(HBĐT) - Hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ số chiếm trọng số tương đối cao trong 10 chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh. Nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, tỉnh ta đã chỉ đạo và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư (NĐT) đến với tỉnh.


Công ty TNHH GGS Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình). Công ty luôn được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thời gian giải quyết thủ tục đầu tư kéo dài, khó tiếp cận đất đai

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các NĐT gắn với giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2023. Qua đối thoại có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp, NĐT trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp mất thời gian, công sức khi triển khai các dự án đầu tư là thủ tục hành chính (TTHC) và tiếp cận đất đai. Ông Hà Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện giao đất và tính tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định giá đất cụ thể khi giao đất, cho thuê đất, đấu giá đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), dẫn đến nhiều kiến nghị, thắc mắc. Thời gian giải quyết kéo dài ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Mặc dù được uỷ quyền giao cho UBND cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất nhưng vẫn còn lúng túng, triển khai rất chậm. Có nhiều doanh nghiệp dù đã theo đuổi dự án nhiều năm nhưng các thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục về đất đai vẫn "dậm chân tại chỗ" khiến không thể triển khai dự án. 

Đồng tình với ý kiến của ông Hà Văn Thắng, đại diện Công ty TNHH Bình Phú Invest (NĐT hạ tầng KCN Bình Phú, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình) bày tỏ đã nhiều lần phải "cầu cứu" các cơ quan chức năng do hiện nay công tác đền bù, GPMB, thu hồi đất, tái định cư liên quan đến khu công nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc. Một số hộ dân trong diện di dời, GPMB chưa đồng tình với chi phí bồi thường theo quy định đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB nên kéo dài thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt là hiện tượng một số hộ dân (thuộc xóm Suối Ngành) tiếp tục chôn cất người mới mất tại khu đất đã có thông báo thu hồi đất, gây khó khăn cho việc di dời mồ mả. Tuy nhiên hiện nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết. 

Không chỉ khó khăn trong công tác đền bù, GPMB, các NĐT cho biết hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục về tách thửa. Cụ thể, các doanh nghiệp phản ánh được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các khu đất đấu giá trụ sở cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tách thửa. Một số khu đất sau khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá hoàn thành các thủ tục, nghĩa vụ với Nhà nước, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (là đất ở, có diện tích nhỏ, bám mặt đường chính), khi đề nghị tách thửa không được cơ quan có thẩm quyền thực hiện, yêu cầu phải lập dự án nhà ở, việc này chưa đúng với Quyết định bán tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của UBND tỉnh đã phê duyệt (các quyết định của UBND tỉnh không có nội dung sau khi người mua được tài sản phải lập dự án nhà ở…). Do đó, các tổ chức, cá nhân được nhận đất đấu giá không triển khai được, đất bỏ hoang, gây lãng phí, thiệt hại, mất cơ hội kinh doanh. 

Điều đáng nói là với những vướng mắc nêu trên, doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải quyết và chưa được tháo gỡ một cách kịp thời. Theo bà Nguyễn Thị Hợp, Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại Dạ Hợp, có nhiều TTHC khi triển khai thực hiện doanh nghiệp không được hướng dẫn một cách cụ thể, phải đi lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, không ít doanh nghiệp nản chí bởi thời gian với doanh nghiệp cũng chính là tiền, là kinh phí đầu tư. 

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Các khu, cụm công nghiệp không có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tình trạng điện sản xuất không ổn định gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp..... 

Đồng loạt các giải pháp tháo gỡ

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NĐT gắn với giải pháp nâng cao chỉ số PCI, tỉnh ta xác định thực hiện quyết liệt công tác quy hoạch. UBND tỉnh đã hoàn thành xây dựng đồ án quy hoạch chung toàn tỉnh và đã được các bộ, ngành T.Ư thẩm định. Đây là đột phá chiến lược quan trọng góp phần đưa KT-XH của tỉnh phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT cho biết: Quy hoạch tỉnh Hòa Bình tập trung 5 khâu đột phá phát triển là: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh. Trong đó có 2 khâu được xác định là đột phá có vị trí then chốt là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực…

Về không gian phát triển, Hòa Bình định hướng phát triển KT-XH theo 2 hành lang: Hành lang kinh tế Đông – Tây (gắn với QL6 và CT.03) với chủ trương phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây tỉnh Hòa Bình là một bộ phận của hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; Hành lang kinh tế phía Đông (gắn với đường Hồ Chí Minh và CT.02): Phát triển hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Hòa Bình gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc CT.02 qua Lương Sơn (giáp Hà Nội) - Lạc Thủy - Yên Thủy - Lạc Sơn (giáp tỉnh Thanh Hóa). Hiện nay, trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành T.Ư, Sở KH&ĐT đã triển khai các bước hoàn thiện đồ án quy hoạch chung để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, tỉnh sẽ công bố quy hoạch đến các doanh nghiệp, NĐT. Qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư vào tỉnh. 

Song song với công tác quy hoạch, một trong những giải pháp lâu dài mà tỉnh triển khai là tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo gắn với chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh. Trong đó xác định trọng tâm cải cách TTHC là thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính điện tử. 

Cùng với những giải pháp mang tính lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cấp bách tháo gỡ khó khăn đối với từng doanh nghiệp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để NĐT sản xuất, kinh doanh tại Hòa Bình. Tại Thông báo kết luận số 1552 của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành trực tiếp trả lời và có hướng giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp.

 Thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều sở, ngành có liên quan đã tổ chức các hội nghị đối thoại, trao đổi riêng để cùng bàn giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, tại cuộc đối thoại giữa ngành Ngân hàng với các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Ngân hàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Theo đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để góp phần giải quyết khó khăn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cần bám sát tình hình thực tế để huy động vốn; giảm lãi suất theo mức sàn hợp lý… Đối với các ngân hàng thương mại cần phối hợp, đồng hành với các doanh nghiệp, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giúp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Giữa các ngân hàng thương mại cần có cơ chế phối hợp, liên thông trong hoạt động… Đồng thời, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục pháp lý, đẩy mạnh hoạt động thương mại, bán hàng, tạo luân chuyển dòng tiền; cơ cấu lại nguồn vốn trong đầu tư công nhằm đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển KT-XH…


Cục Thuế tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

UBND tỉnh cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Với nguồn vốn 2 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực và khả năng thích ứng với tình hình thực tiễn, từ đó tạo đà cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn và huấn luyện ứng dụng các nền tảng số, góp phần giúp các doanh nghiệp củng cố, tối ưu hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động. 

Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của lực lượng Công an, Giám đốc Công an tỉnh đã thành lập "Tổ tư vấn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong lực lượng Công an tỉnh”. Tổ tư vấn do đồng chí Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo, có nhiệm vụ tiếp nhận, tư vấn, giải đáp những ý kiến phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về những khó khăn trong công tác giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh và công tác đảm bảo ANTT. Thực hiện hỗ trợ pháp lý, cập nhật, tuyên truyền thông tin về các TTHC và các văn bản mới được ban hành liên quan đến doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt, giải quyết dứt điểm các vấn đề mới phát sinh liên quan đến tình hình ANTT trên địa bàn có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Phối hợp các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. 

Đinh Hòa

Nhóm ý kiến:

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn

Thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trên địa bàn. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc quy định về lãi suất; đẩy mạnh huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận vốn vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, sẽ tạo thêm kênh "tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý...

Ngô Quang Lợi

Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hoà Bình


Nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính về đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải cách các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, đặc biệt là thời gian thực hiện TTHC giảm đối với nhiều thủ tục đã được rút ngắn. Nhằm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đất đai, Sở TN&MT xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, chỉnh lý tài liệu, hồ sơ địa chính. Tăng cường công tác kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ gốc khi thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC. Tích cực phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đối với cơ quan. Thường xuyên trao đổi để cùng thống nhất, tháo gỡ và giải quyết những tồn tại. Điều chỉnh, tăng tốc độ xử lý, khắc phục các lỗi còn tồn tại và thêm một số bước trong phần mềm một cửa điện tử, bổ sung các đơn vị có liên quan trong giải quyết TTHC vào phần mềm để kịp thời theo dõi, đôn đốc, nắm bắt quá trình giải quyết hồ sơ, đảm bảo hồ sơ được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.

Doãn Quang Hưng

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường



Các tin khác


Khách sạn đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được công nhận tiêu chuẩn 4 sao

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-CDLQGVN về việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với khách sạn Sakura (tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình). Theo đó, trên cơ sở căn cứ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công nhận khách sạn Sakura đạt tiêu chuẩn 4 sao trong 5 năm, kể từ tháng 4/2024.

Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục