(HBĐT) - Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) lâu đời của tỉnh như làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; rượu Mai Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu); làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy); chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)… được bảo tồn và phát triển. Mỗi khi Tết đến, xuân về, không khí lao động của bà con trong làng nghề nhộn nhịp, khẩn trương.


100% sản phẩm thổ cẩm của làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) được dệt thủ công.

Đến làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, chúng tôi được chứng kiến các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi. Qua đôi tay khéo léo, từng sợi chỉ được đan xen rực rỡ, tạo nên những tấm thổ cẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái. Người con gái Thái từ thuở lên 10 đã học các bà, các mẹ dệt thổ cẩm, họ chính là hạt nhân tạo nên sức sống mãnh liệt của nghề dệt truyền thống. Theo thời gian, nghề dệt truyền thống của người Thái được bà con xóm Chiềng Châu giữ gìn, phát triển và trở thành nghề chính của phụ nữ. Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu dành tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng đối với nghề dệt. Chị không sợ thất bại, không sợ khó khăn, bôn ba khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Chị Oanh chia sẻ: Từ đầu tháng 11 năm trước, các sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu gần như hết hàng. Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi phải huy động chị em làm thêm giờ. Cùng với đó, HTX liên kết với các hộ trong làng nghề nhằm đáp ứng lượng hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt năm nay ngành du lịch phục hồi, dự báo lượng khách trong nước và quốc tế đến với bản Lác Mai Châu sẽ tăng, nhu cầu mua các sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống sẽ tăng theo.

Cùng với nghề dệt truyền thống, Mai Châu còn nổi tiếng với làng nghề nấu rượu Mai Hạ. Thời điểm cuối năm, không khí lao động tại xóm Chiềng Hạ - nơi khởi nguồn của rượu Mai Hạ tất bật, hối hả. Mọi người cẩn thận mở nắp từng chiếc chum ủ rượu để đóng chai, dán tem nhãn, từng chai rượu được đóng trong hộp sang trọng để gửi đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phục vụ Tết Nguyên đán. 



Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) sáng tạo nhiều sản phẩm mới phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Theo chia sẻ của bà con trong xóm, họ không biết nghề nấu rượu có từ bao giờ, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau bảo tồn nghề nấu rượu truyền thống của cha ông. Bản sắc dân tộc là yếu tố then chốt làm nên thương hiệu rượu Mai Hạ. Men để nấu rượu là các loại lá cây do người dân tự hái, gồm hơn chục loại lá khác nhau như: riềng dại, gừng, ổi, hồng bì, bưởi... được rửa sạch, phơi khô, giã nhỏ thành bột rồi trộn với bột gạo và bột sắn làm men. Tỷ lệ các loại lá phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thì hương vị, độ đậm của rượu mới thơm ngon. Cùng với sự độc đáo của men, bà con nơi đây sử dụng sắn để nấu rượu chứ không dùng gạo. Sắn được phơi khô, đập nhỏ ngâm vào nước, sau đó vò và đãi sạch rồi trộn đều với trấu gạo, đem đồ chín. Khi sắn đã đồ chín, hong đều ra các nia, mẹt để nguội ủ với men, sau đó cho vào chum sành ủ khoảng 1 tháng thì mang ra chưng cất.

Ông Ngần Văn Hùng, Bí thư chi bộ xóm Chiềng Hạ phấn khởi: Hầu hết tất cả các hộ trong xóm Chiềng Hạ đều giữ gìn nghề truyền thống. Rượu Mai Hạ là món quà biếu không thể thiếu của người dân trong xã dành cho khách quý. Năm 2019, sản phẩm rượu Láu Siêu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn trong xóm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề nấu rượu xóm Chiềng Hạ. Năm 2022, từ tháng 9, bà con trong làng nghề đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu rượu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão. Chỉ riêng hộ kinh doanh Vì Thị Tồn dự kiến cung cấp ra thị trường dịp Tết khoảng 6.000 - 7.000 lít rượu (gấp 1,5 lần so với năm trước). 

Rời Mai Châu, chúng tôi tới làng nghề chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Có lẽ sau mấy năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các mặt hàng gỗ lũa của làng nghề khó tiêu thụ; năm nay, niềm vui, sự hối hả trở lại trên những khuôn mặt của các nghệ nhân chế tác gỗ lũa. Năm 2022, 53 cơ sở sản xuất trong làng nghề xóm Đoàn Kết đã nhận được nhiều đơn hàng từ khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, từ tháng 8, các cơ sở tất bật sáng tạo tác phẩm để phục vụ đơn đặt hàng dịp Tết. Anh Đoàn Xuân Thành, Trưởng làng nghề cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hàng Tết của người dân tập trung vào hàng mỹ nghệ, gỗ lũa để trồng lan hồ điệp. Đối với các sản phẩm gỗ lũa sử dụng để trồng lan chơi Tết có giá từ 2 triệu đồng trở lên; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ giá từ vài triệu tới vài trăm triệu đồng. Thị trường tiêu thụ của làng nghề chủ yếu ở trong nước. Làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động thường xuyên. Một số cơ sở có thu nhập từ 600 -700 triệu đồng/năm từ nghề chế tác gỗ lũa như hộ các ông: Trần Xuân Thế, Trần Xuân Tú, Bạch Công Đức…

 Hiện, toàn tỉnh có 11 làng nghề, LNTT được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 2 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất chế biến (2 làng nghề nấu rượu); 7 LNTT thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may (1 LNTT mây tre đan và 6 LNTT dệt thổ cẩm); 2 làng nghề nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (1 làng nghề chế tác đá cảnh, 1 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh). Sự phát triển của làng nghề, LNTT gắn với sự phát triển của một số điểm du lịch như bản Lác - Mai Châu, Động Tiên - Lạc Thủy, hồ Hòa Bình… Du lịch tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề quảng bá sản phẩm, tiếp cận với khách hàng. Nhờ vậy, các cơ sở sản xuất trong làng nghề, LNTT phát triển cả về số lượng, đa dạng về nghề; giá trị sản xuất và xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm ở nhiều lĩnh vực như: dệt thổ cẩm, chế tác đá cảnh, gỗ lũa… Từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều loại sản phẩm mới có chất lượng cao. Hiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, LNTT, gồm: 4 HTX, 6 tổ hợp tác và 746 hộ. Làng nghề, LNTT giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó có trên 700 lao động thường xuyên; doanh thu đạt 30,896 tỷ đồng; thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 Một mùa xuân nữa lại về, các làng nghề, LNTT lan tỏa hơi xuân đến với mọi nhà. Tấm thổ cẩm, con thú bông, chiếc giỏ đựng đồ từ mây tre đan hay những chai rượu sẽ là những món quà ý nghĩa tô điểm cho bức tranh xuân thêm đặc sắc.

Thủy Thu

Các tin khác


Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục