Phong và thị trấn Cao Phong. Trong đó, Thu Phong là xã chịu thiệt hại nặng nề nhất. Dông lốc làm 3 người ở xóm Bưng 1 bị thương vong. Trong đó, 1 người tử vong là chị Bùi Thị Miện (SN 1979), 2 người bị thương nặng là chị Bùi Thị Lảnh (SN 1968), Bùi Thị Thi (SN 1975). Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, tình hình sức khỏe của chị Bùi Thị Thi hiện đang nguy kịch, do bị tấm tôn văng vào đầu gây chấn thương sọ não, đang trong tình trạng hôn mê. Còn chị Bùi Thị Lảnh hiện đã tỉnh. Ngoài ra, toàn xã có 12 hộ bị tốc mái nhà (hư hỏng trên 70%). 14 hộ bị tốc mái từ 15 - 40 tấm proximăng, 26 nhà bị tốc từ 1 - 15 tấm proximăng. Dông lốc làm thiệt hại khoảng 5 ha hoa màu; thiệt hại 20 đàn ong của hộ ông Bùi Văn Thiết, xóm Đúng Thá; làm đổ gãy 6 cột đèn cao áp, 25 m tường bao tại xóm Bưng 1…

Ngay sau khi dông lốc xảy ra, chính quyền xã Thu Phong và người dân xóm Bưng 1 đã tới thăm hỏi, động viên, giúp gia đình chị Bùi Thị Miện lo hậu sự. Chị Bùi Thị Hòa, xóm Bưng 1 chia sẻ: Chiều 1/6, nhóm chúng tôi đi chăn trâu gồm 7 người. Trâu đang đằm dưới suối thì trời bỗng tối sầm kèm theo sấm chớp, dông lốc. Cứ nghĩ như mọi lần chúng tôi để trâu đằm xong mới cho về, không ngờ trên đường về dông lốc càng to. Chỉ còn cách nhà khoảng 70 m, bất ngờ thấy 1 tấm tôn bị gió lốc cuốn văng. Tôi cùng 3 người tránh vào gốc cây, khi dông lốc ngừng, chúng tôi không thấy các chị Bùi Thị Miện, Bùi Thị Lảnh, Bùi Thị Thi. Chúng tôi liền đi tìm thì thấy 3 chị bị thương nặng nằm dưới đất. Tôi cùng mọi người gọi người đến đưa đi cấp cứu. 

Đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã kịp thời tới thăm hỏi gia đình người tử vong và bị thương. Đồng thời, thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống cho người dân. Chủ động bố trí nơi ở cho những hộ bị tốc mái hoàn toàn. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã giúp Nhân dân tổ chức kiểm tra đồng ruộng, vườn, khẩn trương dựng lại diện hoa màu, cây cối có khả năng khắc phục được. Đối với diện tích mất trắng thì dọn dẹp đồng ruộng để trồng gối vụ, hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho kịp thời vụ.

Thời gian tới, các xã, thị trấn phải luôn sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn gia cố, tu sửa nhà cửa, công trình công cộng. Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với thiên tai, như gia cố nhà cửa, che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi. Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN cần bám sát địa bàn phụ trách, để tham mưu giúp UBND huyện làm tốt công tác phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, huyện đã triển khai các hoạt động hỗ trợ. UBND huyện hỗ trợ gia đình người tử vong 5,4 triệu đồng, hỗ trợ người bị thương 3 triệu đồng/người. UBND xã Thu Phong hỗ trợ gia đình có người tử vong 3 triệu đồng, hỗ trợ 2 triệu đồng/người bị thương. Cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện quyên góp hỗ trợ 10 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra…

Anh Bùi Văn Quang, xóm Bưng 1 chia sẻ: Dông lốc gây thiệt hại quá lớn cho người dân xã Thu Phong. Ngôi nhà tôi trong chốc lát bị cuốn bay. Ngay sau dông lốc, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong cùng các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Lực lượng dân quân xã, chiến sỹ của Ban CHQS huyện đến hỗ trợ gia đình dọn dẹp khắc phục hậu quả. Tôi rất cảm kích trước những việc làm ý nghĩa của mọi người.


Thu Thủy

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục