(HBĐT) - Năm 2022, toàn tỉnh có 720 lao động được tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 240% kế hoạch năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), kết quả đạt được chưa bền vững, số lượng lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài còn thấp so với trung bình cả nước. Đồng thời, công tác tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn gặp khó. Tháo gỡ những nút thắt trong xuất khẩu lao động


Lao động trẻ tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu lao động tại Ngày hội việc làm tỉnh năm 2022.

Ở thời điểm trước đây, do xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc giải quyết khó khăn khi người lao động đi XKLĐ bị mất việc làm không tốt, có trường hợp bị mắc kẹt, bỏ trốn. Cá biệt có trường hợp gia đình phải gửi tiền sang để người lao động về nước dẫn đến người dân còn có phần nghi ngại. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, tình hình thị trường XKLĐ nước ngoài ở Việt Nam đang tăng rất cao. 

Hoạt động tuyển chọn lao động xuất khẩu được chấn chỉnh đáp ứng sự tăng trưởng bền vững. Theo đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ngành LĐ-TB&XH đang nỗ lực triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách bài bản, đồng bộ, đồng thời tích cực đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế liên quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ.

Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH thực hiện đổi mới trong việc lựa chọn doanh nghiệp, tập trung đối với những doanh nghiệp có năng lực, uy tín, kinh nghiệm lâu năm. Các doanh nghiệp này sẽ đồng hành, hợp tác một cách sâu sắc, toàn diện với tỉnh, thể hiện bằng việc ký kết chương trình hợp tác lâu dài. Một số doanh nghiệp phối hợp mở lớp dạy tiếng, đào tạo nghề tại tỉnh tạo thuận lợi cho người lao động có nguyện vọng đi XKLĐ. Hỗ trợ và dành điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh, xúc tiến các chương trình tư vấn sàn giao dịch, mở hội nghị triển khai Luật Việc làm và nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; giới thiệu, kết nối doanh nghiệp với chính quyền địa phương.

Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động ngày càng được thắt chặt. Trong đó, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa lao động đi XKLĐ, giải quyết việc làm. Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sau khi hết thời hạn làm việc ngoài nước được quan tâm thực hiện. Phía doanh nghiệp có thể đưa người lao động tiếp tục đi làm việc ngoài nước theo chương trình gia hạn hợp đồng 8 - 10 năm, hoặc kết nối để lao động có thể đến làm việc tại các doanh nghiệp FDI hoạt động trong nước. Mặt khác, doanh nghiệp tuyển chọn có trách nhiệm đồng hành, bảo lãnh để người dân được vay vốn đi XKLĐ, kể cả ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại.

Từ ngày 9/12/2022, Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND do HĐND tỉnh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026 chính thức đi vào cuộc sống. Đối tượng hỗ trợ là người lao động thường trú trên địa bàn tỉnh từ đủ 6 tháng trở lên, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (công lập) trên địa bàn tỉnh hoặc các doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, được Sở LĐ-TB&XH thẩm định, công bố rộng rãi trong tỉnh. Về chính sách hỗ trợ, người lao động được vay vốn ưu đãi lãi suất với mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động.

Tạo bứt phá trong công tác xuất khẩu lao động

Những năm qua, tỉnh xác định XKLĐ nhằm xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm mà còn mục đích đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật để hết thời hạn lao động về nước sẽ góp phần thu hút đầu tư, cống hiến tay nghề, kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Cũng như các địa phương khác, tiến trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh thành công hơn, nhanh hơn có sự góp phần không nhỏ của công tác giải quyết việc làm thông qua chương trình XKLĐ. Ở nhiều tỉnh miền Trung và một số tỉnh như Phú Thọ, Hà Nam, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi lớn nhờ hàng năm đưa được hàng nghìn, hàng vạn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Không chỉ tích luỹ được vốn liếng từ nguồn thu nhập, người lao động còn gửi tiền về xây dựng nhà cửa, cải thiện đời sống gia đình, tích cực hỗ trợ, ủng hộ địa phương làm đường giao thông, xây công trình phúc lợi…



Công ty CP thương mại và công nghệ Tín Phát tư vấn chính sách xuất khẩu lao động cho người lao động 2 xã đồng bào dân tộc Mông Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). 

Hiện nay, ngoài 2 thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Sở LĐ-TB&XH được tỉnh giao thực hiện Chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc). Qua 2 lần làm việc với chính quyền thành phố tiếp nhận lao động, các nội dung của văn bản thỏa thuận giữa hai bên cơ bản được thống nhất, đồng thời Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH đã trả lời đồng ý bằng văn bản. Qua nắm bắt nhu cầu người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc rất lớn, đối tượng được tuyển từ 30 - 55 tuổi, làm việc chủ yếu trong các trang trại nông nghiệp công nghệ cao có điều kiện môi trường tốt, thu nhập cao, nhiều chế độ đãi ngộ. Chương trình sẽ được xúc tiến thực hiện trong năm 2023.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Trong 3 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã giới thiệu cho 10 doanh nghiệp được cấp phép vào các huyện, thành phố tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Nga. Cùng với địa phương, các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về XKLĐ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ giải quyết việc làm gắn với tuyên truyền XKLĐ về chủ trương, chính sách, chế độ, hiệu quả KT-XH đối với lao động đi xuất khẩu tại 10 huyện, thành phố.    

Cũng trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 98 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 33% kế hoạch năm. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động được quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Ngày 12/12/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Tỉnh uỷ xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt chỉ thị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; các ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy trách nhiệm, vai trò giám sát, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để công tác XKLĐ đạt mục tiêu đề ra và dần đi vào nền nếp, bên cạnh việc giải quyết những tồn tại, tỉnh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc phát sinh, sát sao hơn trong tuyên truyền, tư vấn, xác định nhiệm vụ chính là tạo thu nhập "đột phá” để giảm nghèo bền vững. Các địa phương miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo như: Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn, Kim Bôi là vùng trọng điểm tuyên truyền, tư vấn XKLĐ. Ngoài nguồn vốn cho vay đối tượng ngoài chính sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân công, đôn đốc để các huyện quan tâm dành nguồn ưu tiên hỗ trợ người lao động vay vốn đi XKLĐ trong những năm tiếp theo. Với cách làm này sẽ tạo đà và khuyến khích gia tăng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.


Bùi Minh

Đồng hành với doanh nghiệp trong tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm ngoài nước

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Bên cạnh các chức năng, nhiệm vụ khác, trung tâm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng lao động cho đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Những năm gần đây, trung tâm ký kết hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín cung ứng lao động đi làm việc ở ngoài nước, như: Công ty CP thương mại và công nghệ Tín Phát, Công ty xuất nhập khẩu 3-2 Hoà Bình... Trong tháng 2/2023, trung tâm đã ký kết chương trình hợp tác tuyển dụng lao động đi làm việc ngoài nước với các doanh nghiệp: Công ty CP quốc tế tập đoàn Hàn - Việt KVN; Công ty TNHH thương mại quốc tế DAGITA; Công ty CP TOHOKY Sông Đà; Công ty CP thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế; Công ty CP phát triển giáo dục và thương mại Việt Nhật; Công ty CP nhân lực quốc tế Việt… 

Trên cơ sở hợp tác, trung tâm tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tư vấn, giới thiệu việc làm ở nước ngoài trực tiếp đến người lao động. Thông qua đó, trung tâm phát huy vai trò cầu nối, vừa đồng hành với doanh nghiệp trong thông tin, tư vấn, vừa tuyên truyền để người lao động nắm rõ về thị trường lao động ngoài nước, chủ động lựa chọn những doanh nghiệp tin cậy, công việc ổn định, thu nhập tốt. 

Vũ Mạnh Hùng
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Việc làm ngoài nước là cơ hội để thoát nghèo

Cũng như các vùng quê nông thôn khác, đời sống kinh tế của người dân xã Vũ Bình (Lạc Sơn) chưa có nhiều khởi sắc, tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 80%. Trong 3 - 4 năm gần đây, có trên 20 người lao động ở địa phương, nhiều nhất là nhóm lao động trẻ ở các xóm Cài, Cả, Sơ đã tham gia thị trường xuất khẩu lao động.

Đáng mừng là hầu hết người lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều có công việc, thu nhập ổn định và môi trường làm việc tốt. Nhiều lao động xuất cảnh sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc không chỉ tạo lập nguồn vốn tích luỹ mà còn đều đặn gửi tiền về cho gia đình để sửa sang nhà cửa, phát triển kinh tế. Đây cũng là những tín hiệu tốt, động lực để người dân địa phương yên tâm lựa chọn chương trình việc làm ngoài nước. Cấp uỷ, chính quyền xã tiếp tục tạo mọi điều kiện để các đơn vị tuyển dụng đến tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm ngoài nước tại địa phương. Đồng thời, mong muốn người lao động tìm được công việc có mức thu nhập cao, tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững.  

Bùi Văn Hiển
Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình (Lạc Sơn)

Mong muốn được tiếp cận chính sách vay vốn xuất khẩu lao động

Qua thông tin, tuyên truyền, tôi có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại không thuộc diện dân tộc thiểu số nên tôi không thể lo được nguồn kinh phí xuất cảnh.

Được biết, từ tháng 12/2022, chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023 - 2026 có hiệu lực. Năm 2023, tỉnh dành nguồn kinh phí 2 tỷ đồng nhằm bước đầu thực hiện chính sách này, mức tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động. Tôi mong được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thực hiện đảm bảo tiền vay này để có thể tham gia thị trường xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, đóng góp sức lao động vì tương lai của bản thân, gia đình và xây dựng quê hương.   

Phạm Vân Ngọc
Xã Kim Lập (Kim Bôi)



Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục