(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 119 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp (chiếm 29,38%). Trong đó có 34 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 7 HTX xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, 13 HTX điện năng, 11 HTX giao thông vận tải, 5 HTX vệ sinh môi trường, 49 HTX thương mại - dịch vụ. Các HTX phi nông nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn để khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.


HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) hiện thiếu máy móc để mở rộng sản xuất và rất mong được các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ. 

Tuy nhiên, nhiều HTX phi nông nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, chính sách thuê đất làm xưởng sản xuất; máy móc, trang thiết bị lạc hậu; đội ngũ lao động trẻ có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ thấp…  

Anh Nguyễn Sơn Tùng, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Ngọc Lương (Yên Thủy) cho biết: HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Ngọc Lương được thành lập từ năm 2012. HTX có 9 thành viên, số khách hàng sử dụng dịch vụ điện năng hơn 3.200 hộ. Doanh thu năm 2022 ước đạt trên 14,9 tỷ đồng; lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng, thu nhập thành viên từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Hiện tại, nhu cầu sử dụng điện năng của người dân ngày càng tăng, các hộ gia đình có nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, trong khi đó số lượng trạm biến áp của HTX không tăng. Vì thế, công suất, chất lượng điện chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, đặc biệt là trong mùa nắng nóng gây tổn thất cho HTX. Theo nguyên tắc, bán kính trạm biến áp sử dụng trong 500 m nhưng thực tế có nhiều hộ cách trạm biến áp bán kính tới 2 km. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ HTX đầu tư nâng cấp đường truyền và trạm biến áp. 

Qua khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, hiện đa số các HTX điện năng đều gặp khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp đường truyền và trạm biến áp. Ngoài ra, thành viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu qua đào tạo chứng chỉ nghề điện nông thôn; việc áp dụng công nghệ số trong giao dịch giữa các HTX và hộ dân còn hạn chế. 

 34 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn các nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Song, đa số máy móc, trang thiết bị còn lạc hậu, HTX thiếu đất để xây dựng nhà xưởng, trụ sở giao dịch… 

HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) hoạt động khá hiệu quả, các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Pháp. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX, hiện tại, HTX còn hạn chế về vốn, chưa tiếp cận được các máy móc công nghệ cao, chưa có đất để mở rộng nhà xưởng. HTX đang có nhu cầu xây dựng nhà xưởng rộng 1.000 m2, nhà trưng bày diện tích 300 m2 và nhà kho 500 m2; tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Đối với máy móc cần thêm 10 máy may, 2 máy là, 10 khung cửi; kinh phí khoảng 280 triệu đồng. Do đó, mong các cấp, ngành, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ HTX thuê đất để xây dựng nhà xưởng, nhà trưng bày; hỗ trợ vốn vay, đào tạo tay nghề cho lao động và cán bộ HTX.

Trước những khó khăn các HTX phi nông nghiệp đang đối diện, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách phát triển HTX phi nông nghiệp. Tại hội nghị, các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh đã thảo luận, trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hiện nay như: Đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng các trạm biến áp; sử dụng hóa đơn; trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế; quy trình, thủ tục, chính sách hỗ trợ thuê đất; quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải…

Đồng chí Trịnh Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thời gian tới, nhằm hỗ trợ HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu, bổ sung hoàn thiện một số cơ chế, chính sách liên quan đến vốn vay ưu đãi; cải tạo cơ sở vật chất; đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đưa lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học phù hợp với nhu cầu, lĩnh vực hoạt động của HTX. Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng các dự án đổi mới công nghệ, khai thác nguồn vốn từ quỹ khuyến công cho các HTX làng nghề, thủ công mỹ nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên, cán bộ HTX tăng cường ứng dụng công nghệ, giao dịch thương mại điện tử vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh…


Thu Thủy


Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục