Tròn 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều đã học được cách chống đỡ với các cú sốc, nhưng có thể nhận thấy, vẫn còn những lĩnh vực chưa phát triển đúng với tiềm năng.

Nhìn lại 3 năm gia nhập WTO, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan, bởi chính trong khủng hoảng, những mặt mạnh, mặt yếu của nền kinh tế càng bộc lộ rõ.

Bằng sự ứng phó linh hoạt của Chính phủ, về cơ bản Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng. Nếu nhìn vào tỉ trọng đầu tư toàn xã hội trong 2-3 năm trở lại đây, tỉ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên trên 20%, thậm chí có năm lên tới 30%, trong khi trước đó chỉ dừng lại ở mức 15-16%. Điều đó cho thấy tính hấp dẫn và tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

75% doanh nghiệp Việt Nam, qua khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận môi trường kinh doanh Việt Nam năm nay sẽ tốt hơn năm trước.

Thương mại dịch vụ cần được quan tâm

Tuy nhiên, vấn đề khiến cho các chuyên gia và doanh nghiệp đều tỏ ra băn khoăn là cần phải làm gì để tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam khi hội nhập, đặc biệt khi các sản phẩm trong nước đang bị hàng ngoại giá rẻ ồ ạt kéo vào “đánh bạt” ngay trên sân nhà.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, các doanh nghiệp cần biết phát huy lợi thế của mình để tăng sức cạnh tranh, trong đó thương mại dịch vụ là một ưu thế lớn. Việt Nam vẫn thường hô hào là "Người Việt dùng hàng Việt" nhưng tại sao không đưa ra khẩu hiệu "Người Việt sử dụng dịch vụ Việt"?

Điều đáng nói ở đây là nhận thức, từ các cấp lãnh đạo đến các nhà hoạch định chính sách và các cấp thực hiện, cần phải hiểu rõ vai trò của thương mại dịch vụ trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho ngành này phát triển về nhân lực, mức độ mở cửa, lộ trình mở cửa.

Phát triển thương mại dịch vụ chủ yếu liên quan đến chính sách “sau đường biên giới” chứ không phải chính sách trên đường biên giới. Đó là toàn bộ cải cách trong nước, ví như vấn đề tiêu chuẩn hóa, cấp phép, thủ tục hành chính, quy hoạch…, ông Thành phân tích.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng Nhà nước cũng nên có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng trong nước. Tuy nhiên bà Tín cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất nhiều để đưa ra những dòng sản phẩm có chất lượng và dịch vụ tốt phù hợp với người Việt Nam.

Theo giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Mại, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoàn toàn có thể sử dụng các yếu tố kỹ thuật trong quá trình thực hiện cam kết WTO.

Dường như vấn đề này chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thực sự lưu ý. Đơn cử là dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về thuế xuất nhập khẩu với nội dung giảm ưu đãi về nhập khẩu thiết bị, mới đây được điều chỉnh theo hướng đặt ra thêm điều kiện “các trang thiết bị ấy Việt Nam chưa sản xuất được”.

“Tôi rất lo ngại không biết ai sẽ kiểm tra xác định thiết bị đó sản xuất được, sản xuất đủ ở Việt Nam, quy định như thế sẽ dẫn đến thủ tục hành chính rất lôi thôi. Theo tôi không nên thêm điều kiện này. Chính phủ cần yêu cầu các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, chủ động đối phó với các doanh nghiệp vi phạm bán phá giá tại Việt Nam và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển”, ông Nguyễn Mại bình luận.

Cần khuyến khích đầu tư ra nước ngoài

Trong khi các doanh nghiệp tại thị trường trong nước đang tìm cách phát huy tối đa lợi thế về thương mại dịch vụ thì các doanh nghiệp có dự định đầu tư ra nước ngoài tỏ ra khá băn khoăn khi vẫn thiếu nhiều chính sách cho lĩnh vực này.

Hiện con số đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tương đối khiêm tốn. Cho đến năm 2009 chỉ có chưa đến 1 tỷ USD vốn thực hiện. Năm nay cam kết có nhiều hơn, nhưng đó cũng chỉ mới là khả năng, để trở thành hiện thực còn một quãng đường dài.

Bên cạnh việc khắc phục những hạn chế của các ngân hàng trong khâu chuyển tiền ra nước ngoài, doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có những ưu đãi về thuế để họ khẳng định được chỗ đứng ở thị trường tiềm năng.

Chính sách thuế và những kiến thức bổ trợ là rất cần thiết. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình chính trị-kinh tế-xã hội của thị trường bạn để có thể lựa chọn phân khúc đầu tư.

Đã đến lúc Bộ Kế hoạch&Đầu tư cần phải có một chiến lược thực sự đầy đủ để giúp đỡ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam xuất hiện ở các thị trường lân cận như Lào, Campuchia, sau đó là các thị trường khác. Hệ thống các doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo kỹ lưỡng những bộ phận làm về pháp chế để tránh những sai lầm do không hiểu biết khi hội nhập kinh tế quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng Tín chia sẻ.

Về phía các doanh nghiệp, giáo sư Nguyễn Mại lưu ý nên chú trọng hơn đến chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp cần phải lựa chọn những thị trường mà Việt Nam có thế mạnh nhất, trước hết là Campuchia và Lào. Ở đó có những doanh nghiệp rất thành đạt như Viettel ở Campuchia, Hoàng Anh Gia Lai ở Lào và các doanh nghiệp khác có thể học hỏi thành công từ đó.

Khi đầu tư ra nước ngoài các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách liên kết lại với nhau để có những dự án tầm cỡ, chiếm lĩnh thị trường giống như bà con Việt kiều ở Canada đã “bao trọn” cả thị trường mỳ ăn liền ở đây.

Theo giáo sư Nguyễn Mại, năm nay sẽ là năm diễn biến không thuận chiều đối với doanh nghiệp vì thắt chặt tín dụng là một xu hướng hầu như chắc chắn.

Thống đốc Ngân hàng đã công bố tín dụng năm nay sẽ giảm xuống còn khoảng 25%. Do đó, doanh nghiệp phải sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, chắt chiu hơn, tính toán kỹ lưỡng nên sản xuất cái gì, bán cho ai./.

                                                                                 Theo TTXVN

Các tin khác


Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục