(HBĐT) - Từ xa xưa, dầm xanh là loài cá quý mà bất cứ người nào cũng mong đánh bắt được khi ra sông, suối quăng chài, thả lưới. Thế nhưng, loài cá thơm ngon này lại chỉ sinh sản, sinh trưởng ngoài tự nhiên. Thế mà, gần 20 năm qua, người dân ở xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) đã nuôi và chúng đã "chịu” sinh sản trong ao.


Với làn nước mát lạnh quanh năm là điều kiện thuận lợi để người dân xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) phát triển nuôi loài cá quý. 

Người Mường ở xã Nhân Mỹ và nhiều xã trên địa bàn huyện Tân Lạc gọi cá dầm xanh là cá pỏong (khi cá còn nhỏ), cá puôm (khi cá lớn). Đây là loài cá quý, thịt chắc, thơm ngon, xưa kia là một trong những sản vật được săn bắt để tiến vua. Trên địa bàn tỉnh, cá dầm xanh được nuôi nhiều ở một số xã thuộc huyện Mai Châu, nhất là ở xã Vạn Mai. Tuy nhiên, loài cá này chỉ sinh sản ở ngoài tự nhiên, vào khoảng tháng 3, tháng 4, người dân Mai Châu thường ra sông Mã vớt cá về nuôi trong ao. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là, ở Nhân Mỹ, cá dầm xanh lại "chịu” sinh sản trong ao.

Hơn 20 năm nuôi loài cá quý

Suối Cái là con suối lớn chảy qua nhiều xã thuộc địa bàn của huyện Tân Lạc, một trong những thượng nguồn của con suối này có nhánh chảy ra từ con suối nhỏ thuộc xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ. Dòng suối trong vắt, nước chảy bốn mùa và mát lạnh từ lâu đã tạo nên thắng cảnh thác Trăng nổi tiếng. Tận dụng nguồn nước dồi dào này, người dân trong xóm đã đào ao thả cá. Theo chân Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Mỹ Bùi Thị Luyến, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Chính, người đang nuôi hàng nghìn con cá dầm xanh. 

Gia đình anh Chính có 2 ao, 1 ao ngay trước nhà còn 1 ao ở trên thượng nguồn suối Cái. Để đảm bảo môi trường cho loài cá quý phát triển, anh Chính dùng ti ô dẫn nước từ suối Cái về. Nước chảy vào, chảy ra liên tục nên ao cá trong xanh, mát lạnh quanh năm. Anh Chính vừa vãi thức ăn, hàng nghìn con cá dầm xanh trọng lượng từ vài gam đến nửa cân thi nhau đớp. Đây đều là cá tự sản sinh trong ao.

Kể về quá trình nuôi loài cá quý, anh Chính cho biết: 15 năm trước, ông nội quá cố trong một lần ra suối bắt cá đã vớt được những con cá dầm xanh kích thước nhỏ như cái tăm, quyết định đem về thả nuôi trong ao. Hơn chục năm qua, thấy cá phát triển, mỗi năm, gia đình anh lại ra suối vớt thêm cá giống về nuôi để cải thiện bữa ăn. "Cá dầm xanh có hình dáng, màu sắc rất đẹp nên gia đình để mấy chục con nuôi lâu năm. Thật bất ngờ, hai năm trước, những con cá dầm xanh trên 15 năm tuổi đã sinh sản ngay trong ao. So với những giống cá khác, loài cá này ăn tạp, kháng bệnh tốt. Cá mẹ được nuôi ở ao riêng, còn ao trước nhà là cá con chúng tôi chuyển từ ao cá sinh sản về” - anh Chính cho biết thêm. 

Từ khi biết tin cá dầm xanh nhà anh Chính sinh sản, nhiều bà con ở xóm Trăng Tà đã đến mua con giống về nuôi. Ngược lên trên, chúng tôi đến thăm ao cá của gia đình ông Bùi Hồng Phong. Gia đình ông Phong cũng có 2 ao nằm liền kề như bậc thang. Ao nhỏ hiện nuôi trên 50 con cá dầm xanh trọng lượng từ 2 - 3 kg/con, ao rộng có trên 400 con cá dầm xanh lớn nhỏ cùng hàng trăm con cá trắm, trôi, mè. Theo ông Phong chia sẻ, khi tách ra nuôi riêng cá dầm xanh mới sinh sản. So với giống cá khác, dầm xanh phát triển chậm hơn, nuôi 5 năm mới đạt trọng lượng từ 2 - 3 kg. Bù lại, thịt cá thơm ngon hơn tất cả các loại cá nuôi ở  địa phương.

Triển vọng về mô hình nuôi cá "tiến vua" 

Gia đình ông Phong, anh Chính là 2 trong 3 hộ ở xã Nhân Mỹ có cá dầm xanh sinh sản khi nuôi trong ao. Từ khi cá sinh sản, đã có hàng nghìn con giống được bán ra thị trường, có giá 20.000 đồng/con. Với cá dầm xanh thương phẩm, bà con bán 250.000 đồng/kg. "Mặc dù giá cao hơn nhưng hiện cung không đủ cầu. Nhiều người muốn mua con giống, cũng như cá thịt chúng tôi chưa đáp ứng được. Trong thời gian tới, gia đình tiếp tục tăng số lượng cá giống để nuôi trong ao” - anh Bùi Văn Tân, con trai ông Phong chia sẻ.

Đồng chí Bùi Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Mỹ cho biết: Cá dầm xanh ngoài tự nhiên ngày càng ít dần. Trong xã cũng nhiều xóm có diện tích ao để thả cá, nhưng chỉ xóm Trăng Tà có điều kiện phù hợp để nuôi cá dầm xanh. Từ khi một số hộ vớt cá về nuôi đến nay, số lượng loài cá này tăng đáng kể. Cá nuôi đã sinh sản trong ao nên cung cấp nhiều cá giống cho bà con. Đây cũng là việc làm góp phần bảo tồn giống cá quý, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng, giúp người dân nâng cao thu nhập, nhất là ở xóm Trăng Tà. 

Năm Tân Sửu 2021 đã gõ cửa, trong mâm cỗ ngày Tết của hộ dân ở xóm Trăng Tà, ngoài thịt lợn, thịt gà còn có món cá "tiến vua” đãi khách và dâng lên tổ tiên. Nếu được hỗ trợ, định hướng phát triển, nuôi cá dầm xanh ở thượng nguồn suối Cái có thể trở thành hướng phát triển kinh tế giúp khai thác được tiềm năng thiên nhiên ban tặng cho bản Mường xinh đẹp này.


 Viết Đào

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục