(HBĐT) - Giá cả hợp lý, đón tại nhà, trả đúng địa điểm là những tiện ích khiến dịch vụ "xe ghép” được nhiều người dân lựa chọn. Vì thế, dù mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh hơn 2 năm, song loại hình dịch vụ này lại phát triển khá mạnh mẽ, với hàng trăm đầu xe hoạt động thường xuyên.



Chỉ cần vào mạng facebook, gõ cụm từ tìm kiếm "Xe ghép Hòa Bình” hay "Xe chung Hòa Bình” sẽ nhận được hàng chục kết quả khác nhau. 

Nở rộ dịch vụ "xe ghép”

Dịch vụ "xe ghép” trên địa bàn tỉnh hiện được quảng cáo khá rầm rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần vào trang cá nhân zalo, facebook, gõ cụm từ tìm kiếm "Xe ghép Hòa Bình” hay "Xe chung Hòa Bình” sẽ nhận được hàng chục kết quả khác nhau.

Chị Tạ Thị Vy, tổ 5, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), một người thường xuyên sử dụng dịch vụ "xe ghép" để đi Hà Nội cho biết: "Rất dễ để đặt được một chuyến xe ghép khi có nhu cầu. Chỉ cần vào facebook, lựa chọn một nhà xe, gửi yều cầu về thời gian, địa điểm muốn đến và số điện thoại sẽ nhận được cuộc gọi đến hoặc tin nhắn để chốt chuyến. Chỉ với 150 nghìn đồng/lượt, tôi được đón tận nhà và đưa đến nơi cần đến. Khi về, đúng giờ hẹn lái xe đón chở về tận nhà".

So với các loại hình vận tải hành khách truyền thống, dịch vụ "xe ghép" có nhiều lợi ích về giá cả và sự tiện lợi. Cụ thể, nếu như đi taxi từ TP Hòa Bình đến Hà Nội và ngược lại, hành khách phải trả từ 500 - 600 nghìn đồng/lượt, thì khi sử dụng dịch vụ "xe ghép", số tiền bỏ ra khoảng 150 nghìn đồng/lượt. Còn với loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định như xe khách, xe bus…, thì "xe ghép" có giá cao hơn nhiều. Đơn cử như đi xe bus Hòa Bình - Yên Nghĩa, giá 50.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, thay vì phải đến bến để chờ xe, dịch vụ "xe ghép" đón hành khách tại nhà và trả tận điểm muốn đến, đảm bảo trong khung thời gian hành khách cần. 

Không chỉ tiện cho hành khách, dịch vụ xe ghép còn mang lại nhiều lợi ích cho cả lái xe. Anh Phạm Văn D., một lái "xe ghép" ở phường Dân Chủ  (TP Hòa Bình) cho biết: Trước đây, tôi lái xe hợp đồng cho một đơn vị, từ cuối năm 2019 tôi chuyển sang chạy dịch vụ "xe ghép", chuyến Hòa Bình - Hà Nội. Việc chạy "xe ghép" giúp tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn, lượng khách dồi dào, tôi thường xuyên đủ khách cả 2 lượt đi và về, tiết kiệm được tiền xăng, chi phí nên thu nhập hàng tháng cũng cao hơn. Mỗi ngày, tôi chạy được 2 chuyến Hòa Bình - Hà Nội và ngược lại, trừ chi phí, có thể bỏ túi  từ 700 - 800 nghìn đồng/ngày.

Dịch vụ "xe ghép" bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2018. Do nhu cầu của khách hàng tăng nhanh nên dịch vụ này ngày càng phát triển mạnh. Chỉ tính riêng địa bàn TP Hòa Bình hiện có khoảng 200 đầu xe làm dịch vụ này. Để san sẻ hành khách cho nhau và thuận tiện hơn trong việc ghép chuyến, thay vì hoạt động độc lập như khi mới hình thành, các chủ xe ghép đã liên kết với nhau để thành lập các hội, nhóm. Mỗi hội, nhóm "xe ghép" có từ 5 - 15 đầu xe với các loại xe từ 4 - 7 chỗ.

Anh Phạn Văn D. cho biết thêm: Nhóm "xe ghép” của tôi có 7 đầu xe chạy tuyến Hòa Bình - Hà Nội. Các xe trong nhóm đều có quyền nhận khách. Tuy nhiên, tùy vào thời gian, vị trí hành khách muốn đến, trưởng nhóm sẽ bố trí các xe chạy sao cho phù hợp, đảm bảo hành khách không phải chờ lâu.
"Xe ghép” ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Hoạt động của "xe ghép” ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đó là thực trạng đã kéo dài nhiều năm qua. Với các loại xe từ 4 - 7 chỗ, tất cả đều mang biển kiểm soát nền trắng, chữ và số màu đen như xe gia đình bình thường. Chở khách đi và đón khách về, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra, các lái xe đều có chung câu trả lời "chở người nhà đi du lịch, về quê, thăm người ốm, thăm họ hàng hoặc đi chơi”. Do giấy tờ đầy đủ, chở đúng số người theo quy định, tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ nên lực lượng chức năng không có lý do gì để "bắt bẻ”, xử lý. 
Không hề giấu giếm, lái "xe ghép” Nguyễn Văn N. ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: "Sau khi đón đủ khách, chúng tôi phải hỏi và nhớ kỹ họ tên, địa chỉ từng người. Đồng thời thống nhất với hành khách, nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra phải trả lời là người nhà hoặc bạn thân, khai đúng tên theo căn cước công dân. Đó là "bí quyết” khi đi đường vì không ít trường hợp Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông kiểm tra và hỏi rất kỹ từ lái xe đến hành khách.

 Trong thực tế, không có "xe ghép” nào có đăng ký kinh doanh chở khách. Với các loại xe từ 4-7 chỗ, tất cả đều mang biển kiểm soát nền trắng, chữ và số màu đen như xe gia đình bình thường. Giá từng chuyến đi do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, bình thường 150.000 đồng/lượt. Các dịp cao điểm như lễ, Tết nhu cầu tăng cao, các chủ xe tăng giá lên 200.000 đồng/lượt (đương nhiên là không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống). Chính vì vậy, từ khi xuất hiện "xe ghép” đến nay, ngành Thuế vẫn "bất lực” vì không thể phân biệt được đâu là xe ghép, đâu là xe gia đình.

Theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước... Tuy nhiên, các cá nhân kinh doanh dịch vụ xe ghép "núp bóng” xe gia đình lại không phải thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, không phát sinh thêm chi phí bến, bãi có thể cung cấp dịch vụ với giá rất rẻ. Điều này, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống nói chung và xe khách theo tuyến cố định nói riêng. 

Anh Đặng Văn Lâm, một lái xe taxi lâu năm ở TP Hòa Bình cho biết: Hiện nay, một xe cá nhân được nhượng lại thương hiệu, lô gô, bộ đàm của hãng taxi như tôi đang phải nộp NSNN bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/năm, gồm: Tiền thuế môn bài, tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, với số lượng lên đến hàng trăm đầu xe, nếu quản lý được thì mỗi năm ngân sách của tỉnh sẽ được bổ sung thêm vài tỷ đồng từ loại hình kinh doanh dịch vụ này. Ngoài ra, dịch vụ vận tải này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hành khách. Do không đăng ký kinh doanh, không thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải nên nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn, hành khách sẽ không được bảo vệ và giải quyết quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Trong thực tế, đến nay, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể để định danh loại hình dịch vụ "xe ghép” nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Thực trang đó cho thấy, để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, chống thất thu thuế kinh doanh vận tải, đảm bảo an toàn cho hành khách sử dụng dịch vụ, việc sớm đưa loại hình dịch vụ "xe ghép” vào khuôn khổ pháp luật là hết sức cần thiết.

Đ.P

Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục