(HBĐT) - Với sự chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thường xuyên, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC) của Hòa Bình nằm trong top những tỉnh, thành phố có kết quả giải ngân cao của cả nước với tỷ lệ đạt 96%, tăng hơn 20% so với năm trước.


Năm 2021, quốc lộ 70B, đoạn qua xã Yên Mông (TP Hòa Bình) được bố trí nguồn vốn cải tạo, nâng cấp, góp phần thúc đẩy liên kết vùng.

Kế hoạch ĐTC vốn NSNN năm 2021 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao 3.512,6 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn đã được HĐND tỉnh thông qua 3.817,5 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu xổ số kiến thiết giao tăng 2 tỷ đồng, vốn đầu tư khác tăng 170 tỷ đồng, nguồn thu sử dụng đất tăng 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn năm 2019 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2021 là 65,305 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn năm 2020 nguồn vốn ngân sách T.Ư được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2021 là 425,111 tỷ đồng.

Báo cáo tại cuộc họp mới đây của UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Năm qua, thực hiện GNVĐTC của tỉnh có nhiều khó khăn do kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công đến ngày 30/9 mới được giao chi tiết; ngoài ra, các dự án chuyển tiếp đã quá thời hạn bố trí vốn thuộc lĩnh vực AN-QP được giao vốn muộn (ngày 1/11/2021) đã làm giảm tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch TTCP giao. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng khi nhiều hoạt động bị gián đoạn, ngưng trệ, giá vật liệu xây dựng tăng cao… ảnh hưởng đến chi phí, tiến độ, tăng rủi ro cho các dự án. Các dự án ODA phải điều chỉnh chủ trương, gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay mất nhiều thời gian... Có những dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và các chủ đầu tư (CĐT) nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong GNVĐTC. Tổ công tác đã tiến hành các cuộc kiểm tra đối với những dự án quan trọng, dự án chậm giải ngân, còn nhiều vướng mắc, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục. Định kỳ, UBND tỉnh tổ chức họp với các CĐT để rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn khi triển khai thực hiện, GNVĐTC. Đối với các dự án chưa thể triển khai thực hiện, giải ngân ngay hoặc dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2021 để bổ sung cho các dự án đang triển khai thực hiện, có khả năng giải ngân tốt và hoàn ứng trước ngân sách tỉnh.

Với sự chỉ đạo sát sao và các giải pháp linh hoạt, GNĐTC vốn NSNN năm 2021 đạt khá cao. Tính đến ngày 31/1/2022, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân 3.372 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch TTCP giao, đạt 88% kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao chi tiết cho các dự án. Trong đó, VĐT trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 2.243,8 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch TTCP giao, đạt 91% kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án; vốn ngân sách T.Ư trong nước giải ngân 1.128,2 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch TTCP giao; vốn ODA giải ngân 352,4 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch vốn giao. Kết quả giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2021 của tỉnh cao hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (ước tỷ lệ giải ngân 13 tháng của cả nước là 93,5%). Một số chương trình, dự án giải ngân đạt và vượt kế hoạch vốn TTCP giao như: Vốn đầu tư từ thu sử dụng đất đạt 100%, nguồn thu từ xổ số kiến thiết đạt 114%.

GNVĐTC có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, do vậy luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đặc biệt năm nay được xem là năm tăng tốc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN của tỉnh được TTCP giao 3.393,9 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua 4.192,1 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ và giao chi tiết đến từng dự án số vốn 3.823,6 tỷ đồng. Số vốn chưa giao chi tiết 369,2 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho các dự án thuộc Đề án phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà hiện đang chờ TTCP giao kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Việc phân bổ chi tiết kế hoạch VĐTC năm 2022 được thực hiện ngay sau khi có quyết định giao vốn của TTCP, đồng thời giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật ĐTC. Điều này giúp các CĐT chủ động được kế hoạch thực hiện dự án và giải ngân.

Để GNVĐTC năm 2022 đạt kết quả cao nhất, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chỉ đạo: "Các sở, ngành, địa phương được giao vốn tập trung giải ngân ngay từ đầu năm để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, bởi giải ngân sớm thì vòng quay sẽ nhanh, tác động vào tăng trưởng. Năm qua, kết quả GNVĐTC của tỉnh đạt cao. Năm 2022, tỉnh phải đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân cao hơn, tối thiểu tăng 3% so với năm 2021. Cần tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, trước hết là các công trình giao thông như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu, Hòa Bình - Kim Bôi, đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ nối quốc lộ 6 và các công trình khác. Về thủy lợi có công trình kênh mương dẫn nước hồ Cánh Tạng. Ngành y tế quan tâm đến vốn đầu tư cho 2 trung tâm y tế và 46 trạm y tế xã... Có thêm vốn là có công trình, vì vậy các cấp, các ngành phải hết sức quan tâm và tăng thêm trách nhiệm để giải ngân cho được nguồn vốn giao".

Hoàng Nga

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục