(HBĐT) - Những năm qua, nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít hộ dân ở huyện Cao Phong đã thoát nghèo. Không chỉ giảm nghèo bền vững, họ tiếp tục nhận được sự đồng hành của vốn chính sách để vươn lên làm giàu.

 


Gia đình bà Trần Thị Dinh, xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong) là một trong những hộ điển hình về sử dụng vốn vay hiệu quả.

Cùng cán bộ tín dụng chính sách Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Cao Phong, chúng tôi về xã Bắc Phong thăm quan một số mô hình kinh tế của bà con. Đã cán đích trong xây dựng nông thôn mới, bộ mặt làng quê Bắc Phong có nhiều đổi thay với sắc hoa rực rỡ dọc các con đường được cứng hóa sạch sẽ. Nhiều năm nay, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây có múi, Bắc Phong đâu đâu cũng là màu xanh ấm no của cam, bưởi. "Để có được những đổi thay như ngày hôm nay có công lớn của nguồn vốn vay ưu đãi đến từ NHCSXH”- ông Nguyễn Văn Quảng, xóm Dệ, xã Bắc Phong chia sẻ.

Ông Quảng là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Dệ. Hiện, tổ do ông quản lý có tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng, với 43 hộ vay vốn. Theo ông Quảng, trước đây, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo là lớn nhất; còn hiện nay, lớn nhất là chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. "Từ vốn vay của NHCSXH, bà con có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đầu tư cho chăn nuôi và trồng cam, bưởi. Nhờ sử dụng vốn hiệu quả, nhiều hộ vay không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, thu nhập ổn định. Điển hình như các hộ: Trần Thị Dinh, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Nghê, Bùi Văn Bịnh, Bùi Văn Khơi, Bùi Thị Niệu” - ông Quảng cho biết thêm.

Gia đình bà Trần Thị Dinh là một trong những hộ điển hình của xóm Dệ về sử dụng vốn vay hiệu quả. Bà Dinh cho biết, trước đây, gia đình bà được vay vốn hộ nghèo để đầu tư nuôi trâu, khi thoát khỏi diện hộ nghèo, gia đình bà tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo. Hiện, gia đình bà đang vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh của NHCSXH, sử dụng vốn vay đầu tư trồng cam, với diện tích gần 4.000 m2. Nhờ cần cù, chịu khó, vườn cam 6 năm tuổi đã đem lại cho gia đình bà Dinh nguồn thu nhập ổn định, bình quân 200 triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ có gia đình bà Dinh, những năm qua, đã có hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Cao Phong thoát nghèo bền vững nhờ sự đồng hành của vốn chính sách. Đồng chí Vũ Hoài Nam, Giám đốc PGD NHCSXH huyện cho biết: Với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 7%/năm (trên 20 tỷ đồng), vốn chính sách đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tiếp tục trở thành động lực cho người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 290 tỷ đồng, với hơn 7.600 hộ còn dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị được giao tăng trưởng vốn tín dụng gần 20,3 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 100% nguồn vốn tăng trưởng mới và nguồn vốn thu hồi; doanh số cho vay đạt trên 71 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, Hội ủy thác, tổ TK&VV đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tiền vay. Nhờ đó, nợ quá hạn, lãi tồn đọng đều giảm so với năm 2019; 6/10 xã, thị trấn có tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 100%; 9/10 xã, thị trấn không có nợ quá hạn; tất cả các xã, thị trấn không có nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng.

Có thể nói, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhất là nỗ lực của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cao Phong ngày càng được nâng cao. Vốn chính sách tiếp tục trở thành động lực quan trọng để hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng thụ hưởng khác có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

 Viết Đào 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục