Khai thác điều kiện tự nhiên đồi rừng, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, những năm qua, nghề nuôi ong tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy) ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế. Sản phẩm mật ong xã Yên Bồng có chất lượng cao, được thị trường đón nhận, là bạn hàng của nhiều đối tác trong vào ngoài tỉnh. Qua đó, nghề nuôi ong mật trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.


Mô hình nuôi ong mật của ông Vũ Văn Hiến, thôn Mạnh Tiến 1, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.

Đồng chí Quách Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết: "Nghề nuôi ong được đánh giá là phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương. Do đó, xã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Nghề nuôi ong hiện là một trong những hướng phát triển kinh tế triển vọng của xã. Với định hướng khuyến khích đa dạng ngành nghề, việc phát triển, nhân rộng nghề nuôi ong đóng góp đáng kể vào giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, xã mở các lớp tập huấn về chăm sóc đàn ong, phòng trừ dịch bệnh".

Ông Vũ Văn Hiến, thôn Mạnh Tiến 1 nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong. Hiện, gia đình ông có trên 100 đàn, mỗi vụ thu gần 1,5 tấn mật, thường được tư thương đến tận nhà đặt cọc để thu mua.  Ông Hiến cho biết: "Những năm qua, đúc kết kinh nghiệm từ nuôi ong, hướng đến tiêu chí sản phẩm sạch nên mật ong của gia đình luôn được tư thương thu mua với giá 100.000 đồng/lít mật thường, 200.000 đồng/lít mật nhãn, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm".

Nghề nuôi ong không cần nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực, đem lại thu nhập ổn định, do đó không ít người đã chuyển sang nuôi ong. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn nên không phải hộ nào cũng có thể theo nghề được. Ông Hiến chia sẻ thêm: "Đối với nghề nuôi ong, điều quan trọng nhất là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, cho lượng mật cao. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào như hoa keo, nhãn... do vậy chi phí cho mỗi đàn ong không đáng kể. Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch bệnh cũng được đặt lên hàng đầu".

Hiện, xã Yên Bồng đã thành lập câu lạc bộ nuôi ong mật với 22 thành viên. Ông Dương Văn Ưu, Chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi ong mật cho biết: "Mật ong của xã luôn được đảm bảo, khẳng định chất lượng qua nhiều năm, tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng đầu tư nuôi ong với hàng trăm đàn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hàng tháng, tổ hợp tác sinh hoạt định kỳ, cùng bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong giữa các hộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mật ong của các hộ được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả phải chăng, nhiều hộ mong muốn được gia nhập câu lạc bộ”.

Từ mô hình cho thấy, nghề nuôi ong là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sản phẩm có chất lượng, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ. Các hộ đã áp dụng KHKT, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch. Tỉ mỉ từ khâu chăm sóc, lấy mật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng đến tạo thương hiệu, nâng cao giá trị cho mật ong; tăng cường quảng bá qua các kênh thông tin, đưa sản phẩm tới gần hơn với thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngoài tiêu thụ trong huyện, sản phẩm mật ong của xã còn có mặt ở nhiều cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch ngoại tỉnh.

Từ hiệu quả cao của nghề nuôi ong lấy mật, xã Yên Bồng tiếp tục vận động người dân khai thác lợi thế đồi rừng, tăng đàn, áp dụng KHKT trong chăm sóc, phát triển đàn, khai thác mật ong cùng các sản phẩm khác; hỗ trợ các kênh vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,7 triệu đồng/năm.

Hoàng Anh

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục