Ngay từ đầu năm 2020 đến nay, quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là luôn điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị đồng Việt Nam; thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững.


Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.Ảnh:H.N 

Giảm lãi suất, hỗ trợ ngân hàng có nguồn vốn rẻ

Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Về chủ trương, NHNN rất muốn và cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chính vì vậy, trong điều hành, chúng tôi điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng, sẵn sàng cho vay tái cấp vốn, nếu các tổ chức tín dụng có nhu cầu nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ để cho doanh nghiệp, người dân vay. NHNN cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính của mình, tiết kiệm chi phí, kể cả lương thưởng, trả cổ tức tiền mặt, để có nguồn vốn rẻ hỗ trợ khách vay.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi sát kinh tế vĩ mô, "sức khỏe” và thanh khoản của hệ thống để đưa ra quyết định điều chỉnh các chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, để vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”.

Trao đổi với PV báo Lao Động, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho biết: "Động thái giảm lãi suất của NHNN là tích cực trong giai đoạn hiện nay”.

Việc giảm lãi suất sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, giúp các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Từ đó, có thể đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát.

Đánh giá về lần giảm lãi suất gần nhất của NHNN, TS Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, không bất ngờ với các quyết định giảm lãi suất của NHNN vì trước đó, lãnh đạo NHNN đã phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất khi điều kiện thị trường cho phép.

Hiện tại, lạm phát có xu hướng giảm, thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, trong khi tín dụng đang tăng trưởng thấp... Đây là cơ sở quan trọng để NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi nhất để các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, người dân vay, kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Việc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng theo đánh giá của giới chuyên môn là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện tại, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Theo TS Võ Trí Thành, lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế. Do vậy thời gian tới, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới.

Lãi suất dự báo tiếp tục ổn định

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo: "Trong 3 tháng cuối năm 2020, lãi suất tiếp tục ổn định nhờ ba yếu tố. Thứ nhất, NHNN tiếp tục việc hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống duy trì lãi suất ở mức thấp. Thứ hai, nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn (dự kiến 8%-9%). Thứ ba, tỉ giá duy trì xu hướng ổn định. Trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều sức ép tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, song dự kiến chỉ tăng nhẹ khi NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt để hỗ trợ phục hồi kinh tế”.

TS Võ Trí Thành dự báo từ nay đến cuối năm, khả năng hạ lãi suất thêm lần nữa dù vẫn còn nhưng khó xảy ra nếu quá trình phục hồi kinh tế cả trong nước và thế giới tốt hơn.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.

Tính đến tháng 7.2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%), và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.


Theo Báo Lao động 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục