Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.


Mô hình nuôi dê của gia đình anh Lường Văn Bành, xóm Hày, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) bước đầu cho hiệu quả kinh tế.

So với những vật nuôi khác, con dê có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt, phù hợp địa bàn vùng cao của xã Đồng Ruộng. Để nuôi dê, người dân không phải tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu, không tốn nhiều tiền mua thức ăn. Chuồng nuôi có thể tận dụng chuồng bò, chuồng lợn cũ sau khi chuyển đổi vật nuôi, quây lưới, bảo đảm thoáng mát về mùa Hè, mùa Đông quây bạt kín để tránh rét, mái kín, không để nước mưa tạt vào. Dê được nuôi dưỡng tốt sau 10 tháng bắt đầu sinh sản. Một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 3 con, sau 6 - 7 tháng có thể xuất bán, trọng lượng đạt 20 - 30 kg/con. Giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Nhiều hộ đầu tư nuôi dê cho hiệu quả cao như gia đình các anh: Lường Văn Viết (xóm Hạ), Lường Văn Bành, Lường Văn Viến (xóm Hày)...

Đồng chí Hà Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: "Xã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình nuôi dê từ đầu năm 2023, hiện toàn xã có trên 10 hộ nuôi với tổng đàn hơn 300 con, hộ ít nuôi 4 - 5 con, nhiều hộ có đàn lên 40 - 50 con, tập trung nhiều ở các xóm: Hạ, Hày, Nhạp. Dê giống được lựa chọn chủ yếu là giống dê cỏ vì dễ nuôi, dễ thích nghi với thời tiết, ít dịch bệnh. Từ phát triển nuôi dê, đời sống kinh tế của bà con khởi sắc hơn, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập”.

Thăm mô hình nuôi dê của hộ anh Lường Văn Bành, xóm Hày, là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi vật nuôi sang nuôi dê. Anh Bành cho biết: Trước kia, gia đình tôi nuôi lợn để phát triển kinh tế, tuy nhiên đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh, thậm chí có năm tiền mua giống còn đắt hơn tiền bán lợn. Đầu năm 2023, gia đình chuyển sang nuôi dê với 5 con, vốn đầu tư ban đầu gần 20 triệu đồng, đến nay đàn dê đã có gần 20 con. Nuôi dê khá nhàn vì đây là loài vật ít bệnh, ăn tạp. Vừa nuôi nhốt kết hợp bãi chăn thả để dê nhanh lớn, thịt dê đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển mô hình, anh Bành cho biết thêm: Nguồn thức ăn của dê khá phong phú. Hàng ngày, khi mặt trời lên cao, cây cỏ hết sương mới đi cắt lá cho dê ăn để tránh bị lạnh bụng, dễ ốm; đến chiều tối lùa từ bãi thả vào chuồng. Dê là loài tạp ăn, nhiều loại lá cây và cả phế phụ phẩm nông nghiệp chúng đều có thể ăn được. Chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ và phải có bãi chăn thả rộng rãi, vừa cho vật nuôi vận động, tăng chất lượng thịt, vừa để người nuôi tiện quản lý, theo dõi đàn, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chất thải tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Nghề nuôi dê phù hợp với địa bàn, nhất là với đặc điểm ít bãi bằng như xã Đồng Ruộng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, chi phí cho thức ăn chăn nuôi tương đối thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại vật nuôi truyền thống khác. Hiện, dê đang được tiêu thụ trong địa bàn huyện, nhiều tư thương, nhà hàng từ các địa bàn lân cận cũng liên hệ, đặt mua.

Mô hình nuôi dê ở xã Đồng Ruộng bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương. Để hỗ trợ bà con, xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tăng cường quảng bá về sản phẩm của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các kênh tín dụng chính sách, tiếp tục tăng đàn, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 28 triệu đồng/ người/năm.

Hoàng Anh


Các tin khác


Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Đoàn đại biểu người có uy tín tỉnh tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn

Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức đoàn đại biểu người có uy tín gặp mặt lãnh đạo tỉnh và đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn từ ngày 9/4 - 11/4. Đoàn gồm 42 người, trong đó 32 người có uy tín, 10 cán bộ phục vụ. Đây là nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự buổi gặp mặt đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục