(HBĐT) - Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế. Việc thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt là tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh lây lan ngày càng nhanh, với nhiều chủng mới nguy hiểm, khó lường hơn. Trong suốt 2 năm qua, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản, lâm vào cảnh nợ nần, nhiều lao động mất việc làm. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch (PCD), bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT - XH trong trạng thái bình thường mới – đó là mục tiêu xuyên suốt mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện. 





Vừa qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ký kết hợp đồng vay vốn cho 3 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. 

Trong bối cảnh DN, người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách đồng hành cùng DN và người dân. Trong đó, nổi bật là gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”. Gần đây nhất là gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây thực sự là "phao cứu sinh” cho DN và người dân trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Thời gian qua, các DN, người lao động trên địa bàn tỉnh quan tâm đến gói cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động và phục hồi sản xuất. Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các ngành hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như tiếp cận các DN để khẩn trương triển khai chính sách rất nhân văn này. Tuy nhiên, đến nay, mới  có 3 DN trên địa bàn tỉnh được giải ngân vốn vay, với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Qua rà soát của ngành chức năng, hiện, toàn tỉnh có trên 3.000 DN, với trên 72 nghìn lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến 9 DN không thể cầm cự phải dừng hoạt động, 75 DN có lao động phải ngừng việc. Con số đó cho thấy, nhu cầu của DN được tiếp cận gói hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68 là rất lớn. 

Ghi nhận thực tế, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN hoạt động cầm chừng, phải xoay xở để trả lương và giữ chân người lao động. Do đó, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng với DN lúc này. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh mong mỏi được tiếp cận vốn vay nhanh nhất. Hiện, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nên dự báo, DN sẽ còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn phía trước, như gánh nặng về trả lương cho người lao động, trả nợ ngân hàng. Do đó, ngoài mong muốn việc triển khai nhanh gói hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68 kịp thời hơn, cộng đồng DN cũng bày tỏ tiếp tục được hỗ trợ vay mới, giãn, hoãn nợ... 

"Triển khai chậm là có lỗi với dân” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam diễn ra vào ngày 15/7 vừa qua. "Người dân đang rất khó khăn, đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Không chờ hết dịch, hết giãn cách mới bắt đầu hỗ trợ, các địa phương phải triển khai ngay" - Thủ tướng chỉ đạo.

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực tế triển khai các gói an sinh xã hội trong thời gian qua, có thể thấy, yếu tố "kịp thời” vẫn là vấn đề chưa được thực hiện tốt. Do đó, các ngành chức năng cần quan tâm triển khai nhanh hơn, trách nhiệm hơn để chính sách hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Để nhiều DN được hưởng lợi, được tiếp thêm liều "vắc xin” trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. DN "khỏe” thì kinh tế đất nước mới phát triển, người lao động mới có việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. 

Viết Đào

Các tin khác


Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục