(HBĐT) - Xác định làm đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quyết định để phát triển kinh tế, cơ sở để thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, xã Phú Vinh (Tân Lạc) tranh thủ mọi nguồn lực và huy động sức mạnh toàn dân sửa chữa, xây dựng nhiều tuyến đường giao thông, tạo thuận lợi đi lại, giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống cho người dân.


Đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã Phú Vinh đi xóm Giác được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào năm 2012, xã gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, đường sá lầy lội, nhiều ổ gà. Giao thông trắc trở nên sản phẩm làm ra thường bị tư thương ép giá. Sau nhiều nỗ lực, tranh thủ các nguồn vốn nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, đường từ trung tâm xã đến đường huyện được bê tông đạt 100%; đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa đạt 86,6%. Tuy nhiên, đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa mới đạt 5,08/9,884 km; đường nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm chỉ đạt 3,418/34,933 km. Nhiều đoạn tại xóm Thỏi Láo, Giác… hầu như là đường đất, lầy lội, đi lại khó khăn vào mùa mưa.

Đồng chí Đinh Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: Thời gian qua, xã đã xây dựng kế hoạch, phát động các phong trào thi đua gắn với xây dựng đường giao thông nông thôn, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, người dân đồng tình, ủng hộ, tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường bao, đóng góp vật liệu, ngày công, tạo thuận lợi triển khai các công trình, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo tốt nhu cầu đi lại cũng như lưu thông hàng hoá của bà con”.

Từ năm 2022 đến nay, từ các nguồn vốn, xã đã triển khai đường giao thông xóm Tân Vinh đi xóm Trao, xã Phú Cường với kinh phí 14,9 tỷ đồng; bê tông hóa đường giao thông xóm Giác dài 2 km, kinh phí 1,4 tỷ đồng; huy động người dân đóng góp 2.280 ngày công, đào đắp 2.200 m3 đất, đá, phát quang 8.100 m2 dọc các tuyến đường, nạo vét nhiều tuyến kênh, mương. Để làm được điều đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của làm đường giao thông nông thôn, tạo sự đồng thuận cao. Từ khi triển khai chương trình, nhiều tuyến đường lầy lội, ổ voi, ổ gà được thay bằng thế bằng những con đường bê tông thuận lợi cho đi lại, xe tải vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế, trẻ em đến trường an toàn.

Là một trong những hộ tiêu biểu, tiên phong hiến đất làm đường, anh Đinh Công Thơ, xóm Giác cho biết: "Tôi nhất trí cao chủ trương của xã về xây dựng, mở rộng đường giao thông. Gia đình tôi hiến 100 m2 đất, bỏ một phần tường bao để đường ngõ rộng rãi, thuận lợi cho phương tiện qua lại. Ban đầu, trong gia đình cũng có người phản đối vì đất đai là ông cha để lại, nhưng vì lợi ích chung của xóm làng, đường sá rộng rãi thì chính gia đình, con cháu mình cũng được hưởng lợi nên mọi người đã nhất trí, ủng hộ”.

Xã Phú Vinh có địa bàn rộng, khu dân cư cách xa nhau, đường giao thông liên xóm, nội xóm gập ghềnh, cắt qua nhiều suối; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nguồn xã hội hóa hạn chế cả về tiền, vật liệu, nhân công lao động. Để giải quyết vấn đề này, xã huy động cán bộ, công chức xã, công an viên, thôn đội trưởng, đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia giúp đỡ các xóm khó khăn. Khi triển khai xây dựng tuyến đường dài 2 km tại xóm Giác, một trong những xóm thuộc diện khó khăn của xã, đội ngũ cán bộ, công chức, chiến sỹ được huy động cùng với bà con thôn bản hồ hởi tham gia đổ bê tông, xắn quần lội suối xây ngầm tràn. Những hình ảnh gần gũi, bình dị đó đã tạo sự đoàn kết, tin tưởng, ấm áp trong bà con, các công trình triển khai cũng thuận lợi hơn.

Khó khăn vẫn còn nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong xã, sự đồng thuận của người dân, tin tưởng xã Phú Vinh sẽ hoàn thành vượt mục tiêu tiêu chí số 2 về giao thông, tạo tiền đề thực hiện các tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí xây dựng xã NTM theo lộ trình.


Hoàng Anh


Các tin khác


Kiểm tra tiến độ dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thuộc lĩnh vực y tế tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Hòa Bình.

Công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 24/5, tại thành phố Việt Trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Ba và công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập

Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện Đà Bắc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đầu tư thâm canh, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.

Huyện Kim Bôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí

Là 1 trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) lớn, có ý nghĩa quan trọng hướng đến xây dựng "tam nông” thịnh vượng, Chương trình MTQG xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị và người dân các xã huyện Kim Bôi dồn sức hoàn thiện, phấn đấu về đích theo đúng lộ trình.

Cao Phong nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới

Theo kế hoạch, kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Cao Phong sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Tính đến thời điểm này, huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện phấn đấu đưa xã Thạch Yên về đích NTM và xã Bắc Phong về đích NTM nâng cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện 5/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Trong thời gian qua, hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực, thể hiện ở tỷ lệ các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, số lượng và giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng, có nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2018, tỉnh đẩy mạnh hoạt động ươm tạo DN khoa học và công nghệ (KH&CN), hỗ trợ thành lập DN, tổ chức KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh có 15 tổ chức KH&CN. Các tổ chức, DN đã ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực đăng ký.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục