(HBĐT) - Thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ (NNHC), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 519/QĐ-UBND, ngày 8/7/2019 thành lập tổ công tác phát triển NNHC. Đồng thời, ban hành Công văn số 1047/UBND-NNTN, ngày 30/12/2019 chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án phát triển NNHC tỉnh và Quyết định số 2987/QĐ UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển NNHC tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Theo rà soát, huyện Kim Bôi có diện tích sản xuất hữu cơ trong trồng trọt khoảng 640 ha. Ảnh: Người dân xã Tú Sơn chăm sóc cây ăn quả.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 9 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, 1 HTX và 1 liên nhóm chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS trong trồng trọt, 1 doanh nghiệp chăn nuôi chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, chưa có chứng nhận hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể: Có 4 HTX, 2 tổ hợp tác và 1 công ty trồng rau các loại được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, diện tích 17,1 ha, sản lượng 335 tấn/năm. 1 HTX và 1 nông trại trồng quả các loại (cam, bưởi) được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, quy mô 23,8 ha, sản lượng 413 tấn. 1 liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Lương Sơn (quản lý 18 nhóm, 1 hộ chăn nuôi gà) chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS trong trồng trọt, diện tích  15,4 ha, sản lượng 200 tấn, sản phẩm là rau các loại; đang trong thời gian chuyển đổi với diện tích 2,7 ha chứng nhận PGS và 80 ha chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam. 1 doanh nghiệp chăn nuôi lợn chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ nước ngoài (Nhật Bản) diện tích 0,5 ha, sản lượng thịt lợn từ 23,4 - 30 tấn, sản phẩm trứng gà 4,2 tấn. 

Các sản phẩm NNHC được tiêu thụ tương đối tốt, các sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội, đối với sản phẩm thịt lợn giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, sản phẩm rau hữu cơ đồng giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, sản phẩm quả hữu cơ (bưởi đỏ Tân Lạc) giá bán từ 25.000 đồng/kg (từ 1 - 1,2 kg/quả); sản phẩm cam giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. 

Việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cơ bản thông qua các hợp đồng, như: sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn tiêu thụ qua hợp đồng với Công ty Vinagap, Tâm Đạt, Tràng An, Bavifam, Ecomar và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại Hòa Bình; sản phẩm quả hữu cơ (bưởi Tân Lạc) bán qua hợp đồng với Công ty Bác Tôm, Tâm Đạt; sản phẩm thịt lợn được tiêu thụ thông qua các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Orfarm, cụm công nghiệp Hà Bình Phương. 

Đến nay, tỉnh đã xác định được các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm ưu tiên thực hiện chuỗi giá trị, như: Cây ăn quả có múi tổng diện tích 10.700 ha, diện tích kinh doanh 7.400 ha, sản lượng 150.000 tấn; cây rau tổng diện tích 12.878 ha, năng suất 5,34 tấn/ha, sản lượng 191.650 tấn/năm; mía ăn tươi tổng diện tích 5.342 ha, năng suất 69 tấn/ha, sản lượng 369.615 tấn; cây dược liệu, hương liệu tổng diện tích 1.689 ha, năng suất 6,59 ha, sản lượng 11.135 tấn... 

Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã rà soát, xác định vùng, khu vực sản xuất hữu cơ trong trồng trọt của 7/10 huyện, thành phố, trong đó, tổng diện tích có khả năng sản xuất trồng trọt hữu cơ được đề xuất là 3.197,5 ha (huyện Đà Bắc 982 ha; Lạc Thuỷ 679,5 ha; Kim Bôi 640 ha; Tân Lạc 328,5 ha; Lạc Sơn 267 ha; Yên Thuỷ 80 ha và TP Hoà Bình 220,5 ha). Các cây trồng đề xuất sản xuất hữu cơ đa dạng gồm: Gạo đặc sản, cây có múi (cam, bưởi), rau các loại, chuối, mía tím, thanh long, cây dược liệu, na, gùng, khoai sọ... Diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam và chứng nhận PGS của tỉnh tăng từ 9,8 ha năm 2018 đến nay lên hơn 66,3 ha.

Với lợi thế là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng và vật nuôi đặc sản thế mạnh; nhiều vùng, khu vực sản xuất có đất đai màu mỡ, nguồn đất, nguồn nước không bị ô nhiễm, cách biệt với nguồn ô nhiễm từ bên ngoài, đảm bảo để sản xuất canh tác hữu cơ... là những thuận lợi cho sản xuất NNHC của tỉnh. Tuy vậy, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn khiêm tốn, các khu vực sản xuất hữu cơ bước đầu ở dạng mô hình, diện tích sản xuất nhỏ, đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm; việc đầu tư công lao động trong sản xuất hữu cơ khá cao, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, khó huy động được nguồn nhân lực...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án phát triển NNHC tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất NNHC; thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt sản xuất trồng trọt hữu cơ; ban hành các tiêu chuẩn cơ sở sản xuất trồng trọt hữu cơ đối với cây trồng chưa ban hành tiêu chuẩn quốc gia, làm căn cứ sản xuất trồng trọt hữu cơ bền vững; uu tiên các cây trồng như: Cây có múi, cây dược liệu... Tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, mở rộng và chứng nhận diện tích sản xuất hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Tập trung các cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như: nhóm cây có múi, nhóm rau ăn lá, nhóm rau ăn quả, mía, chè, chuối, thanh long, gạo đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Song song với đó là đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các điểm bán sản phẩm hữu cơ.


V.H

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục